Tình trạng học ca ba trên địa bàn TP.Biên Hòa (Đồng Nai) vẫn chưa thể chấm dứt dù cơ quan chức năng đã cố gắng nỗ lực xóa bỏ.
Trong bài phát biểu giải trình tại kỳ họp HĐND tỉnh Đồng Nai cuối năm 2015, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái nhấn mạnh trong năm 2016 tập trung nguồn vốn hỗ trợ cho TP.Biên Hòa đầu tư cho ngành giáo dục nhằm xóa bỏ các lớp học ca ba. Tuy nhiên đến nay thực trạng trên vẫn không hề thay đổi.
Một phường có 3 trường học ca ba
Theo Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa, năm học 2016-2017, số học sinh (HS) bậc tiểu học (TH) và trung học cơ sở (THCS) tăng cao, tổng cộng 8.150 em. Trong khi đó việc đầu tư, xây dựng trường lớp trên địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu, do vậy tình trạng học ca ba vẫn diễn ra.
|
Tại P.Long Bình, nơi có 3 trường TH phải học ca ba. Cụ thể, Trường TH Nguyễn Chí Thanh, năm học này có 3.550 HS chia thành 68 lớp, với 32 phòng học. Nhà trường chỉ tổ chức được 64 lớp học, 4 lớp còn lại phải học ca ba. Tương tự, Trường TH Phan Đình Phùng có 74 lớp với 3.530 HS nhưng chỉ có 30 phòng học tổ chức được 60 lớp, 14 lớp phải học ca ba. Trường TH Phan Bội Châu có 48 lớp, với 2500 HS, có 6 lớp phải tổ chức học ca ba. Ngoài ra, ở cả ba trường này đều phải chịu áp lực tỷ số HS rất lớn, thấp nhất 48 em, riêng khối lớp 1 mỗi lớp đều 60 em.
Ở xã Phước Tân có Trường TH Phước Tân với ít nhất 6 lớp học ca ba. Tại P.Tân Hiệp, Trường TH Lý Thường Kiệt, có 6 lớp phải tổ chức ca ba nếu nhà trường không thuê mướn được cơ sở bên ngoài để giảng dạy. Còn Trường TH Phan Chu Trinh (P.Tân Phong) do không đủ phòng học cho 9 lớp nên nhà trường đã mượn cơ sở của Giáo xứ Thái Hiệp nên tránh học ca ba.
Lấy lại mặt bằng, ngậm ngùi ca ba
Nhức nhối nhất vẫn là Trường TH Trảng Dài (P.Trảng Dài), đây là điểm nóng về tình trạng học ca ba của TP.Biên Hòa. Nguyên nhân do số người nhập cư vào phường quá đông nhưng cơ sở trường lớp còn hạn chế, chỉ có 2 trường tiểu học. Nhà trường cũng phải tổ chức dạy ca ba, mượn phòng, mượn lớp ở nơi khác. Năm học 2015 – 2016, do mượn được cơ sở của Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai và Trường TH Hà Huy Giáp để tổ chức dạy cho 27 lớp, tạm thời giải quyết được bài toán ca ba. Tuy nhiên, năm nay hai cơ sở trên lấy lại mặt bằng nên tình trạng học ca ba lại tiếp diễn với 32 lớp.
Đối với những trường tiểu học khác,mặc dù chưa xảy ra tình trạng ca ba nhưng số HS hiện đã quá tải, quá quy định như: Trường TH Nguyễn Du, Trịnh Hoài Đức, Quang Vinh, Hòa Bình, Hóa An, Bình Đa… Về bậc THCS, theo đánh giá của Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa, do số lượng lớp 9 tốt nghiệp ra trường thấp hơn nhiều so với số HS vào lớp 6, cho nên nguy cơ vài năm nữa tình trạng ca ba sẽ lan sang bậc THCS.
Sở, Phòng đồng loạt “kêu cứu”
Để giải quyết vấn nạn trên, Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa đề xuất UBND TP xây dựng gấp 12 trường TH và 7 trường THCS. Về phía Sở GD-ĐT Đồng Nai, ông Đào Đức Trình (Phó Giám đốc) kiến nghị UBND tỉnh nhanh chóng cho thu hồi các dự án đã giao cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP.Biên Hòa nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả giao cho ngành giáo dục xây dựng trường lớp.
Ngoài ra, hỗ trợ nguồn kinh phí cho TP.Biên Hòa trong việc đền bù, giải tỏa, tái định cư đối với các dự án xây dựng trường học đã phê duyệt. Yêu cầu các nhà đầu tư khi lập dự các khu dân cư có từ 300 hộ trở lên phải đầu tư xây dựng cả trường mầm non và trường tiểu học công lập để phục vụ trẻ em khu dân cư đó. Các đơn vị quân đôi đóng quân trên địa bàn có khu gia đình quân nhân phải đành đất để xây dựng trường mầm non, tiểu học…
Lê Lâm (TNO)
Bình luận (0)