Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Biến học ngoại ngữ từ áp lực thành động lực

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng một trong những thách thức lớn nhất của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nước ta chính là khả năng sử dụng tiếng Anh. Do đó, cần sớm chuyển việc học tiếng Anh từ áp lực thành động lực, đẩy nhanh phổ cập tiếng Anh cho giới trẻ.

Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức hội thảo “Định hướng chiến lược dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2016-2020”. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, giảng viên, sinh viên các trường đại học ngoại ngữ, khoa ngoại ngữ một số trường đại học lớn, đại diện giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý các sở giáo dục và đào tạo, một số tổ chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ… 

* Ưu tiên đào tạo theo hướng tiếp cận chuẩn năng lực quốc tế 
Tại hội thảo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng việc dạy, học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh cần được đặt trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, nhất là tham gia Hiệp định TPP và Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Hiện nay, một trong những thách thức lớn nhất của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nước ta chính là khả năng sử dụng tiếng Anh. Do đó, cần sớm chuyển việc học tiếng Anh từ áp lực thành động lực, đẩy nhanh phổ cập tiếng Anh cho các đối tượng, đặc biệt là giới trẻ. 
Bộ trưởng chỉ rõ: Một trong những nhiệm vụ cần ưu tiên triển khai trong thời gian tới là đánh giá bài học kinh nghiệm trong triển khai dạy, học ngoại ngữ thời gian qua để xây dựng, triển khai hiệu quả chiến lược dạy và học ngoại ngữ theo hướng kiến tạo, hội nhập. Việc đào tạo cần dựa trên cơ sở tăng cường hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế có kinh nghiệm trong việc dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là các quốc gia đã phát triển thành công tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 cần huy động thêm sự tham gia của các chuyên gia, giảng viên giỏi, có nhiều kinh nghiệm ở Việt Nam và quốc tế. Mặt khác, cần tăng cường liên kết giữa cơ quan quản lý giáo dục các cấp với các tổ chức chính trị xã hội và cơ sở đào tạo ngoại ngữ để huy động nguồn lực đảm bảo dạy và học ngoại ngữ tốt hơn. 
Đặc biệt, cần tập trung đầu tư vào việc bồi dưỡng nâng cao năng lực người dạy, chất lượng nguồn học liệu và phương tiện dạy học; nâng cao chất lượng công tác khảo thí nhằm đáp ứng nhu cầu học tập ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh cho mọi đối tượng người học.
Bộ trưởng khẳng định sẽ ưu tiên trước hết cho đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ các cấp theo hướng tiếp cận chuẩn năng lực giáo viên ngoại ngữ quốc tế và vận dụng phù hợp với năng lực, điều kiện thực tiễn của giáo viên Việt Nam. Bộ trưởng yêu cầu rà soát lại khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc cho người học ngoại ngữ của Việt Nam cũng như khung năng lực giáo viên tiếng Anh Việt Nam (ETCF); tài liệu giảng dạy phù hợp theo hướng tiếp cận thực tế và quốc tế. 
Trên cơ sở đó tiến hành đánh giá năng lực và nhu cầu trước khi thiết kế chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho phù hợp, hiệu quả, cập nhật với xu thế tự học, tự bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, ngay tại chỗ trên cơ sở nguồn học liệu trực tuyến và hỗ trợ của đồng nghiệp. Bên cạnh đó, cần tăng cường trao đổi chuyên gia, giảng viên, giáo viên, tình nguyện viên với các nước bản ngữ để tạo môi trường giao tiếp, nâng cao năng lực ngoại ngữ…
Chương trình, tài liệu, phương tiện dạy và học ngoại ngữ phải đảm bảo chất lượng trên cơ sở phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng người học. Trong đó chú trọng nhu cầu học ngoại ngữ đa dạng của giới trẻ; tăng cường sử dụng giải pháp công nghệ, phương tiện phát thanh, truyền hình nhằm hỗ trợ các đối tượng có thể tiếp cận bình đẳng với ngoại ngữ, có thể học mọi nơi, mọi lúc và đạt được năng lực sử dụng ngoại ngữ như mong muốn. 
Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để tăng cường xã hội hóa hoạt động đào tạo ngoại ngữ, tăng cường hợp tác quốc tế và đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa để tạo môi trường giao tiếp bằng ngoại ngữ. Bộ trưởng đề nghị các tổ chức Đoàn, Đội, Hội xây dựng và tổ chức các cộng đồng học tập ngoại ngữ. Các trường/khoa chuyên ngữ cần xây dựng chương trình đào tạo để sinh viên ra trường phải đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ quốc tế.
Bộ trưởng cũng lưu ý cần xác định đúng, rõ lộ trình và các nhiệm vụ ưu tiên trong mở rộng, nâng cao chất lượng dạy – học ngoại ngữ; chuẩn bị tốt trước khi triển khai trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng, hiệu quả, không làm vội, làm ẩu. Các địa phương, đơn vị chủ động đề xuất lộ trình, kế hoạch phù hợp với nhu cầu và điều kiện tổ chức dạy – học ngoại ngữ của địa phương, đơn vị.
Về khảo thí, Bộ trưởng chỉ đạo xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng cập nhật với chuẩn quốc tế; đánh giá thường xuyên năng lực của các trung tâm khảo thí, đặc biệt là 10 trung tâm được Bộ giới thiệu tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc. 
Ngoài ra, các đơn vị chức năng cần đẩy nhanh xây dựng trung tâm đánh giá ngoại ngữ độc lập cấp quốc gia để hỗ trợ và giám sát công tác khảo thí ngoại ngữ trong cả nước. Mặt khác, cần cương quyết đóng cửa các trung tâm khảo thí không đảm bảo chất lượng, có biểu hiện tiêu cực.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hữu quan, UBND các tỉnh/thành phố, đơn vị liên quan hoàn thiện cơ chế chính sách, cơ sở vật chất, tài chính và môi trường học tập nhằm thực hiện thành công chiến lược dạy và học ngoại ngữ trên quy mô toàn quốc.
* Tạo cơ hội giao lưu quốc tế cho thanh niên
Các đại biểu tham dự hội thảo đã khẳng định thành công ban đầu của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, chia sẻ bài học kinh nghiệm trong thực tiễn dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam và một số quốc gia khác trên thế giới. Các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam thời gian tới như tạo thêm cơ hội giao lưu quốc tế cho thanh niên, không cần tăng giờ dạy chính khóa vì sẽ tạo ra nhiều áp lực cho nhà trường mà nên tăng cường tổ chức các hoạt động dạy học ngoài giờ, phát triển cộng đồng học tập tiếng Anh

Một ý kiến tại hội thảo.

Tiến sỹ Trần Xuân Thảo – Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng, phổ cập tiếng Anh là cần thiết và cấp bách, cần phải tăng cường xã hội hóa để huy động tối đa các nguồn lực, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và điều kiện phục vụ phổ cập tiếng Anh hiện nay. 

Bên cạnh việc tổ chức lại và nâng cao chất lượng hệ thống dạy – học ngoại ngữ chính quy, có thể cho phép học sinh chọn học ngoại ngữ ở ngoài trường trên cơ sở tự nguyện, miễn là các em đáp ứng được yêu cầu về đầu ra. Thạc sỹ Nguyễn Công Trí (Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ sự quan ngại về chất lượng học tập ngoại ngữ của sinh viên khối không chuyên trong bối cảnh các trường đang thiếu giáo viên ngoại ngữ giỏi.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Cherry Gough, Giám đốc Hội đồng Anh cho rằng Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất đối mặt với việc tìm ra phương pháp dạy và học tiếng Anh đạt chất lượng. Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đã kịp thời giúp Chính phủ có quyết sách lớn về vấn đề dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam. Hội đồng Anh mong muốn sẽ tiếp tục hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ các dự án Teaching for Sucess, English Impact cũng như kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên nguồn, phương pháp dạy – học và kiểm tra, đánh giá trong đào tạo tiếng Anh. 
Ông Michael Cahill, Giám đốc khu vực của National Geographic Learning, thuộc tổ chức giáo dục và đào tạo Cengage Learning, Hoa Kỳ, cũng cho rằng chìa khóa tạo nên đột phá về chất lượng chính là động lực của người dạy và người học. Ông Michael cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh để giúp họ đạt được mục tiêu nâng cao năng lực giảng dạy tiếng Anh bằng tiếng Anh và giúp họ có phương pháp tạo cảm hứng, tạo động lực tiếng Anh cho học sinh.

PV/ Tin tức
 

 
 

 

Bình luận (0)