Mặt trời nhô lên khỏi mặt nước lóng lánh ánh bạc. Gió thổi nhẹ lung lay cây dừa nước ven bờ. Mặt đầm nhấp nhô sóng. Những con sóng nhỏ nối nhau chạy đua vào bờ, nhưng bờ còn xa lắc.
Tôi như lạc vào giữa biển cả mênh mông dù độ sâu của nước chưa đầy 2m. Đầm Thị Tường hiền hoà đùm bọc người dân nghèo khó bao đời nay. Con cá, con tôm đã đem đến cho họ ấm no, hạnh phúc.
Huyền ảo đầm Thị Tường
Theo truyền thuyết của người dân tại đây, ngày xưa chúa Hổ cầu hôn con gái vua Thuỷ tề không được nên nổi giận sai bầy chim khổng lồ lấp biển. Trong vùng có người con gái tên Tường, ngày đêm dũng cảm đứng ra xua đuổi bầy chim hung tợn. Những khoảng trống còn lại nguyên vẹn không bị đá che lấp để cá tôm sinh sản nuôi sống con người. Cảm kính trước công đức của bà Tường, người ta lấy tên bà mà đặt cho đầm.
Còn theo những người lớn tuổi thì ngày xưa có người con gái tên Tường đến đây khai cơ lập nghiệp đầu tiên. Truyền thuyết có những sắc màu huyền ảo của nó, cũng như chính bản thân đầm Thị Tường về đêm lung linh dưới ánh trăng. Dù đẹp lung linh như vậy, nhưng theo những người lớn tuổi kể lại, trước giải phóng, máy bay của Mỹ mỗi khi đi ném bom về ngang đều thả hết xuống đầm Thị Tường cho nhẹ lái. Hệ quả của sự "xem thường cái đẹp" này là có ít nhất 2 chiếc trực thăng bị quân Giải phóng bắn rơi tại đầm. Hiện tại, thi thoảng người ta vẫn còn vớt được dưới đầm những vỏ đạn do chiến tranh để lại.
Còn theo các nhà khoa học, đầm Thị Tường biểu hiện sự xâm lấn chưa hoàn chỉnh của biển cả. Những vệt nước biển mênh mông chưa bị đất liền liếm mất. Đất, phù sa của biển, không kịp bồi lắng để tạo thành vệt đất. Đầm là những gì còn sót lại trong quá trình "lấn biển" của tạo hoá. Nó giống như một biển nhỏ nằm sâu trong đất liền.
Phơi lú trên đầm. |
Đầm Thị Tường cách thành phố Cà Mau khoảng 2 giờ ngồi đò, nằm cạnh kênh xáng Bà Kẹo, nối ra vịnh Thái Lan qua sông Mỹ Bình. Đầm có diện tích khoảng 800 hécta, dài hơn 10 cây số, rộng khoảng 2 cây số, ăn sâu vào 3 huyện Trần Văn Thời, Cái Nước, Phú Tân và chia làm 3 đoạn: Đầm trên, đầm giữa và đầm dưới. Điều khá lạ là mực nước của đầm chỉ sâu hơn 1m; nơi sâu nhất là 3m.
Đã từ bao đời nay, giữa con nước thuỷ triều lên xuống, đầm không bị bồi lắng cũng như không sâu thêm chút nào. Chính vì thế đầm trở thành "mỏ tôm cá" của tỉnh Cà Mau. Những con cá, con tôm xuôi theo dòng sông Mỹ Bình vào đầm sinh sôi nảy nở, tạo nguồn sống cho người dân xung quanh. Những lú, chà, lưới… giăng đầy trên mặt nước. Đêm, những ngọn đèn chong canh giữ hắt ra từ những căn chòi lá chơ vơ sông nước lung linh huyền diệu.
Sống giữa mênh mông sóng nước
Không biết con tôm, con cá dẫn dụ người dân về đây khai thác hay người dân đã dẫn dụ cá tôm. Chẳng ai muốn nghiên cứu làm gì, chỉ biết rằng chính đầm đã tạo điều kiện mưu sinh cho hàng ngàn người nghèo. Mặt nước mênh mông, nhưng tất cả đều có chủ. Những cây tràm, cây tre nhỏ xíu nhô lên mặt nước chính là "làn ranh" phân biệt quyền sở hữu của từng người.
Bà Nguyễn Thị Nga mua lại một hàng lú với giá 24 chỉ vàng để đặt 200 cái lú hàng đêm. Đêm nào trúng, thu được hơn 100 ngàn đồng; thất, cũng được hơn 10 ngàn đồng. Không có đất đai gì khác, 3 năm qua với số lú nói trên, bà đủ nuôi hai đứa con đang vào tuổi lớn.
Người phụ nữ quen sống chông chênh trên sóng nước bật cười: "Nói thiệt cho chú nghe, một ngày tôi chỉ có độ 4 giờ là mình khô thôi. Cả đêm dầm mình dưới nước đổ lú, còn ban ngày thì đi dở, vá, giặt lú… cũng dính nước hết trơn. Đời sông nước mà, ướt nhiều hơn khô, nhưng đổi lại cũng đủ ăn".
Tôi tấp vào căn nhà nằm chơ vơ giữa sóng nước Thị Tường của ông Nguyễn Thành Luân. Đây là một trong những căn nhà hiếm hoi có điện kéo từ đất liền ra. Ông cho biết: "Tôi kéo điện từ năm 2007, tiền dây điện không hơn 10 triệu lận đó. Có điện kéo ra ngoài này giữ lú khoẻ hơn nhiều".
Thăm lú trên đầm. |
Ông Luân là người sở hữu hơn 500 miệng lú và hơn 100 đống chà trên đầm. Đây được xem là tài sản lớn của người giàu có ở đầm Thị Tường. Mùa nào thức ấy. ông khai thác quanh năm. Bây giờ là mùa cua biển, mỗi đêm ông kiếm không dưới 200 ngàn đồng từ cua biển. Sản vật thiên nhiên đem đến khá nhiều, ông quyết định đem luôn vợ con cất nhà trên đầm sinh sống cho tiện.
Gần đó, ông Hà Văn Bé sở hữu hơn 30 đống chà trên đầm, năm nay trúng lớn. Ông cho biết: "Bây giờ là mùa cá tôm. Mấy bữa nay, ngày nào tôi cũng dỡ chà, trung bình một đống chà thu được 600 ngàn đồng". Mùa nào cũng vậy, ông vái van bà Tường phù hộ cho ông thu đủ 10 triệu đồng sẽ giết lợn cúng. Hai năm qua, năm nào ông cũng giết lợn. Đầm rộng mênh mông, xa xa những đống chà được chất chằng chịt, biết nơi đâu có cá, có tôm?
Đối với ông Bé đây là "chuyện nhỏ". Sống ở đầm từ ngày còn để chỏm, bây giờ đã 45 tuổi, ông thuộc đầm Thị Tường như lòng bàn tay. Cá chẻm thích sống cặp những con lạch; cá đối, cá phi sống gần lòng chảo; tép bạc, cá chét nơi nào cũng có. Kỹ thuật cặm chà của ông Bé đã đạt đến trình độ nhìn luồng nước là biết nơi nào cần cặm để dụ tôm cá vào ở.
Khi tôi đề nghị cho biết bí quyết, ông Bé xua tay: "Có gì đâu chú ơi! Sống ở sông nước riết rồi quen. Vả lại thời gian lên bờ của chúng tôi một ngày chưa đến 4 giờ mà. Tất cả vì miếng cơm cả. Con cá, con tôm vào đây cho mình bắt thì phải tìm cách bắt chớ".
Ông lại ngậm ngùi vì gần đây nhiều người ở nơi khác vào đầm bắt cá bằng xiệc điện. Dân tại chỗ xua đuổi thì họ quay sang ăn cắp những miệng lú. Ông và bà con trong đầm tức lắm, nhưng không bắt tại trận nên không làm gì được họ.
Du lịch còn xa
Sự hoang sơ, huyền dịu của đầm Thị Tường được UBND tỉnh Minh Hải cũ, nay là tỉnh Cà Mau, ngấm nghé làm du lịch khá lâu. Một dự án du lịch rộng 10.000m2 mặt nước đang kêu gọi đầu tư nhưng vẫn chưa có ai mặn mà. Trong khi chờ đợi, tour du lịch Cà Mau – đầm Thị Tường đã được xây dựng, nhưng xem ra khách vẫn còn ít.
Anh Nguyễn Thanh Triết – làm nghề lái đò dọc tại huyện Cái Nước – đưa tôi đi đầm Thị Tường, ước mơ: "Tôi làm nghề này đã 20 năm. Người ta đến với đầm Thị Tường nhiều lắm, nhưng không quay trở lại. Hầu hết họ đến cho biết vì nơi đây không có chỗ dừng chân cho khách, không có nhà hàng, khách sạn, chỗ tham quan. Thậm chí nước ngọt để tắm cũng không".
Khi chưa có một dự án du lịch thực thụ, những người dân như ông Luân, ông Bé, chị Nga hay bất cứ ai có nhà trên đầm hàng ngày đều niềm nở đón khách một cách rất vô tư. Ông Trần Minh Út – Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân – nhận xét: "Đầm Thị Tường vẫn còn cách trở đường bộ. Ai muốn tới phải đi bằng đường thuỷ. Huyện đang xây dựng tuyến đường từ huyện lỵ vào khu căn cứ cách mạng Bình Hưng dài gần 20 cây số. Hi vọng con đường này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách tham quan".
Chiều xuống trên đầm Thị Tường. |
Theo Sở Văn hoá – Thể thao – Du lịch Cà Mau, trong bản đồ quy hoạch du lịch của tỉnh, đầm Thị Tường là một lựa chọn cho du lịch sinh thái gắn với di tích lịch sử cách mạng.
Chia tay với đầm Thị Tường khi bình minh vừa lên, người dân gọi nhau í ới bơi xuồng đi bán cá tôm. Ông Bé nhắn nhủ với tôi: "Hổm rày, bà con ở đây xôn xao tin Nhà nước cho quy hoạch bao ví lại để nuôi tôm thẻ chân trắng. Chú hỏi giùm có đúng như vậy hay không". Tôi trả lời ngay: "Chưa đâu, bà con cứ sinh sống như lâu nay từng sống, vì đó mới là ý tưởng của số ít người".
Dù vậy, tôi vẫn thấy nao lòng. Nếu một mai đầm Thị Tường bị bao ví với bất cứ lý do nào thì còn đâu một đại dương nhỏ trong đất liền của tỉnh Cà Mau!
Bình luận (0)