Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Biện pháp nâng cao chất lượng học sinh yếu kém

Tạp Chí Giáo Dục

Vấn đề mà ngành giáo dục cũng như toàn xã hội quan tâm hiện nay là nâng cao chất lượng học sinh (HS) yếu kém. Lăn lộn với phong trào giáo dục ở những vùng khó khăn, tôi thấy sự chênh lệch giữa nông thôn và thành thị quá lớn.
Ở nông thôn vừa thiếu thốn cơ sở vật chất vừa không có phong trào học tập. Với những người không thực sự tâm huyết với nghề thì việc phụ đạo HS yếu, kém chỉ mang tính hình thức chứ không có tác dụng gì. Việc dạy cho HS yếu, kém vất vả chẳng khác gì bồi dưỡng HS giỏi. Để một HS yếu kém hiểu được thực chất vấn đề rất khó khăn. Những em vì lơ là học tập mà học yếu thì “chữa” rất dễ nhưng những em có “chỉ số IQ” thấp thì một tiết dạy phải dành thời gian gấp đôi, gấp ba người thường.
Nhiều năm phụ đạo cho HS yếu kém, bản thân tôi đã rút ra một số điểm quan trọng. Trước hết giáo viên phải tìm hiểu hoàn cảnh của từng HS. Có em vì điều kiện mưu sinh nhưng cũng có em vì bạn bè rủ rê hàng quán, chơi điện tử, bi da… mà xa rời học tập. Có những em bố mẹ li dị, rượu trà, đánh đập nhau làm cho con cái chán học. Khi ta biết chia sẻ, giải quyết được tận gốc thì mới hòng vực dậy được các em đó. Người dạy lúc đó phải nắm xem HS hổng chỗ nào để bổ sung kiến thức. Có lúc phải hủy giáo án đã chuẩn bị để chuyển theo hướng khác cho phù hợp với kiến thức HS còn thiếu hoặc hiểu sai. Có khi ta phải quay lại dạy những kiến thức sơ đẳng từ tiểu học như cộng, trừ, nhân, chia hay bắt học thuộc lòng bản cửu chương.
HS yếu thường ngại học, ngại hỏi nên giáo viên phải chủ động đề ra kế hoạch kiểm tra mà mình nghi ngờ HS hiểu sai hoặc không hiểu. Ví dụ: Khi cộng các phân số khác mẫu số có nhiều em lấy tử cộng tử, mẫu cộng mẫu. Khi bình phương, lập phương, lũy thừa một số, có nhiều HS lấy số đó nhân với số mũ.
Trong việc phụ đạo HS yếu, giáo viên không nên đưa ra kiến thức cao quá, hoặc đòi hỏi mẹo mực làm ức chế học sinh. Những bài toán, bài văn đưa ra mang tính chất vận dụng khắc sâu lý thuyết. Ví dụ: Định lý Ta-lét thì giáo viên nên đưa ra bài toán áp dụng trực tiếp tìm một hạng tử khi biết sẵn 3 hạng tử trong tỷ lệ thức được thiết lập từ định lý chứ không nên lắt léo qua nhiều khâu trung gian. Khi HS trả lời đúng, giáo viên phải biết động viên khen ngợi, khi trả lời sai thì nhẹ nhàng gợi ý để tìm ra chân lý.
Giáo viên cho HS làm đi làm lại nhiều lần một dạng bài tập tại lớp để thuộc bài. Những kiến thức cần khắc sâu phải được lặp lại trong tiết học chính khóa và tiết tự chọn. Về dạy một trường miền núi của tỉnh Quảng Bình, tôi đã đề xuất với ban giám hiệu chọn HS yếu mỗi khối xếp vào một lớp cho giáo viên dạy khối đó trực tiếp phụ đạo, nhờ đó chất lượng bộ môn đã được cải thiện. Việc nâng cao chất lượng giáo dục vẫn còn gay cấn. Tiêu chí “hai không” tưởng chừng mâu thuẫn với tiêu chí “phổ cập” trong nhà trường. Đánh giá thực chất quá làm nhiều HS bỏ học nên một số nhà trường đã đặt ra mẹo này mẹo khác để đạt tiêu chí trường tiên tiến, trường chuẩn quốc gia. Nhiều nhà trường đã cho những HS bỏ học vào danh sách HS chuyển trường theo cha mẹ đi làm ăn nơi khác, hoặc “khai tử” cho HS.
Hoàng Minh Đức
(Quảng Bình)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)