Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Biến phòng ngủ thành phòng nghỉ” ở Cù Lao Chàm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Với dân làm du lịch, họ bảo đó là dịch vụ Homestay. Còn đối với dân Cù Lao Chàm, họ chỉ biết một điều: Khi khách du lịch đến, vợ chồng con cái phải có trách nhiệm nhường lại cái phòng ngủ duy nhất của gia đình cho khách lưu trú!

Phong cảnh hữu tình của bãi Hương cuốn hút nhiều du khách.
Chị Trần Thị Hồng Thu, một người dân của bãi Hương, Cù Lao Chàm kể cho chúng tôi nghe về những lần khách du lịch nước ngoài đến trọ nhà mình: “Gia đình tôi đã cho khách du lịch thuê 2 lần rồi.

Lần đầu tiên có người của Bảo tồn biển dẫn đến, bảo tôi ưng lấy bao nhiêu tiền thì lấy. Tôi cho ở một đêm 2 người nên lấy đại 100.000 đồng. Lần thứ hai cũng như vậy. Nhà chỉ có một phòng ngủ nên khi họ đến ở thì mình phải ra phòng khách ngủ”.

Phong cảnh hoang sơ nhưng hữu tình của bãi Hương giống như một thiên đường mà nhiều du khách phải thèm muốn. Nhưng đáng tiếc là ở đây chẳng có một phòng nghỉ nào cùng với các dịch vụ phục vụ cho du lịch.

Hầu hết người dân bãi Hương đều làm nghề biển nên họ chẳng quan tâm đến những tiềm năng du lịch mà mình sẵn có. Hàng quán cũng không, chợ cũng không vì vậy mặc dù rất thích nhưng du khách phải luyến tiếc trở lại đất liền sau vài giờ tham quan ngắm cảnh.

Chỉ có một số du khách vì không “kiềm chế” nổi trước vẻ đẹp hoang sơ của đất Cù Lao nên mới “liều” vào nhà dân thuê phòng ngủ qua đêm để ngày mai được diễm phúc ngắm cảnh bình minh trên bãi biển yên bình.

Khi các công ty du lịch trong nước còn chưa nhận ra thì người nước ngoài đã “khám phá” được tiềm năng du lịch nơi đây, Công ty dịch vụ du lịch tư nhân Karma Waters của một người Úc tên là Paurl Dennis Tarrant đã tổ chức các tour du lịch qua đêm đến bãi Hương.

Ông Paurl tâm sự: “Việt Nam thật đẹp, người nước ngoài rất thích đến Việt Nam. Đến bãi Hương để qua đêm ở nhà dân thì khá bất tiện, tuy nhiên du khách lại rất thích du lịch kiểu Homestay. Ngoài việc tìm kiếm lợi nhuận, chúng tôi còn muốn giới thiệu đất nước và con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế”.
Ông Paurl đi kiểm tra phòng cho du khách.

Để thực hiện được điều này, ông Paurl phải nhờ những người ở Trung tâm Bảo tồn biển Hội An đến từng nhà dân đặt vấn đề hợp tác. Những nhà đạt yêu cầu ở đây là phòng phải có cửa, thoáng mát, sạch sẽ và sát biển. Sau đó, ông đến từng nhà để gặp chủ nhà, kiểm tra phòng và xin số điện thoại liên lạc để chuẩn bị khi khách đến.

Chúng tôi vui miệng hỏi một người dân (tên Cường) có phòng cho thuê: “Khi khách từ đất liền ra thì vợ chồng con cái anh ngủ ở đâu?”. Anh bảo: “Chúng tôi sẽ ra phòng khách ngủ, hoặc đi ngủ nhờ nhà hàng xóm. Có khách đến thăm quê mình là vui rồi, cũng nhờ du lịch mà chúng tôi mới gặp được khách nước ngoài đấy”.

Đúng là với người dân Cù Lao thì chuyện ngủ ở đâu chẳng quan trọng. Họ cũng chẳng quan trọng việc người ta đến thuê phòng nhà mình sẽ trả bảo nhiêu. “Bao nhiêu cũng được miễn là họ đừng chê bãi Hương và cả cái Cù Lao này buồn mà không đến nữa là vui rồi” – chị Thu tâm sự.

Được biết một dự án khách sạn 5 sao đã được triển khai ở bãi Hương để phục vụ khách du lịch nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Chỉ tay về phía chiếc cầu đang xây dở, anh Cường nói với chúng tôi: “Chiếc cầu ni được xây trước, khách sạn xây sau, nhưng trận bão dữ năm đó đã phá tan chiếc cầu, mất rất nhiều tiền nên chừ họ vẫn để nguyên đó”.

Và thay vì ngồi chờ khách sạn xây lên, không phải một người Việt mà là một người nước ngoài đã quảng bá giúp Việt Nam vẻ đẹp hiếm thấy của Cù Lao Chàm. Ông Paurl Dennis Tarrant đã làm cái cách mà nhiều người chưa làm được – biến phòng ngủ của người dân thành phòng nghỉ cho du khách.

Loan Phương (Dan tri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)