Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Biến rơm thành… nhà ở

Tạp Chí Giáo Dục

Tìm lối ra cho… rơm rạ

Anh Nguyễn Minh Quyền bên sản phẩm rơm ép của mình

Dù có thâm niên đến gần 20 năm làm Phó giám đốc Công ty Du lịch Bến Thành (Q.1), anh Nguyễn Minh Quyền vẫn thích tự mình thiết kế tour, đưa khách đi tour khắp trong và ngoài nước. Theo anh, đi nhiều, thấy nhiều, khám phá nhiều để… sáng tạo. Và dự án “Rơm rạ cho nhà ở” của anh thắng lớn ở Washington DC (Mỹ) cũng nhờ nhiều lần anh đưa khách đi dã ngoại thăm thú miệt vườn Cửu Long. Năm 2008, anh Quyền mang dự án của mình đến thủ đô Washington để tranh tài tại Hội chợ phát triển toàn cầu (Global development marketplace – DM), do Ngân hàng Thế giới (WB) hợp tác với Công ty Tài chính quốc tế (IFC) và một số nhà tài trợ quốc tế khác tổ chức. Hội chợ thu hút 1.768 dự án từ 144 quốc gia tham dự. Kết quả, ngày 26-9-2008, dự án của anh xuất sắc giành chiến thắng, cùng với 23 dự án khác được Ban tổ chức tài trợ 200.000 USD/ dự án.
Anh Quyền “bật mí” lí do dự án ra đời: “Nhiều lần đưa khách đi dã ngoại ở đồng bằng sông Cửu Long, tôi thấy bà con nông dân có hai nỗi lo lớn khi vào mùa gặt: thu hoạch lúa và xử lý rơm. Lúa thì bán nhưng rơm thì người dân đốt, vừa thất thu lại “góp phần” khiến trái đất nóng lên bởi lượng khói rơm bà con “gửi” lên Ngọc Hoàng. Tôi ngẫm nghĩ, phải tìm cách gì biến rơm rạ thành tiền hoặc vật gì hữu ích. Đau đáu với ý nghĩ đó, nhân một chuyến đưa khách đi Đông Âu, thấy họ ép rơm lúa mạch thành ván ép, vật liệu xây dựng… tôi mừng quá. Tôi biết chắc là tôi tìm được lời giải cho điều trăn trở về rơm rạ lâu nay. Thế là tôi tự tin bắt tay vào kế hoạch biến rơm rạ thành vật liệu xây dựng nhà ở. Và dự án của tôi ra đời, giành chiến thắng ở thủ đô Washington”.
Anh Quyền kể: “Sau khi tìm đến các nhà máy ép rơm lúa mạch thành ván ép bên Đông Âu để đặt vấn đề, quay về Việt Nam tôi cùng một cộng sự gom rơm, đóng kiện lên máy bay đưa sang nhà máy để ép. Rồi mang thành phẩm về nước để giới thiệu, chào mời khách hàng đầu tư xây dựng nhà máy”. Tuy đã tìm ra “chìa khóa” nhưng khó khăn vẫn còn đấy. Đến nay, trong nước vẫn chưa có một nhà máy nào ép rơm rạ thành ván ép để làm vật liệu xây dựng. Anh Quyền cùng cộng sự vẫn phải “ôm” rơm sang tận nhà máy ở Đông Âu để ép thành phẩm, đem về dựng thành nhà để thuyết phục nhà đầu tư trong nước. Để cho ra sản phẩm với giá thành thấp nhất, anh Quyền cần nhà máy ép rơm ngay vùng nguyên liệu đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng kinh phí xây dựng một nhà máy như vậy phải tính bằng đơn vị… triệu USD. Anh Quyền ôm dự án đi chào mời nhiều doanh nghiệp góp vốn, đầu tư. Đến đâu anh cũng nhận được lời khen, đánh giá cao dự án của mình nhưng họ hứa sẽ tiêu thụ sản phẩm của anh sau khi đã là thành phẩm chứ không chịu bỏ tiền đầu tư. Anh Quyền trăn trở: “Dự án của tôi đã đoạt giải thưởng quốc tế uy tín, được tổ chức này cấp bản quyền sáng chế hẳn hoi và nhận tài trợ của họ. Với nguồn nguyên liệu dường như… vô tận (vì nước ta là nước nông nghiệp trồng lúa nước, hàng năm xuất khẩu gạo vào hàng nhất, nhì thế giới nên lượng rơm rạ rất lớn), giá thành được chứng minh rất rẻ so với ván ép, lại thân thiện với môi trường, đầu ra rất triển vọng… nên các nhà đầu tư nước ngoài rất muốn mua bản quyền dự án này để khai thác. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam lại e ngại, không dám đầu tư khiến tôi thiếu vốn để hoạt động”.
Triệu đô không bán
“Có rất nhiều đối tác nước ngoài ngỏ ý hợp tác nhưng tôi đành phải từ chối. Bởi họ đưa ra điều khoản muốn mua đứt hoặc khai thác thị trường theo chiến lược của họ khiến người dân mình có nguy cơ tiêu thụ sản phẩm này với giá thành cao. Trong khi đó, tôi tâm nguyện, dù là làm kinh doanh nhưng phải vì người nghèo. Tôi chủ trương, khi dự án này đưa vào hoạt động, bằng mọi cách sẽ góp phần xóa nhà tạm ở đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và nhiều vùng khác. Tôi dự liệu, khi đưa vào hoạt động sản xuất, người dân có thể đổi rơm lấy nhà, hoặc mua với giá thấp. Cộng tiêu chí thân thiện với môi trường nên dự án của tôi được đánh giá cao, tôi không thể đi ngược lại tiêu chí này. Thành ra, khi một doanh nhân Singapore trả giá bản quyền dự án này 1 triệu USD nhưng tôi kiên quyết không bán” – anh Quyền chia sẻ. Và rất nhiều đối tác nước ngoài khác vào cuộc với “âm mưu” mua đứt bản quyền dự án nhưng đều nhận được cái lắc đầu rất kiên quyết dù món tiền họ đưa ra “gạ gẫm” phải khiến anh Quyền thèm thuồng.
Từ ý tưởng đến quá trình mò mẫm tìm kiếm, thử nghiệm để biến những cọng rơm vàng nằm đầy ruộng đồng thành tấm rơm ép là không hề đơn giản. Phải mất nhiều thời gian, đi khắp trong đến ngoài nước, anh Quyền mới cụ thể hóa được ý tưởng ấy.
Một điều khá đặc biệt, đến nay sản phẩm mới còn ở dạng mẫu, dự án vẫn chưa hoàn thành nhưng đã có nhiều đơn đặt hàng. Vì thế, đầu ra của sản phẩm rất triển vọng. Anh Quyền tự tin nói: “Hiện nay đã có mấy hợp đồng ghi nhớ ở Huế, TP.HCM, các công ty du lịch đặt mua sản phẩm. Tôi đang khẩn trương cụ thể hóa ý tưởng thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng nhà ở cho người dân, công nhân, người ở vùng thiên tai lũ lụt”. Theo thiết kế và thử nghiệm, sản phẩm rơm ép này có khả năng chịu nhiệt, cách nhiệt rất tốt, tuổi thọ sử dụng có thể lên đến 50-60 năm, giá thành lại rất thấp so với ván ép. Hơn nữa, không như ván ép phải phá rừng, “rơm ép” tận dụng nguồn nguyên liệu rơm rất phong phú ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng nên bảo vệ được môi trường rất tốt. Ngoài ra, tính cơ động khi sử dụng sản phẩm này rất lớn. Khuôn nhà thiết kế theo mẫu sẵn, chỉ cần lắp ráp, “xây tường” bằng tấm rơm, bắn đinh vít nên rất nhanh, chỉ cần hai ngày là xong ngôi nhà. Ở những vùng thiên tai, có thể huy động tấm rơm ép xây nhà tạm rất nhanh mà đảm bảo chất lượng, giữ ấm để người dân ở tạm. Ngoài ra, tấm rơm ép còn sử dụng xây nhà trọ công nhân, văn phòng cho thuê vừa nhanh vừa rẻ.
Trong lần gặp nhau vào tháng 4-2010, anh Quyền hồ hởi cho biết: “Mọi công đoạn đang “chạy” tốt. Trong năm nay sẽ xây dựng nhà máy ở Vĩnh Long, đưa vào hoạt động sản xuất”. Là người Việt Nam đầu tiên được nhận tài trợ từ tổ chức uy tín thế giới, anh Quyền không khỏi tự hào: “Tôi là dân làm du lịch nhưng lại rất thích tìm tòi, khám phá. Và tôi đã thành công khi dự án được Ban tổ chức cuộc thi đánh giá cao. Tôi hy vọng dự án của tôi sớm đi vào cuộc sống, góp phần xóa nhà tạm, giúp công nhân, người có thu nhập thấp, người dân bị thiên tai có chỗ ở đàng hoàng hơn”.
Bài, ảnh: Công Việt
Đến nay, anh Quyền vẫn liên tục tiếp các nhà đầu tư nước ngoài đến đặt vấn đề hợp tác, triển khai dự án rơm rạ này. Với con mắt “nhà nghề” và khả năng nhìn thấy lợi nhuận to lớn từ dự án nên các nhà đầu tư nước ngoài rất hồ hởi hợp tác với anh. Tuy vậy, lần lượt các đối tác đều bị anh Quyền “cancel”. Bởi các điều khoản hợp tác họ đưa ra, không chỉ bản thân anh là người sở hữu ý tưởng, dự án này chịu thiệt mà người dân Việt Nam cũng chịu thiệt.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)