Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Biến sân trường thành… gara

Tạp Chí Giáo Dục

Sân trường chứa đầy ô tô của khách hàng gửi tạm là cảnh tượng thường thấy ở rất nhiều trường học đóng trên địa bàn Hà Nội

Sự kiện xe ô tô gây tai nạn trong Trường THCS Ba Đình ngày 20-4 vừa qua một lần nữa lại gióng lên hồi chuông về tình trạng sân trường thành bãi gửi xe ô tô hiện nay trên địa bàn Hà Nội.
Trường học thi nhau giữ ô tô
Dạo qua một vòng các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn Hà Nội, điều dễ nhận thấy là buổi tối, sân trường thường chật kín ô tô. Tình trạng này đã được báo chí phản ánh nhiều nhưng xem ra vẫn “không ăn thua” vì chưa có “lệnh của Sở GD-ĐT” thì chưa “dẹp”.
Tại Trường THPT Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội, trong một ngày học, tuy đã gần 9 giờ sáng nhưng ô tô trong sân trường vẫn còn. Có những chiếc xe được phủ bạt kín mít, trên bạt là một lớp bụi. Thi thoảng lại có người ngoài ra vào lấy xe, không chỉ xe biển số Hà Nội mà cả biển số ở tỉnh khác cũng về đây gửi.
Không chỉ ở Trường THPT Nhân Chính, ở các trường khác, nếu có một “khoảnh” diện tích, sân chơi của học sinh lập tức được cắt bớt cho xe hơi. Rất nhiều phụ huynh bức xúc khi biết sân trường trở thành nơi đỗ ô tô, nơi để cho các trường tăng thu nhập. Tại Trường Tiểu học Thái Thịnh, Nam Thành Công, THCS Láng Hạ… buổi tối, sân trường cũng biến thành gara ô tô. Ở khoảnh sân trước và sau của Trường Tiểu học Trung Hòa cũng thường xuyên xuất hiện gần 20 chiếc ô tô. Còn ở Trường Tiểu học Dịch Vọng B có những chiếc xe ô tô được phủ bạt kín nằm ở sân trường cả ngày lẫn đêm. Giá trông xe ở các trường dao động từ 600 ngàn đồng/xe/tháng đến 1,2 triệu đồng/xe/tháng. Đại diện của nhiều trường lý giải do ban đêm sân trường trống nên cho phép nhân viên bảo vệ của trường được phép đảm nhận công việc trông giữ xe từ 18 giờ đến 6 giờ sáng (sau khi học sinh tan học và trước khi học sinh đến học). Tuy nhiên, chẳng mấy khi các sân trường này vắng bóng ô tô. Thấy sân chơi của con biến thành bãi để xe, nhiều phụ huynh bức xúc nhưng không dám ý kiến vì sợ ảnh hưởng tới con em mình. Một phụ huynh có con học tại Trường THPT Nhân Chính phàn nàn vì sân trường không rộng nhưng lại luôn có xe ô tô khiến các con không có chỗ chơi, đi lại cũng phải ý tứ vì sợ.
Tiềm ẩn những tai nạn
Sự việc xảy ra vừa qua tại Trường THCS Ba Đình đã cho thấy những nguy cơ tiềm ẩn đối với học sinh khi sân trường bị biến thành bãi giữ xe hơi. Tuy chiếc xe ô tô mất lái trong khuôn viên Trường THCS Ba Đình không gây thiệt hại về người nhưng sự việc này khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng vì ảnh hưởng đến sự an toàn và môi trường học tập của con em mình. Theo lý giải của Ban giám hiệu Trường THCS Ba Đình thì do diện tích trường khá chật hẹp nên ngoài số xe ô tô của các thầy cô, nhà trường chỉ nhận thêm số ít xe vãng lai của người thân giáo viên trong trường. Tuy vậy, số xe này không đáng kể, chỉ gửi khi cần thiết và phải tuân thủ quy định vào trường sau 18 giờ tối và ra khỏi trường trước 6 giờ sáng. Đối với những chiếc xe này, bảo vệ hoàn toàn chịu trách nhiệm và chỉ được phép nhận trông giữ khi thấy điều kiện bến bãi cho phép. Để đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ, trường cũng thường xuyên tổ chức tập huấn về công tác phòng cháy chữa cháy cho lực lượng bảo vệ. Điều đáng nói là hiện nay, Sở GD-ĐT Hà Nội chưa có quy định nào về vấn đề trông giữ xe ô tô trong các trường học. Việc này do các trường quyết định và tự chịu trách nhiệm. Các cơ quan sở tại liên quan không biết vấn đề này, do đó, nếu có vấn đề gì đáng tiếc xảy ra thì trách nhiệm quy hết cho các trường. Tuy nhiên, không vì thế mà các trường từ chối.
Những khoản lợi nhỏ nhưng đôi khi mang lại những hậu quả rất lớn. Rõ ràng, việc tổ chức trông giữ xe trong các trường học hiện nay đang diễn ra khá phổ biến và tiềm ẩn nguy cơ cao về hỏa hoạn và tai nạn giao thông. Trước tình trạng này, thiết nghĩ Sở GD-ĐT Hà Nội cần tiến hành kiểm tra tổng thể và sớm có chỉ đạo kịp thời.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)