Phương bắt đầu cuộc sống chung với người yêu từ năm 18 tuổi, từng có thời gian dài cách xa chàng đến nửa vòng trái đất. Qua 6 năm, chuyện “thử” đã thành thật.
Phương 24 tuổi, là một nhân viên văn phòng đang sống tại TP HCM, cho biết tình yêu của cô bắt đầu ngay sau ngày kết thúc môn thi cuối cùng của kỳ thi đại học. Khi đó cô tròn 18, anh lớn hơn một tuổi. Cả hai đều không ngăn nổi sự trỗi dậy của con tim. Phương thi trượt, còn anh đỗ loại ưu. Gia đình anh cấm cản kịch liệt mối tình của họ vì cho là cô không có tương lai. Trở ngại đó cộng với nỗi sợ người yêu theo thời gian sẽ thay lòng đổi dạ khiến cô hoang mang, lo sợ, không dám đến với anh.
Nhưng Thịnh, người yêu Phương, đã thuyết phục cô cùng lên thành phố để ôn thi lại. Cuộc sống chung trước hôn nhân diễn ra từ ngày đó. “Tôi cố gắng ân cần chăm sóc anh từ chén cơm, manh áo. Mỗi khi tôi nóng giận, anh im lặng một cách nhẫn nhịn, khi tôi nguôi ngoai mới giãi bày đúng sai. Tôi luôn “chiều chuộng” khi anh muốn, nhưng anh không lạm dụng điều đó. Tôi là đứa vụng về, bù lại anh là người hiểu biết. Anh biết cách bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cho cả tôi” – Phương say sưa kể.
Rồi những khó khăn bắt đầu xuất hiện, trước hết là về tiền bạc. Bố mẹ Thịnh cũng biết chuyện, và ngăn cản bằng cách làm thủ tục cho anh sang Mỹ du học. Lo sợ cho tương lai của tình yêu, Phương rơi vào tuyệt vọng, trầm cảm. Nhưng từ nơi cách xa nửa vòng trái đất, Thịnh vẫn luôn nhớ cô. Màn hình messenger luôn hiện lên dòng chữ “Anh vẫn yêu em. Anh sẽ trở về và cho em tương lai tốt đẹp hơn. Hãy tin anh”. Cô bấu víu vào những dòng tin nhắn đó để sống.
Trong những năm chờ đợi, con tim cô cũng có khi lỗi nhịp, đó là khi cô gặp một người đàn ông khác. Người này cũng yêu Phương, chăm sóc cô hệt như Thịnh ngày xưa. “Khi tôi bắt đầu yếu lòng, có thể ngã vào vòng tay của người ấy thì chợt nhận ra, tình yêu tôi dành cho anh quá lớn. Cảm giác giống như đang phản bội một người chồng, tôi đã kịp dừng lại”.
Và Thịnh trở về, vẫn yêu Phương như xưa, vẫn chiều chuộng và chăm sóc cô từng li từng tí. Họ lại sống chung với nhau dù gia đình anh vẫn ngăn cấm. Rồi sự kiên trì cũng được đền đáp. Khi Thịnh vững chắc sự nghiệp, Phương có công việc ổn định, bố mẹ anh đã chấp nhận. “Bây giờ nhìn lại, chúng tôi thấy tự hào vì đã biến sống thử thành sống thật dựa trên tình yêu bền vững” – cô tâm sự.
Thịnh và Phương là một trong số không ít người đã thực sự nên duyên sau thời gian sống chung dù chưa kết hôn. Đây là một xu hướng ngày càng phổ biến dù bị chê trách và phản đối. Anh Phạm Kiên Trung, sinh viên năm thứ tư Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM, cho rằng không nên có quan niệm quá khắt khe về những đôi này: Khi hai bạn trẻ đã xác định mục tiêu rõ ràng cho tương lai thì không nhất thiết cấm họ sống thử. Họ yêu nhau đã lâu, đang sống xa gia đình, chưa đủ điều kiện để kết hôn, việc sống chung giúp họ có điều kiện chăm sóc nhau tốt hơn.
“Chính từ việc sống chung này, họ sẽ nhìn thấy những điểm tốt, điểm xấu của nhau để từ đó đưa ra quyết định cuối cùng, chín chắn về hôn nhân. Chúng ta không nên gắt gao đánh đồng nó với kiểu sống “yêu tranh thủ, ngủ khẩn trương, học bình thường, quan hệ tình dục là chính” – Kiên nói.
Bà Hồ Thị Tuyết Mai, chuyên gia tư vấn tâm lý, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, cho biết bà ủng hộ chung sống trước hôn nhân theo đúng nghĩa sống thử của nó: “Sống thử đúng nghĩa là hai bên phải chuẩn bị đầy đủ về tâm lý, có sự thỏa thuận với nhau, và quan trọng hơn, mục tiêu của họ là phải tiến đến hôn nhân”.
Theo bà Tuyết Mai, ở phương Tây vào những năm 60 – 65 của thế kỷ trước, trong cuộc cách mạng giải phóng tình dục, việc sống chung trước hôn nhân là rất bình thường. Họ sống với nhau một thời gian, nếu không hợp thì chia tay và sống với người khác. Đấy không phải là sống thử mà là sống thật, sống hết sức nghiêm túc. Tất cả từ tình cảm, tình dục, chi tiêu đều là thật.
Bà Mai cho biết, ở Việt Nam cũng đã có nhiều đôi sống thử thành công, phần lớn rơi vào giới trí thức, những người có điều kiện tiếp xúc với văn hóa phương Tây. Các tầng lớp khác, nhất là sinh viên và công nhân, cũng phổ biến việc chung sống trước hôn nhân. Nhưng do không hiểu đúng về “sống thử” nên khái niệm này bị “biến dạng” và dẫn đến nhièu hậu quả xấu.
“Trên thực tế, sống thử không mang ý nghĩa xấu. Chúng ta nên chấp nhận nó và khai sáng nó theo chiều hướng lạc quan, tốt đẹp hơn, như câu chuyện đáng trân trọng của Phương” – bà Tuyết Mai nói.
Theo Netlife
Bình luận (0)