Nhà văn Nguyên Ngọc chúc mừng Trương Anh Quốc tại lễ trao giải. Ảnh: C.T.V |
Khi cầm cuốn sách trên tay, lướt qua năm, bảy trang đầu, có thể bạn sẽ muốn bỏ xuống ngay nếu không tò mò tự hỏi có gì hàm chứa trong suốt mấy trăm trang tiểu thuyết ấy? Và cảm giác ban đầu này sẽ tan biến ngay khi ngỡ ngàng nhận ra mình đang bị cuốn hút, không sao dứt ra được, muốn… đọc một mạch đến trang cuối cùng của quyển sách.
Đây là cảm nhận chung của tất cả những ai đã, đang và sẽ đọc Biển – cuốn tiểu thuyết của nhà văn trẻ Trương Anh Quốc vừa đoạt giải nhất cuộc thi Cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần IV do Hội Nhà văn TP.HCM, NXB Trẻ và Báo Tuổi Trẻ tổ chức.
Biển bao gồm 19 câu chuyện liên hoàn có chung một chủ đề là những chuyến hải hành với một tuyến nhân vật là các thủy thủ, máy trưởng, đầu bếp… Mấy mươi nhân vật của Biển cùng tự nhốt mình trong một khoảng không gian cực kỳ hẹp, kín và khắc nghiệt là một con tàu nhỏ lênh đênh trên đại dương, do đó mỗi người đều sớm bộc lộ hết mình với đủ mọi cung bậc tính cách, tình cảm từ nhỏ mọn, tuyệt vọng đến rộng lượng, khát khao… và vì vậy, cuốn tiểu thuyết tựa như một bức tranh rậm rạp, sắc nét về nhân quần. Bức tranh sống động này được chuyển tải bởi một giọng văn nhẹ nhàng, trầm tĩnh nhưng tinh tế và giàu cảm xúc. Đây cũng chính là điều làm nên sự hấp dẫn của Biển, như nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét: “Biển là một cuốn sách lạ, một cuốn tiểu thuyết được viết một cách rất độc đáo, của một người viết từng trải và bản lĩnh”. Bản thân Trương Anh Quốc (quê ở Quảng Nam) vốn là kỹ sư điện công tác trong ngành vận tải biển. Chính vì vậy, Biển mang trọn vốn sống của anh trên những chuyến tàu viễn dương để trở thành một đề tài lạ, khó và kén chọn người viết…
Văn học tuổi 20 là một cuộc thi mang tính bật sáng các tài năng văn chương trẻ. Từ cuộc thi này, nhiều nhà văn đã có những thành công nhất định như Nguyên Hương, Trần Thị Hồng Hạnh, Nguyễn Ngọc Tư… Trương Anh Quốc cũng từng khẳng định mình ở cuộc thi lần III-2005 với giải nhì tập truyện Sóng biển rì rào. Lần này, đoạt giải nhất và là “nam vương” đầu tiên của giải thưởng, năng lực viết của Trương Anh Quốc đã không còn sự non tay và tự phát, ngược lại, đó là một quá trình trải nghiệm, đào sâu, nghiêm túc và được viết bởi những kỹ thuật tốt hơn nhiều. Với các nỗ lực này, bạn đọc có quyền hy vọng vào một Trương Anh Quốc mới lạ sẽ tỏa sáng và sớm khẳng định vị thế của mình trong dòng chảy văn học hiện đại.
T.Dân
Bình luận (0)