Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Biến vỉa hè thành lòng đường!

Tạp Chí Giáo Dục

Xe hai bánh giành vỉa hè vượt lên phía trước (ảnh chụp sáng 25-11-2008 tại ngã tư đường 3/2 – Nguyễn Tri Phương, quận 10

Vỉa hè là phần đường dành cho người đi bộ. Thế nhưng thực tế hiện nay tại TP.HCM thời gian qua, vỉa hè không chỉ bị chiếm dụng để buôn bán, giữ xe mà còn bị người dân khi lưu thông đã chiếm dụng bằng cách cho xe chạy lên vỉa hè, biến vỉa hè thành lòng đường.
Mạnh ai nấy đi!
Các trục đường chính nội thành TP.HCM thời gian qua luôn trong tình trạng quá tải. Không phải chỉ giờ cao điểm mới kẹt xe, việc kẹt xe có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày và có khi kéo dài nhiều giờ liền. Tình trạng này xảy ra đặc biệt nghiêm trọng tại nhiều tuyến đường chính của thành phố như: Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Cách Mạng Tháng Tám, 3/2, Điện Biên Phủ, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ… Sáng 25-11 vừa qua, tại ngã tư đường 3/2 – Nguyễn Tri Phương (quận 10) tình trạng kẹt xe diễn ra rất nghiêm trọng. Dưới lòng đường các loại phương tiện công cộng nối đuôi nhau, các loại phương tiện cá nhân chen chúc. Không ai nhường ai, ai cũng cố tranh nhau leo lên phía trước. Vỉa hè biến thành lối “thoát hiểm” duy nhất. Cả rừng xe chen chúc từ lòng đường cho đến vỉa hè. Đặc biệt, xe cộ chen nhau chạy trên vỉa hè khiến tình trạng giao thông tại ngã tư này hỗn độn vô cùng. Tình trạng va quẹt nhau khi lưu thông trên vỉa hè là không hiếm. Lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết giao thông tại đây đã… bất lực trước thực trạng xe cộ tranh nhau chạy lên vỉa hè chật chội để thoát khỏi đám đông, vượt lên phía trước! Chiều cùng ngày, khi cả “rừng” xe “chết cứng” tại ngã tư Cách Mạng Tháng Tám – Điện Biên Phủ (quận 3), trong khi cả “rừng” xe còn chen chúc nhau dưới lòng đường, nhiều xe leo lên vỉa hè, bóp còi inh ỏi, rú ga rát tai, tranh nhau vượt lên phía trước. Không riêng gì các trục đường chính, tại trước các công viên, khu vui chơi giải trí, địa điểm tham quan du lịch… tình trạng chạy xe trên vỉa hè vẫn diễn ra rất phức tạp. Nhiều khu vực đông khách du lịch tham quan, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài, việc chạy xe trên lề đã làm cho họ khiếp sợ. Đoạn đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa giáp công viên 30/4 khá đông người đi bộ trên vỉa hè. Tuy vậy, xe máy cứ phóng vù vù khiến người đi bộ dù đã đi trên vỉa hè vẫn phải nép người sát vào tường. Trước Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (Võ Văn Tần, quận 3), du khách tham quan rất đông. Vì đường Võ Văn Tần một chiều nên “nạn” chạy xe trên vỉa hè đã diễn ra thường xuyên khiến du khách khiếp vía và phập phồng lo sợ.
Chạy xe trên vỉa hè là vi phạm Luật giao thông đường bộ. Tuy vậy, cơ quan chức năng hầu như chưa quan tâm đúng mức đến lỗi vi phạm này. CSGT khi làm nhiệm vụ cũng chưa quan tâm lắm đến những đối tượng vi phạm lỗi này. Có chăng cũng chỉ là… nhắc nhở. Chính điều này tạo cho người dân có thói quen chạy xe lên vỉa hè với tâm lý chủ quan “Nếu có CSGT họ cũng không thổi phạt đâu. Cứ leo lề chạy cho nhanh”! Chính suy nghĩ ấy đã hợp thức hóa hành vi vi phạm Luật giao thông của nhiều người. Hành vi này không chỉ thiếu văn minh trong quá trình lưu thông mà còn không công bằng, người đi đúng Luật giao thông thì lại chịu thiệt. Và nó khiến cho những người tuân thủ Luật giao thông phải “nghĩ lại”. Từ đó cảnh “mạnh ai nấy đi” càng khiến tình trạng kẹt xe trên địa bàn thành phố thêm nghiêm trọng, kéo dài. Người đi bộ trên vỉa hè ngoài việc phải len lỏi, luồn lách qua các dãy xe, hàng rong còn bị đe dọa bởi “vấn nạn” xe cộ phóng ẩu trên vỉa hè. Nghị định 146 của Chính phủ quy định: phạt tiền từ 80.000đ đến 100.000đ đối với hành vi điều khiển xe đi trên hè phố.
Không có khái niệm nhường
Chương trình khảo sát: “Hành vi và thái độ của người tham gia giao thông tại TP.HCM” do công ty Consumer Behavior & Insight (CBI) thực hiện nhằm góp phần vào việc cải thiện tình hình giao thông tại TP.HCM. Khảo sát thực hiện qua chọn mẫu ngẫu nhiên 400 người, tuổi từ 18 đến 45, trong đó về học vấn: tiểu học: 5%; trung học cơ sở: 24%; trung học phổ thông: 34%; trung cấp và cao đẳng: 14%; đại học và sau đại học: 14%. Kết quả khảo sát cho thấy có đến 46% người tham gia giao thông cho xe chạy trên vỉa hè. Khi được hỏi về nguyên nhân, có đến 85% quan niệm hiện nay ra đường mạnh ai nấy đi, chưa có sự nhường nhau để lưu thông tốt hơn; 58% tranh thủ cho xe chạy lên lề nhằm tránh kẹt xe.
Trước thực trạng nêu trên, thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần phải mạnh tay hơn, kiên quyết hơn với những người vi phạm luật giao thông đường bộ khi cho xe chạy trên vỉa hè. Hành vi này không chỉ gây nguy hiểm, đe dọa tính mạng người đi bộ trên vỉa hè mà còn khiến tình trạng ùn tắc, kẹt xe phức tạp thêm tại thành phố. Trong khi ý thức chấp hành Luật giao thông của người dân khi tham gia giao thông chưa cao, cơ quan chức năng cần có biện pháp tuyên truyền giáo dục và chế tài mạnh tay hơn, nghiêm minh hơn nhằm trả lại vỉa hè cho người đi bộ, giảm tải nạn kẹt xe kéo dài, nhằm tiến tới mục tiêu hè thông lề thoáng, góp phần thực hiện thắng lợi cuộc vận động “Năm 2008 – năm thực hiện nếp sống văn mình đô thị”.
Bài và ảnh: Công Việt

 

Bình luận (0)