Sáng 3.10, UBND xã Hải Dương (H.Hương Trà, Thừa Thiên-Huế) đã huy động gần 300 người dân, dùng 200 khối đá, 110 rọ sắt và 300 m vải để chống chọi với tình hình xâm thực bờ biển tại địa phương.
Hàng trăm hộ dân tại xã Hải Dương đã được huy động để chống chọi với sạt lở bờ biển – Ảnh: B.N.L |
Trước đó, UBND xã cũng đã huy động hàng trăm lượt người dân dùng 7.000 bao cát, rọ đá kè dọc bờ biển. Tuy nhiên, bờ kè tạm bợ bị triều cường, sóng đánh tan chỉ một thời gian ngắn.
Ông Đỗ Khắc Lộc, Phó chủ tịch UBND xã Hải Dương cho biết, từ đầu năm 2012 đến nay, tình hình biển xâm thực tại địa phương diễn ra hết sức nghiêm trọng. Chỉ trong một thời gian ngắn, biển đã ăn sâu vào đất liền từ 30 – 50 m, kéo dài hơn 600 m, nơi sâu nhất chỉ còn khoảng 20 m sẽ mở ra cửa biển mới. Khu vực Cồn Đâu với gần 100 hộ dân đang sinh sống đang có nguy cơ trở thành một ốc đảo nếu xuất hiện cửa biển mới”, ông Lộc nói.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế trước mùa mưa bão năm nay, địa phương phải di dời khẩn cấp dân sống trong vùng sạt lở vào khu tái định cư Hải Dương. Thế nhưng, theo ông Lộc, dự án đang được lập nên việc di dời trước mùa mưa bão xem ra khó khả thi.
Tại Phú Quốc, hiện tượng biển xâm thực diễn ra với tốc độ rất nhanh, có điểm dài hàng ngàn mét như khu vực bãi cát mũi Cửa Cạn, không bao lâu đã bị nước cuốn mất. Tại một số điểm sạt lở, có nơi biển đã xâm thực vào bờ 10 – 20 m. Tại đầu sông Cửa Cạn, cồn cát ngăn cách biển với sông từng được coi là biểu tượng đẹp của Phú Quốc, tồn tại hàng trăm năm, nay chẳng còn để lại dấu vết gì. Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó chủ tịch UBND, Trưởng ban Phòng chống lụt bão H.Phú Quốc, cho biết tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại Cửa Cạn xảy ra từ 2011, với đoạn bờ biển dài 750 m đã sạt lở hoàn toàn. Nguyên nhân do trước đây, tỉnh đã cấp phép cho Công ty Kiều Anh và Phú Thịnh khai thác cát khiến các khu vực gần cửa biển hình thành những hố sâu hàng chục mét, làm bãi biển trở nên dốc hơn; thủy triều lên xuống đã cuốn cát trong bờ ra lấp vào các hố sâu này, làm cho bờ biển bị xói lở nhanh chóng.
theo TNO
Bình luận (0)