Đuối nước là nguy cơ luôn rình rập tính mạng con người nhất là đối với trẻ nhỏ. Thế nhưng nhiều quan niệm vẫn cho rằng chỉ tập cho trẻ biết bơi khi đã khôn lớn. Thực tế cho thấy tập bơi cho trẻ càng sớm càng tốt vì bé sẽ tiếp thu nhanh và tránh được mọi tai nạn có thể xảy ra.
Bơi nổi (baby float) được coi là thủy liệu pháp giúp trẻ nhỏ vận động thoải mái dù chưa thật sự biết bơi như người lớn. Ảnh: I.T |
Hiện nay nhiều cha mẹ đã cho con tập bơi khi mới 3, 4 tuổi thậm chí trẻ chỉ vài tháng là các ông bố bà mẹ đã cho con xuống hồ làm quen với nước để bơi nổi (còn gọi là baby float).
Lợi ích khi trẻ tập bơi nổi
Bất kỳ ai dù người lớn hay trẻ em thì bơi lội được coi là một trong những kỹ năng sinh tồn cơ bản nhất mà ai cũng cần phải biết dù ít dù nhiều. Tuy vậy trong thực tế cuộc sống có rất nhiều người trong đó có cả người lớn không hề biết bơi do không được dạy từ bé. Đây là một thiệt thòi cho họ và điều nguy hiểm hơn là nguy cơ đuối nước luôn rình rập đối với họ nhất là ở những vùng ao hồ sông nước. Chính vì thế mà hàng ngày vẫn có nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra ở khắp mọi nơi. Ngoài người lớn nạn nhân chủ yếu vẫn là trẻ em vì không có kỹ năng thoát hiểm dưới nước.
Từ trước tới nay, nhiều người vẫn đợi cho con thật lớn mới cho đi học bơi vì quan niệm trẻ phải biết đi trước khi biết bơi lội. Tuy nhiên các nghiên cứu khoa học gần đây đã chỉ ra rằng so với người lớn, trẻ con học bơi dễ hơn nhiều. Điều đó có nghĩa là càng lớn càng khó tập bơi hơn vì lý do khi con người đã trưởng thành thì khả năng bắt chước không còn nữa nên khó làm những điều mà người dạy bơi mong muốn. Như vậy học bơi cũng không cần phải đợi tuổi.
Hiện nay, tại các bể bơi công cộng, ngoài độ tuổi tiểu học có nhiều đứa trẻ trong độ tuổi mẫu giáo cũng được cha mẹ đưa đến đây để làm quen với nước. Tại hồ bơi Bến Cát, đường Dương Quảng Hàm, P.5, Q.Gò Vấp hàng tuần vào ngày nghỉ vợ chồng anh Đức – GV Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM thường đưa 2 đứa con đến tập bơi. Theo lời kể anh Đức, cháu lớn 9 tuổi nay đã bơi giỏi còn cháu Trúc 2 tuổi tuy chưa biết bơi nhưng đã làm quen với nước vài tháng nay. Tuy chưa biết bơi rành nhưng mỗi khi nhìn thấy nước bé Trúc có vẻ thích thú lắm. Trong lúc những đứa trẻ khác sợ ôm lấy bố mẹ thì bé lại dạn dĩ với 2 chiếc phao bơi nhỏ xíu bên 2 cánh tay.
Thủy liệu pháp có lợi
Theo lời kể của anh Đức, ban đầu bé cần có sự tiếp sức của bố mẹ để đỡ phao nhưng sau đó đã có thể tự vùng vẫy tay chân dưới nước một cách thoải mái hơn. Đặc biệt với loại phao gắn vào cổ thay vì vào tay nên không sợ bé ngộp nước hay chúi đầu xuống như các loại phao khác. Anh Đức cho biết: “Gần đây tôi được biết đang có phong trào dạy bơi nổi cho trẻ con, người chị dâu đã khuyên tôi cho con tập học bơi nổi nên tôi cũng thử xem sao”.
Các bậc cha mẹ nên nắm vững kiến thức như cách thở dưới nước, cách tránh các sự cố khi bơi, cách ứng phó cho trẻ khi gặp sự cố. “Chỉ cho trẻ bơi ở những hồ bơi sạch sẽ có người lớn quản lý, sạch sẽ nếu có thiết kế đặc biệt thì tốt. Tránh cho trẻ bơi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh, bể bơi quá đông người và nguồn nước ô nhiễm” – BS Tú khuyên. |
Theo anh Đức, do trẻ còn lạ lẫm nên rất sợ nước nên phải tập từ từ, ban đầu nhúng 2 chân rồi sau đó là nửa thân dưới, khi quen rồi thì bé không còn sợ gì nữa. Cũng do tập bơi nên khi ở trên cạn bé nhanh nhẹn hơn, ăn uống cũng dễ hơn trước đây. Đó cũng là cách dạy con học bơi của chị Vinh ở P.4, Q.Tân Bình khi đứa con trai mới 3 tuổi rưỡi. Theo chị Vinh, nhờ bơi nổi mà cháu có phản xạ nhanh hơn trước và đặc biệt giấc ngủ sâu hơn trước đây. Bây giờ đứa con đã vào học lớp 3 không cần bố mẹ dạy bơi nữa nhưng theo chị, cha mẹ chính là huấn luyện viên không kém phần quan trọng đối với con vì sự thân thiện và tình thương yêu. Hơn nữa dạy bơi cho con cũng không quá phức tạp vì phụ huynh nào cũng có thể làm được nếu có lòng kiên nhẫn. Lúc đó bé cảm thấy bể bơi chính là sân chơi thân quen của bé.
Theo BS Giang Tú – nguyên cán bộ Phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận cho biết, về nguyên lý, bơi nổi (baby float) được coi là thủy liệu pháp giúp trẻ nhỏ vận động thoải mái dù chưa thật sự biết bơi như người lớn. Khi bơi trẻ được chiếc phao nổi giữ đầu và cổ luôn ở trên mặt nước giúp cho cơ thể vận động tự do dưới nước.
BS Tú cho biết, vận động dưới nước giúp trẻ tăng khả năng phối hợp tay chân và cân bằng trọng lượng dễ hơn trên mặt đất. Trẻ phải huy động tay chân nhiều cơ bắp khác khi ở dưới nước nhiều hơn trên mặt phẳng nên đây là một bài tập thể dục thật sự lý tưởng. Nhưng trẻ biết bơi sớm thì khi lên bơi tập đi đứng có sự cân bằng vững chãi và tự tin hơn. Mặt khác trẻ cũng nắm bắt đồ vật dễ dàng hơn những đứa trẻ nhát nước. Tuy vậy BS Tú lưu ý, chỉ cho trẻ bơi từ 15 đến 20 phút chứ không được quá lâu dễ làm trẻ bị nhiễm bệnh do cảm lạnh. Mỗi lần bơi có thể đốt cháy 300 calo của trẻ nên sẽ mau đói và ăn ngon miệng hơn. Bên cạnh đó do ăn tốt ngủ khỏe bé sẽ miễn dịch một số bệnh thông thường. Hầu hết trẻ rất thích thú khi gặp nước nên vẫy vùng bơi như một cách luyện tập mà không cần nhiều đến sự trợ giúp của người lớn.
Quang Phan
Bình luận (0)