“Biết chữ” tưởng chừng là một thuật ngữ đơn giản nhưng trên thực tế có nhiều cách hiểu khác nhau, theo thời gian và điều kiện cụ thể của từng quốc gia, dân tộc. Trong điều kiện hiện nay ở nước ta, “biết chữ” cũng cần có nhận thức mới cho phù hợp với bối cảnh hiện đại.
Định nghĩa của Wikipedia, theo cách hiểu truyền thống, “biết đọc, biết viết” (literacies, tạm gọi là “biết chữ”) là khả năng đọc và viết tên của mình và không ngừng mở mang kiến thức, có khả năng viết mạch lạc và suy nghĩ nghiêm túc về chữ viết. Không có khả năng đó được gọi là mù chữ. Biết chữ thường được gắn với khả năng hiểu lời nói và đọc được chữ viết (một loại ngôn ngữ nhất định, thường gắn với tiếng mẹ đẻ), như có nhận thức về âm thanh tiếng nói (ngữ âm), chính tả, hiểu ngữ nghĩa, ngữ pháp, có thể đọc lưu loát và hiểu văn bản mình đọc.
Biết viết, biết đọc hay khả năng biết đọc, biết viết theo UNESCO là “khả năng nhận biết, hiểu, sáng tạo, truyền đạt, tính toán và dùng chữ được in ra và viết ra liên kết cùng với văn cảnh khác nhau”. Với cách hiểu truyền thống về “biết chữ”, nhân loại đã giảm số người mù chữ xuống một nửa trong vòng 25 năm, từ năm 1970 đến năm 2005. Hiện nay, Áo, Bỉ, Séc, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh, Hà Lan, Pháp, Gruzia, Đức, Iceland, Ireland, Luxembourg, Nhật, Canada, Úc, New Zealand… là những nước gần như có 100% dân số biết chữ.
Quan điểm về biết chữ không ngừng thay đổi theo thời gian. Theo quan điểm cũ, biết chữ là khả năng đọc, viết, đánh vần, nghe và nói đồng thời có thể định nghĩa của từ nào đó. Từ những năm 1980, có người cho rằng biết chữ gắn với đời sống văn hóa, theo đó biết chữ là khả năng nhận thức các giá trị liên quan đến bối cảnh văn hóa hiện hữu. Có nơi, biết đọc, biết viết được định nghĩa là “khả năng đọc, viết và sử dụng các tính toán, xử lý thông tin, bày tỏ ý kiến và ý kiến, đưa ra quyết định và giải quyết vấn đề của cá nhân mình trong cuộc sống, đồng thời gắn với yếu tố học suốt đời”. Một tiêu chuẩn biết chữ được nhiều nước áp dụng là khả năng đọc báo, đọc sách, bởi đây là những hoạt động “đọc” thường xuyên và cũng liên tục cập nhật những thông tin mới.
Gần đây, Liên hợp quốc đã định nghĩa lại khái niệm “mù chữ” trong thế kỷ XXI: Loại thứ nhất là những người không biết chữ, không đọc sách được (là loại mù chữ cũ theo nghĩa truyền thống); loại thứ hai là những người không phân biệt được những phù hiệu, tín hiệu xã hội hiện đại (như bảng đèn hiệu giao thông, biển báo nhà vệ sinh nam, nữ…); loại thứ ba là những người không biết sử dụng máy tính để học tập, giao lưu, quản lý. Hai loại mù chữ sau bị coi là mù chữ về tính năng; họ tuy đã được giáo dục, nhưng về phương diện thường thức khoa học – kỹ thuật hiện đại, cũng thiếu năng lực như mù chữ trước đây.
Quan niệm hiện đại cho rằng, “biết chữ” là khả năng hiểu các hình thức truyền thông, có thể là ngôn ngữ cơ thể, hình ảnh, bản đồ, hoặc video. Do đó, biết chữ là khả năng hiểu và sử dụng các hệ thống biểu tượng chủ yếu của một nền văn hóa phát triển trong một cộng đồng nhất định. Biết chữ liên quan đến việc học tập liên tục của cá nhân để đạt được mục tiêu, để phát triển kiến thức và khả năng của mình, đồng thời có thể (có năng lực) tham gia đầy đủ vào các hoạt động trong cộng đồng và xã hội. Hiện nay, ngày càng đòi hỏi khả năng sử dụng máy tính và công nghệ kỹ thuật số khác. Vì vậy, từ những năm 1990, khi internet được đưa vào sử dụng rộng rãi tại Mỹ, một số người đã định nghĩa “biết chữ” nên bao gồm khả năng sử dụng các công cụ như trình duyệt web, xử lý văn bản chương trình và tin nhắn văn bản. Một số học giả còn đề xuất từ mới là “multiliteracies” với ý nghĩa bao gồm biết chữ, biết những chữ quan trọng và cần thiết, biết những chữ tu từ (từ có nhiều tầng nghĩa). “Biết chữ” thường được hiểu theo nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào ngữ cảnh và mức độ yêu cầu. Dù vậy, có thể hiểu có những tiêu chí cơ bản:
Thứ nhất, khả năng đọc và viết. Về đọc, đó là có thể nhận diện và hiểu được các ký tự chữ cái và từ ngữ trong văn bản, bao gồm việc nhận biết các ký tự, âm thanh của chữ cái, và khả năng ghép chữ để hiểu nghĩa của câu và đoạn văn. Về viết, có thể tạo ra văn bản bằng cách sử dụng các ký tự chữ cái, bao gồm việc viết chữ cái, từ ngữ và câu một cách rõ ràng và chính xác. Thứ hai, khả năng hiểu biết văn bản. Về đọc hiểu, không chỉ nhận diện chữ mà còn hiểu được ý nghĩa của văn bản, gồm việc giải thích nội dung, nắm bắt các thông tin chính và có khả năng phân tích văn bản. Về viết diễn đạt, có khả năng diễn đạt suy nghĩ và ý tưởng một cách rõ ràng và mạch lạc thông qua việc viết. Thứ ba, sử dụng chữ trong cuộc sống hằng ngày. Đó là giao tiếp, tức là sử dụng chữ để giao tiếp qua văn bản, như viết thư, email, hay ghi chú… Đó là tìm kiếm thông tin, tức là có khả năng sử dụng văn bản để tra tài liệu, đọc sách báo, tài liệu học tập và hướng dẫn sử dụng sản phẩm. Thứ tư, khả năng về văn hóa và giáo dục. Về giáo dục, biết chữ là một nền tảng cơ bản cho việc học tập và giáo dục, giúp bản thân có thể phát triển trên nhiều phương diện, từ kiến thức, nhận thức cho đến kỹ năng, nghề nghiệp… Bởi chính biết chữ có thể giúp cá nhân tiếp thu kiến thức, tham gia vào quá trình học tập và phát triển kỹ năng tư duy. Đó là tham gia xã hội, tức là có khả năng tiếp cận và tham gia vào các hoạt động xã hội và văn hóa, nơi chữ viết đóng vai trò quan trọng. Thứ năm, kỹ năng nghe và nói liên quan. Đó là nghe hiểu, tức có khả năng hiểu các từ ngữ và câu khi nghe, đương nhiên với ngôn ngữ phổ thông, từ đó giúp hỗ trợ việc đọc và viết. Đó là nói, mặc dù không phải là phần chính của việc “biết chữ” nhưng khả năng nói và giao tiếp bằng lời nói có thể hỗ trợ việc học chữ và hiểu văn bản. Thứ sáu, có khả năng đọc các loại chỉ dẫn, biển báo thông thường. Đó là biển báo giao thông với các loại biển báo phổ biến. Đó là các loại biển chỉ dẫn, ký hiệu chỉ dẫn cơ bản trên đường, trên bao bì một số loại sản phẩm, một số loại chữ viết tắt thông dụng, nhất là trên các sản phẩm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe… Đặt ra yếu tố này để lưu ý rằng, những ai chỉ có thể đọc, viết hoặc có thêm một số khả năng như trên nhưng không hiểu biết loại này thì có thể rất nguy hiểm cho bản thân và người khác.
Như vậy, “biết chữ” không chỉ đơn thuần là khả năng nhận diện và viết chữ mà còn bao gồm khả năng hiểu và sử dụng chữ trong các tình huống khác nhau của cuộc sống. Đây là một kỹ năng cơ bản và cần thiết cho việc học tập, làm việc và giao tiếp hiệu quả. Từ năm 1966, ngày 8-9 hằng năm được chọn là Ngày Quốc tế xóa mù chữ. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, xóa mù chữ vẫn còn là một mục tiêu khó đạt được. Theo UNESCO, năm 2023, có khoảng 763 triệu người lớn chưa biết đọc biết viết; khoảng 67 triệu trẻ em không được đi học và số em đi học không thường xuyên hay bỏ học còn nhiều hơn nữa… Còn ở Việt Nam, hiện có khoảng 734.000 người mù chữ. Nếu xét theo các tiêu chí về biết chữ theo nhận thức mới thì chắc chắn con số này sẽ còn lớn hơn rất nhiều. Do đó, ngành giáo dục và toàn xã hội phải nỗ lực rất nhiều trong việc xóa mù chữ (cả theo nghĩa truyền thống và hiện đại).
Trúc Giang
Bình luận (0)