Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Biệt đội cứu nạn trong đêm

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu không may hỏng xe, gặp tai nạn hay bị đe dọa… giữa đêm Sài Gòn mà không biết cầu cứu với ai. Bạn đừng hoang mang. Hãy bấm số 0974131709, Biệt đội SOS Sài Gòn sẽ có mặt, ứng cứu, hỗ trợ kịp thời, hoàn toàn miễn phí. 

Các thành viên của Biệt đội SOS Sài Gòn hỗ trợ “cứu nạn” hoàn toàn miễn phí xuyên đêm

Biệt đội SOS Sài Gòn là một nhóm bạn trẻ tình nguyện “làm chuyện bao đồng”. Mỗi đêm lại chia ra rong ruổi khắp đường phố Sài Gòn đến gần sáng chỉ để… tìm kiếm và giúp đỡ người gặp nạn.

Tình người xa lạ trong đêm

Gần 2h sáng một ngày đầu tháng 11, tại ngã tư Phú Nhuận (Q.Bình Thạnh), anh thanh niên mặc đồng phục Uber sau một hồi lưỡng lự, nói không ra hơi cho biết xe mình bị lủng bánh sau từ đầu đường Hoàng Văn Thụ. Thuần thục như một thợ sửa xe, vèo một cái, Xuân Bắc (thành viên của nhóm) đã giúp anh tài xế vá lành bánh xe mà không lấy một đồng công nào. Trong ngỡ ngàng, anh tài xế rút bóp lấy ra 30 ngàn dúi vào tay nhóm, nói rằng có chút đỉnh bồi dưỡng nhưng nhóm kiên quyết từ chối. “Mình đi chạy xe ôm kiếm cơm ban đêm mà xe hỏng khuya thì đành chịu. Tưởng là một đêm xui xẻo mà gặp được các anh thiệt là hên quá chừng” – anh tài xế vui mừng.

4h30 sáng, đến đoạn Quốc Lộ 1A, nhóm gặp một anh chàng bán kẹo kéo đang hì hục đẩy xe máy. Tấp vào hỏi, nhóm được biết xe anh bị lủng ruột, đã dắt bộ được gần cây số mà nhà trọ còn xa tít tận Hóc Môn.

Chưa đầy 15 phút, với bộ đồ nghề trong tay, anh Nguyễn Sang – một thành viên của nhóm đã vá xong ruột xe cho chàng trai kẹo kéo. Quá cảm động, chàng thanh niên liền tặng cho nhóm vài thanh kẹo, để “các anh lót bụng” bởi “không gặp được các anh chắc em chỉ biết khóc tiếng Mán giữa đêm, chẳng biết làm cách nào để về được nhà”.

Chưa kịp trở về, nhóm lại nhận được điện thoại của người qua đường báo có vụ tai nạn ở Cộng Hòa. Đến nơi, nạn nhân là một thanh niên trẻ, người sặc mùi bia, nằm ú ớ. Đặng Đức Thắng (thành viên của nhóm) mang hộp sơ cấp cứu, cẩn trọng lấy nước sát trùng và băng bó lại vết thương đang rướm máu trên đùi nạn nhân. Nhận thấy tai nạn không quá nghiêm trọng, nhóm đã hỏi địa chỉ và đưa nạn nhân về tận nhà trong sự ngỡ ngàng, nghẹn ngào của người thân.

Đêm đó, các thành viên trong nhóm trở về căn cứ của Biệt đội ở đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình) khi kim giờ đã chỉ quá số 5. Chỉ kịp húp vội mỗi người một tô mì, ai nấy lại trở về nhà, lại bắt đầu một ngày mới với gánh nặng áo cơm, mưu sinh tất bật.

“Càng mưa gió, nhóm càng phải đi tuần. Thường từ 10h tối đến 2h sáng, nhưng các thành viên trong nhóm bắt đầu tuần từ 8h tối cho đến rạng sáng. Ban ngày công việc vẫn phải làm để sống. Còn ban đêm đi tuần lại càng phải làm vì còn nhiều lắm những người cần mình giúp đỡ” – Hồ Tấn Sang – người sáng lập Biệt đội SOS Sài Gòn chia sẻ.

Bản năng thiện nguyện

Làm trong ngành xây dựng, thường xuyên phải đi đêm, Tấn Sang đã chứng kiến không ít người dân gặp nạn khi hỏng xe, tai nạn giữa đêm mà không có sự hỗ trợ giúp đỡ nào trong khi đó cướp giật trong đêm luôn rình rập. “Chính bản thân mình cũng đã hơn một lần phải dắt bộ xe giữa đêm về tận nhà do hết xăng, rồi bể bánh. Những lúc đó chỉ ước giá như có người nào đó xuất hiện giúp đỡ mình” – Sang kể.

Mang băn khoăn đó chia sẻ lên một nhóm xe máy trên mạng xã hội, Tấn Sang không ngờ lại nhận được sự ủng hộ của rất nhiều những con người xa lạ, đã từng trải qua cảm giác “gần như là bế tắc” khi gặp nạn trong đêm. Tháng 3-2017, Biệt đội SOS Sài Gòn đã ra đời với 17 thành viên, đủ mọi ngành nghề từ xe ôm, sinh viên, giáo viên đến lao động tự do…

“Có đồng minh rồi, vẫn là những câu hỏi có làm được hay không. Phải mất gần 3 tháng, biết bao nhiêu buổi các thành viên ngồi lại cùng nhau, thống nhất cách thức hoạt động, khảo sát các tuyến đường, đặt ra những khó khăn, hiểm nguy sẽ gặp phải” – Tấn Sang chia sẻ.

Những ngày đầu hoạt động, dù đã lường trước phần nào khó khăn và hiểm nguy gặp phải nhưng Tấn Sang cho biết, các thành viên vẫn mất một thời gian dài thích nghi. “Người gặp nạn không hợp tác, thẳng thừng từ chối sự giúp đỡ, thậm chí còn nói những lời khó nghe vì tưởng nhóm là cướp. Thường xuyên bị công an sờ tới bởi nghĩ là tụ tập đua xe do nhóm hoạt động về đêm”.

Các thành viên đang hỗ trợ vá xe cho anh bán kẹo kéo

“Rất buồn. Chạnh lòng. Người dân không tin lại có một nhóm người chuyên đi mua dây buộc mình. Chỉ biết nhẹ nhàng, kiên nhẫn giải thích và giới thiệu về nhóm để xin được phép giúp đỡ. Đồng thời nhóm đã may đồng phục mặc để tạo niềm tin của người dân” – Tấn Sang trải lòng.

Lương Đức Hiện, thành viên của nhóm chia sẻ: “Vài lần bị đánh do cứu người tai nạn giao thông mà người nhà nạn nhân tưởng mình gây tai nạn hay người bị tai nạn nghĩ mình là người nhà của người gây tai nạn. Rồi có lần người dân tưởng nhóm là cướp đã giam thành viên lại, giữ chìa khóa xe và giấy tờ, báo cho công an”

Là thành viên nữ của nhóm, Linh Nhi với công việc một giáo viên mầm non nhưng vẫn tranh thủ một tuần 3 buổi đêm đồng hành cùng nhóm. “20-10 vừa qua của mình là túc trực trên những tuyến đường và thức đến gần sáng cùng người tai nạn giao thông trong bệnh viện Nhân Dân Gia Định”.

Võ Trần Minh Đạt hiện là sinh viên Cao Đẳng Công Thương TP.HCM, cho biết, bản thân được học bài bản về sửa chữa ô tô, xe máy nên tham gia vào nhóm để dùng kiên thức của mình giúp những người bị nạn. “Đó sẽ là hành trình tuổi trẻ rực rỡ của mình”

Hiện tại, nhóm chia ra làm 3 mũi tàu, tập trung hoạt động ở từng địa bàn, đặc biệt những khu thường xuyên xảy ra tai nạn như Quốc lộ 1A, Cầu vượt An Sương, Ngã tư Thủ Đức, xa lộ Hà Nội…

“Các thành viên trong nhóm được rèn luyện bản năng tình nguyện. Bất kể lúc nào, chỉ cần gặp người khó khăn là giúp trong khả năng. Dù phải bỏ tiền túi hoàn toàn trong những hoạt động, thức đêm hôm, sáng lại trở về làm việc kiếm sống nhưng thành viên nào cũng cảm thấy mình làm được điều có ích cho xã hội. Những nụ cười, lời cảm ơn của người gặp nạn là liều thuốc bổ mỗi đêm cho nhóm” – Tấn Sang thành thật.

Bài, ảnh: Yến Hoa

 

Bình luận (0)