Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Biết là khó nhưng vẫn có cách vượt qua…

Tạp Chí Giáo Dục

Bn thân tôi và nhiu ngưi khác vn ch mong đ thi tt nghip THPT môn ng văn năm hc 2024-2025 ly ng liu ngoài chương trình hc. Tuy phn ngh lun văn hc ch có 4 đim nhưng cũng khó “ăn” trn vn vì nhng lý do sau:

Giáo viên ngữ văn giảng bài học “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ (ảnh minh họa). Ảnh: Y.Hoa

Một: Muốn cảm nhận, “thẩm thấu” một bài thơ, một đoạn thơ, một đoạn trích… không thể nào đọc xong là hiểu ngay, vì văn chương đâu phải “mì ăn liền”, đổ nước sôi sau 3-4 phút là ăn được! Ngay cả bản thân người thầy (như tôi chẳng hạn) có khi phải đọc đi đọc lại nhiều lần vẫn chưa cảm hết một câu thơ, một ý văn, thậm chí một từ ngữ!

Có những câu thơ tưởng chừng đã hiểu thấu, đã quen thuộc mà… hàng năm sau, khi đọc cách cảm nhận của các tác giả đạt giải bình thơ, tôi mới hiểu, mới ngộ ra “à là như vậy”. Thí dụ, hai câu cuối của bài thơ “Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng” của Lý Bạch: “Cô phàm viễn ảnh bích không tận/ Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu”. Hình ảnh con thuyền, cánh buồm lớn như vậy mà người đưa tiễn nhìn mãi cho đến khi cánh buồm (nơi cao nhất) cũng khuất nốt thì chỉ có tình bạn tri âm tri kỷ mới có được sự dõi theo như vậy. Khi ấy, người đưa tiễn chỉ còn thấy dòng Trường Giang chảy ngang trời nhòa đi trước mắt; dòng sông nhòa hay dòng lệ nhòa thương nhớ bạn. Nếu đọc lướt qua, đọc khơi khơi không đặt câu hỏi, không đặt vấn đề, dạy theo hướng dẫn cơ bản, chung chung thì thật khó thấu cảm ý thơ này!

Hai: Phải đọc đi đọc lại, tìm ra “nhãn tự” của bài thơ, của đoạn thơ hoặc từ ngữ, hành động, ngôn ngữ, cử chỉ, tâm lý của nhân vật (nếu là văn xuôi). Đó là những từ ngữ nào? Ý nghĩa của những từ ngữ này trong văn cảnh? Tác giả “cao tay ấn” thường giấu ý đồ sáng tạo của mình một cách sâu kín, nghệ thuật mà không bao giờ nói thẳng ra. Hình tượng càng giấu kín, càng khó tìm thì tính nghệ thuật càng cao. “Cành thẳng quá thì chim không đậu” là như vậy!

Nhớ có lần chấm thi bài làm của học sinh phân tích bài thơ “Nhớ con sông quê hương” (Tế Hanh), đến khổ cuối: “Tôi sẽ lại nơi tôi hằng mơ ước/ Tôi sẽ về sông nước của quê hương/ Tôi sẽ về sông nước của tình thương”. Bài của học sinh viết (chắc sách hướng dẫn giáo viên dạy như thế) đại ý là sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975), tác giả đã thực hiện được ý nguyện của mình là trở về bên con sông của quê hương.

Viết như vậy là sai hoàn toàn, sai ý nghĩa của đoạn thơ cuối này của tác giả. Phải đặt bài thơ trong hoàn cảnh sáng tác (tháng 6-1956) thì mới hiểu ý nghĩa sâu sắc của đoạn thơ. Khi ấy đất nước còn tạm chia cắt hai miền và khát vọng thống nhất, khát vọng trở về quê hương, góp phần giải phóng quê hương luôn đau đáu trong lòng những người con miền Nam tập kết. Điệp ngữ (Tôi sẽ về sông nước) và hình ảnh gợi tả (quê hương, tình thương) đã nhấn mạnh nỗi nhớ quê hương và niềm khát khao cháy bỏng được trở về quê hương chiến đấu của tác giả!

Công việc của người đọc là tìm ra, tìm được, nắm bắt được mạch ngầm ý đồ sáng tạo đó. Thí dụ, bày tỏ lòng mình trước thực trạng thơ ngày nay đang rời xa cuộc sống, nhà thơ Nguyễn Duy viết: “Nhà thơ mà cứ mập ù/ Nàng thơ xuống tóc, đi tu giữa trời”. Tại sao “nhà thơ mập ù” (rất mập) thì “nàng thơ xuống tóc đi tu”? Nếu một nhà thơ biết đau cái đau của đời, luôn trăn trở với những nỗi đau đời thì cái tâm luôn đau đáu; vật vã, đau đớn với đời (thường mất ăn mất ngủ nên ốm o, gầy mòn) thì mới ra tác phẩm hay, sâu sắc. Ngược lại, những nhà thơ chỉ biết ăn nhậu, đêm thì thẳng cẳng ngủ ngon (nên mập ù), đâu cần biết đến cái đau của đời, của cuộc sống. Họ cho “ra lò” những bài thơ vô thưởng vô phạt, không có ích gì cho cuộc sống, xa rời thực tế cuộc sống. Thơ như vậy không còn chức năng “chở đạo”, góp phần thức tỉnh con người. Lúc đó, “nàng thơ” không còn mặn mà “sánh vai” với nhà thơ nữa mà sẵn sàng “xuống tóc đi tu” cho khỏe tinh thần!

Ba: Cần phải có kiến thức liên môn, liên ngành để hiểu sâu tác phẩm văn học. Văn học là sự tổng hòa các mối quan hệ xã hội, vô cùng đa dạng và phong phú. Muốn hiểu rõ ngọn ngành một hình ảnh, một câu thơ, một ý văn thì rất cần kiến thức của các môn học khác, của các ngành khác. Những kiến thức đó sẽ được đối chiếu, so sánh, bổ sung… để làm sáng tỏ ý cần tìm hiểu. Thí dụ, như câu thơ “Mùa xuân con én đưa thoi” (Truyện Kiều – Nguyễn Du). Trước hết phải có kiến thức hiểu về loài chim én. Mùa đông chúng tránh rét trong tổ, trong hang. Khi tiết trời ấm áp (mùa xuân) thì chúng bay ra từng đàn tìm mồi. Lúc này, tiết trời ấm nên các loài bướm, côn trùng cũng vào mùa sinh sản. Chim én bay lên bay xuống bắt mồi tựa như con thoi (trong khung dệt ngày xưa) lên xuống liên hồi. Khung cảnh rộn ràng ấy gợi lên niềm vui trong lòng người trước sự hồi sinh của vạn vật khi mùa xuân đến.

Bốn: Nên tạo thói quen dành thời gian đọc sách có chọn lọc, có kế hoạch, có định hướng. Đọc sách là “tập thể dục” cho trí não, cho tư duy một cách thường xuyên. Một khi thành niềm say mê thì kiến thức tự nó thấm vào tâm trí lúc nào không rõ! Chúng ta sẽ có những vốn sống, vốn hiểu biết; có kiến thức, kỹ năng sống mà sách mang lại. Thí dụ, các câu thơ: “Một tối mùa hè anh gõ cửa phòng em/ Rồi đứng đợi dưới hàng cây sẫm tối/ Em mở cửa, lá rèm bay bối rối/ Lần đầu tiên hò hẹn ở trong đời” (Chia tay trong đêm mùa hạ – Trần Thị Nhơn). Kỹ năng sống đầu tiên là phép lịch sự khi đến thăm nhà của bạn, nhà của người yêu, nhà của người khác. Đó là phải báo trước, khi đến phải gõ cửa nhẹ nhàng, gõ ba tiếng cách nhau vài ba giây. Kỹ năng sống thứ hai là khi chủ nhà chưa mở cửa, tuyệt đối không đứng ngay trước cửa mà phải đứng đợi, quay lưng về phía cửa để cho chủ nhà không bị động hoặc việc chuẩn bị chưa xong…

Mặt khác, khi đọc một truyện ngắn, một bài thơ thì sẽ tạo lập cho chúng ta phản xạ suy luận, phản xạ cảm nhận vấn đề; lâu dần trở thành kỹ năng khi tiếp xúc một câu thơ, một ý truyện. Thí dụ, có câu thơ “Nhiều khi rác của người này/ Máu của người kia” đã làm tôi day dứt mãi. Thời kinh tế thị trường, hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng rộng. Có những người nghèo làm nghề lượm ve chai để sống qua ngày. Những thứ bỏ đi (có thể còn dùng được, tái chế được), đối với người giàu chỉ là rác vứt vào thùng, vào bờ bụi; nhưng với người nghèo, đó là cơm áo, là máu nuôi sự sống của mình!

Sẽ có sự “chém gió” khi gặp đề ngữ văn lạ nhưng với người ham đọc, ham viết, ham tìm hiểu thì không có gì lạ cả. Tất cả đã sẵn sàng “mở khóa mật mã” được tác giả giấu trong từng ý, từng câu, trong toàn chỉnh thể tác phẩm. Khó nhưng không phải là không làm được, tất cả nhờ vào sự quyết tâm, vào ý chí, vào tinh thần học thật, học cho mình, có ích cho mình!

Thch Hoài Lam

Bình luận (0)