Những học sinh có năng lực học tốt các môn văn hóa, sau khi tốt nghiệp THCS nên học tiếp lên THPT để thực hiện ước mơ vào ĐH. Ngược lại, những học sinh không có năng lực học tốt các môn văn hóa nên rẽ hướng sang bậc TC, CĐ nghề… Xác định kịp thời, phân luồng ngay từ đầu sẽ giúp các em tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí học tập cũng như nhanh chóng tiếp cận với ngành nghề mình đam mê, sớm cống hiến cho xã hội.
Đại diện ban tư vấn đang giải đáp thắc mắc của các em học sinh trước những hướng đi sau THCS
Đó là lời khuyên được các chuyên gia chia sẻ với học sinh Trường THCS Tân Bình và Trường THCS Trần Văn Đang (Q.Tân Bình) trong chương trình “Tuyển sinh, hướng nghiệp học sinh sau THCS” lần 5 năm học 2019-2020 diễn ra tại Trường THCS Tân Bình mới đây. Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM và Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp tổ chức nhằm cung cấp những thông tin hữu ích đến học sinh THCS trước khi lựa chọn hướng đi sau tốt nghiệp.
Trao đổi với các em học sinh về những hướng đi sau THCS, ông Huỳnh Văn Đà (chuyên viên Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết sau khi tốt nghiệp THCS, thông thường học sinh sẽ đăng ký nguyện vọng vào các trường THPT công lập (trường chuyên và trường thường). Đối với trường THPT chuyên, các em có 4 nguyện vọng, gồm 2 nguyện vọng vào lớp chuyên và 2 nguyện vọng vào lớp không chuyên. Trường chuyên thi tuyển 4 môn là toán, văn, ngoại ngữ và môn chuyên. Trong khi đó, với trường THPT thường, học sinh phải thi 3 môn là toán, văn, ngoại ngữ; trong đó môn toán và văn được nhân hệ số 2. Ông Đà cho biết thêm: Các em cần lưu ý khi chọn trường THPT công lập, đó là nên lựa chọn trường phù hợp với năng lực của bản thân, điều kiện kinh tế của gia đình và khoảng cách địa lý từ nhà đến trường. Tránh trường hợp như những năm trước, không ít học sinh gặp khó khăn khi chọn trường có điểm chuẩn quá cao so với năng lực, hoặc chọn những trường quá xa so với địa bàn mình sinh sống. “Một lưu ý không kém quan trọng dành cho học sinh là khi nhà trường có thông báo và phát phiếu đăng ký nguyện vọng chọn trường, các em phải cân nhắc kỹ rồi mới điền các nguyện vọng trước khi nộp. Khi Sở GD-ĐT thông báo lần đầu về danh sách đăng ký nguyện vọng, các em có khoảng 1 tuần để thay đổi nguyện vọng ban đầu nếu có. Hết thời hạn trên, các em không còn quyền thay đổi. Do đó, các em phải cân nhắc, lựa chọn thật kỹ càng”, ông Đà khuyên.
Theo ông Đà, nếu không đủ điều kiện, hoặc trượt nguyện vọng vào các trường THPT công lập, học sinh còn rất nhiều hướng đi khác như học tại những trường ngoài công lập, trung tâm GDNN-GDTX, trường nghề… “Học trường TC, CĐ nghề, các em được học các môn văn hóa ít hơn, thời gian ngắn hơn; song song đó, các em được học nghề. Sau khi tốt nghiệp, nếu có nguyện vọng học lên cao, các em vẫn có cơ hội liên thông vào CĐ, ĐH, hoặc tham gia thị trường lao động sớm nhằm khẳng định năng lực nghề nghiệp của mình”, ông Đà khẳng định.
Những ngành học của thời cuộc Trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 12 năm 2020 diễn ra mới đây tại Trường THPT Marie Curie (Q.3) do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP tổ chức (có sự đồng hành của ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cùng các trường ĐH, CĐ khác), nhiều học sinh bày tỏ băn khoăn: “Học ngành tâm lý học ra là làm bác sĩ tâm lý?”. Giải đáp băn khoăn này, TS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Quản trị Tri thức, Sở KH-CN TP.HCM) nói: Tâm lý học là ngành mang tính thời cuộc, hiện tại đang phát triển và rất có tương lai. Khi khoa học càng phát triển, con người sẽ càng dễ rơi vào các căn bệnh tâm lý. Mỗi trường học cũng cần có một đội ngũ tham vấn tâm lý; các doanh nghiệp cũng cần đến đội ngũ chuyên viên tâm lý để tìm hiểu tâm lý khách hàng… Học ngành này có thể trở thành bác sĩ điều trị bệnh tâm lý; có thể làm việc ở các trường học, doanh nghiệp… “Tuy nhiên, không phải học xong ra trường là người học có thể trở thành bác sĩ tâm lý. Để trở thành bác sĩ tâm lý, người học cần phải học thêm những khóa học chuyên sâu liên quan đến lĩnh vực y khoa về con người”, TS. Tùng chia sẻ. Tuy nhiên, theo TS. Tùng, tâm lý học là ngành không dành cho số đông mà đây là ngành rất kén người học. “Nếu các em có niềm yêu thích khám phá tâm lý con người, có khả năng lắng nghe, chia sẻ, có sự kiên trì, nhẫn nại thì hãy theo học”, TS. Tùng lưu ý. Ngoài tâm lý học, một trong những ngành học mang tính thời cuộc trong giai đoạn hiện nay được các chuyên gia đề cập đến là logistics. ThS. Lê Dũng (Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho hay, logistics là ngành học thiên về quản lý các hoạt động vận tải, lưu trữ hàng hóa, hoạt động kho bãi… nhằm đạt được mục đích sau cùng là chuyển sản phẩm, hàng hóa từ nhà cung cấp đến tay người tiêu dùng một cách tối ưu nhất. “Trong làn sóng toàn cầu hóa đòi hỏi cao về giao dịch, lưu thông hàng hóa không chỉ trong nước mà cả thế giới thì logistics càng đóng vai trò quan trọng. Do đó, hiện tại ngành này đang phát triển rất mạnh. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển logistics Việt Nam, trong 3 năm tới, Việt Nam cần khoảng trên 18.000 lao động làm việc trong lĩnh vực này”, ThS. Dũng cho biết. Mặc dù vậy, một điểm lưu ý khi lựa chọn ngành học này, theo ThS. Dũng, người học cần có sự tỉ mỉ, năng động, nhạy bén, tư duy logic tốt, khả năng lên kế hoạch, sắp xếp công việc giỏi. “Giỏi ngoại ngữ là một lợi thế cạnh tranh và phát triển tốt trong lĩnh vực này. Đây cũng là một ngành cần đến sự tương tác ở nhiều khâu, vì vậy đòi hỏi người học cần khả năng giao tiếp tốt”, ThS. Dũng bổ sung. Yến Hoa
Một học sinh đặt câu hỏi cho các chuyên gia |
Chia sẻ thông tin với các em học sinh tại chương trình, đại diện Trường CĐ Sài Gòn Gia Định cho hay: Trước đây học sinh THCS không có nhiều sự lựa chọn như bây giờ, do vậy, khi trượt nguyện vọng vào các trường THPT công lập thì nghĩ rằng đó là sự thất bại. Tương tự, với phụ huynh, khi nói đến học nghề dường như có một bức tường ngăn cách do những suy nghĩ tiêu cực về việc học nghề. Vì vậy, nhiều học sinh không đủ năng lực nhưng vẫn “bon chen” vào trường THPT công lập dẫn đến áp lực căng thẳng, các em có cảm giác như bị tra tấn mỗi ngày do phải học tập đối phó. Sau 3 năm học THPT, các em tiếp tục thi THPT quốc gia để xác định vào trường ĐH, CĐ hay TC. Dù “bon chen” đến đâu thì những học sinh không đủ năng lực vẫn phải nghỉ học, đó là một sự lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức của bản thân và gia đình. Trong khi đó, nếu ngay từ lớp 9, các em được định hướng chuyển sang học TC, CĐ nghề thì sau 3 năm đã có bằng TC và giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT, vẫn đủ điều kiện học liên thông lên CĐ, ĐH. Không chỉ vậy, các em còn có một nghề để đi làm ngay. Tại các quốc gia tiên tiến, từ thập niên 60, các nước đã thực hiện phân luồng từ bậc tiểu học, không đợi tới bậc THCS. Còn ở Việt Nam, hiện nay các bậc học TC, CĐ nghề ngày càng được mở rộng nhằm tạo điều kiện cho học sinh có thêm nhiều hướng đi phù hợp với bản thân và phát triển tối đa năng lực. Nhiều phụ huynh, học sinh cũng bắt đầu thay đổi quan niệm và tin tưởng lựa chọn hệ thống này.
Ngay sau đó, một học sinh Trường THCS Trần Văn Đang bày tỏ: “Dù biết nhiều lợi ích của trường TC, CĐ nghề nhưng thầy cô và phụ huynh vẫn mong muốn học sinh, con em vào THPT công lập. Vậy chúng em phải làm sao để thay đổi quan điểm đó?”. Ông Phạm Ngọc Thanh (nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) đưa ra lời khuyên: “Đó là tâm lý của không ít thầy cô giáo và phụ huynh, mong muốn an toàn cho các em, nhưng cũng muốn các em thành công, hạnh phúc. Con đường nào thành công, hạnh phúc thì chưa ai xác định được; trong khi đó, con đường nào ít người đi thì mọi người rất lo lắng. Do vậy, thầy cô và phụ huynh chọn con đường THPT công lập là an toàn. Các em lưu ý, để chọn đúng hướng đi phải xác định rõ mục tiêu, năng lực của bản thân. Nếu các em tự tin với lựa chọn của mình và tạo được niềm tin để cha mẹ, thầy cô tin rằng tương lai các em có thể phát triển được thì chắc chắn mọi người sẽ ủng hộ sự lựa chọn đó”.
Bài, ảnh: Hoài Thương
Bình luận (0)