Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Biết mình muốn gì để thành công

Tạp Chí Giáo Dục

Đây là lời nhắn nhủ của nhiều chuyên gia trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần 10 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức vừa qua tại Trường THPT Phạm Văn Sáng (huyện Hóc Môn). Đồng hành cùng chương trình còn có sự tham gia của ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) và ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF).

Một học sinh nam đặt câu hỏi với Ban tư vấn của chương trình

Chương trình đã trực tiếp giải đáp thắc mắc, định hướng nghề nghiệp cho gần 700 học sinh trong trường. Đặc biệt, các chuyên gia còn đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích cho con đường du học đối với học sinh.

ĐH nào dành cho người thích… chơi game?

Trước câu hỏi tưởng chừng “bí” này của học sinh, ông Nguyễn Thành Tâm (Giám đốc Đào tạo Hệ thống lập trình viên Quốc tế Aptech) cho biết đối với những người thích chơi game thì nên đi theo hướng học lập trình phần mềm để có thể sáng tạo ra những game mới, vừa thỏa niềm đam mê của bản thân. “Các em cần phải có tính sáng tạo, một tư duy thật logic để luôn biết biến cái đã sẵn có, cái của người khác thành của mình theo cách mới mẻ chứ không phải là… ăn cắp”, ông Tâm nói.

Theo ông Tâm, cơ hội nghề nghiệp đối với nghề lập trình viên là rất lớn trong thời đại công nghệ 4.0. “Có rất nhiều hướng để các lập trình viên phát triển. Các em có thể đầu quân vào những công ty chuyên sản xuất game của nước ngoài, các công ty phần mềm trong nước. Hoặc nếu mạnh dạn, tự tin các em cũng có thể tự mình startup (khởi nghiệp), phát triển những game cho bản thân mình. Hướng đi nào cũng đòi hỏi các em phải nghiêm túc ngay từ bây giờ”, ông Tâm nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường TP.HCM) khẳng định trong tương lai, lĩnh vực công nghệ phần mềm sẽ có nhu cầu nhân lực rất cao. Hiện tại, tất cả các ngành từ truyền thông, vận tải, tài chính ngân hàng, ngoại thương… đều cần đến công nghệ phần mềm. Chỉ cần có đam mê về công nghệ thông tin, có vốn ngoại ngữ là một lợi thế và một tư duy logic, các em có thể mạnh dạn thử thách với lĩnh vực này.

Giải đáp thắc mắc của nhiều học sinh về việc chuyển ngành trong quá trình học, ThS. Nguyễn Đình Đương (Phó ban Tuyển sinh của HUTECH) cho biết chỉ có thể chuyển ngành với điều kiện trùng điểm xét tuyển đầu vào và trùng tổ hợp môn xét tuyển. Tuy nhiên, theo ThS. Đương, tốt nhất các em nên có sự lựa chọn, nghiên cứu, cân nhắc thật kỹ trước khi chọn ngành nghề. “Các em phải biết mình thật sự muốn gì, và xác định được con đường mình đi để thành công”, ThS. Đương chia sẻ.

Trong khi đó, ThS. Võ Minh Thành (giảng viên tâm lý của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) lại đưa ra lời khuyên rằng, với mỗi một quyết định nghề nghiệp trong tương lai, các em cần phần xác định rõ bản thân mình là ai, mình muốn gì và mình muốn trở thành người như thế nào. “Có những em có quá nhiều ước mơ nghề nghiệp nhưng cũng có những em lại chẳng biết mình mơ ước gì. Khi cầm bút điền thông tin ngành nghề, các em nên tìm hiểu thật kỹ, biết điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, tránh chạy theo những nghề xu hướng”, ThS. Thành khuyên.

Để làm được những điều đó, theo ThS. Thành, ngay từ bây giờ các em nên “bung” mình ra trong các hoạt động xã hội, đoàn thể, trải nghiệm trong trường, địa phương mình đang sống để bản thân mạnh dạn hơn, tự tin hơn và đặc biệt là biết mình đam mê gì nhất.

Có kỹ năng để du học dễ dàng

Trước những băn khoăn xung quanh chuyện du học của nhiều học sinh trong trường, TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc (Viện trưởng Viện đào tạo quốc tế của UEF) cho biết để du học trước hết phải có visa. Mà visa đối với từng nước lại có những khó khăn riêng. “Không phải cứ có tiền, có một vốn ngoại ngữ tốt là đã có thể xin được visa du học, đặc biệt đối với những thị trường khó tính như Mỹ, Anh, Pháp… thì lại càng khó”, TS. Lộc nói.

Theo TS. Lộc, để xin được visa đối với bất kỳ quốc gia nào, việc đầu tiên các em cần phải chứng minh bản thân mình là một học sinh nghiêm túc, đi du học là để học chứ không phải để chơi, du lịch. “Điều này thì bên lãnh sự quán sẽ căn cứ vào bảng điểm học tập của các em. Tiếp đó các em phải chứng minh được tài chính ổn định trong khoảng thời gian học. Và đặc biệt, điều quan trọng chính là việc các em cam kết sẽ trở về nước sau thời gian học. Nhiều em kêu sao “mình có tiền, mình giỏi ngoại ngữ mà không xin visa du học được” thì chính vì lý do cuối cùng này. Các em không làm cho họ tin tưởng với cam kết sẽ trở về sau thời gian du học”, TS. Lộc bày tỏ.

Bên cạnh đó, TS. Lộc cũng cho biết, ngoại ngữ là điều kiện cần không thể thiếu khi du học. Tùy thuộc vào từng trường sẽ có yêu cầu ngoại ngữ riêng. Tuy nhiên, lời khuyên là các em cần phải có điểm IELTS thấp nhất 5.5.

Bổ sung về kỹ năng du học, theo ông Nguyễn Thành Tâm, bên cạnh ngoại ngữ, trước khi xác định đi du học, các em cần phải trang bị kỹ năng về mọi mảng từ khoa học xã hội đến khoa học tự nhiên. “Bất cứ trường nào trước khi vào học đều có một bài thi chuẩn hóa, tương tự như một bài kiểm tra toán hay lịch sử của trường. Bởi vậy, các em cần phải trang bị một vốn kiến thức nền để vượt qua bài thi này. Đồng thời, nếu muốn lấy học bổng của trường thì các em phải vượt qua vòng phỏng vấn của trường”, ông Tâm nhắn nhủ.

Bên cạnh đó, những ngành như Stylist (thời trang) hay bác sĩ thú y cũng được nhiều học sinh quan tâm. Trước những thắc mắc này, ông Nguyễn Quốc Cường (Phó ban Đào tạo, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM) khẳng định: “Đây là những ngành rất tiềm năng, học không khó nhưng lại đòi hỏi người học phải có sự kiên trì, lòng yêu nghề đặc biệt. Đó là tình yêu với động vật, sự sáng tạo, bứt phá trong công việc thiết kế…”.

Bài, ảnh: Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)