Chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức vừa diễn ra tại Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM). Theo thống kê, có khoảng 1.000 học sinh lớp 12 tham dự, nhưng chỉ có 1/6 em xác nhận chọn được ngành nghề, 2/6 chọn được trường học…
Một học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn đặt câu hỏi cho Ban tư vấn |
Trong khi đó, các em học sinh còn lại vẫn chưa nắm rõ những yêu cầu đầu vào cũng như chương trình đào tạo… của các trường ĐH.
Không biết vẽ có học được ngành kiến trúc?
Em Mai Anh hỏi: “Bằng cách nào em có thể học ngành kiến trúc dân dụng khi mà em không biết vẽ?”. Trong khi đó, em Minh Đức băn khoăn: “Đối với ngành ngôn ngữ Anh đang được các trường ĐH đào tạo có gì đặc biệt khi mà hiện tại, các trung tâm Anh ngữ đều đã trang bị đầy đủ kiến thức chuyên ngành đến kiến thức văn hóa, lịch sử… của một số nước cho người học”.
Giải đáp câu hỏi của Mai Anh, ThS. Võ Văn Tuấn (đại diện Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM) nhấn mạnh, muốn theo học ngành kiến trúc thì đòi hỏi người học phải biết vẽ. Và để vẽ được là nhờ 50% sự rèn luyện và 50% năng khiếu của người học. Một học sinh không biết vẽ nhưng yêu thích ngành kiến trúc thì nên có sự rèn luyện trước đó, thời gian từ 1 học kỳ đến 2 năm học. “Về phía Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, năm học này, trường sẽ xét tuyển theo 2 tổ hợp môn: toán – văn – mỹ thuật và toán – lý – mỹ thuật. Trong đó, điểm môn vẽ dưới 5 thì thí sinh sẽ không đủ điều kiện xét tuyển. Bản thân Mai Anh có thể theo học ngành này nhưng cần có sự rèn luyện kỹ năng vẽ trước để đáp ứng yêu cầu tuyển sinh cũng như yêu cầu trong quá trình đào tạo”, ThS. Võ Văn Tuấn cho hay.
Riêng câu hỏi của Minh Đức, ThS. Nguyễn Trần Ngọc Phương (đại diện Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) giải đáp: “Bước vào môi trường ĐH, sinh viên sẽ được đào tạo kiến thức nền tảng, chuyên sâu về ngôn ngữ, văn hóa Anh để có thể làm chủ và sử dụng tiếng Anh thành thạo. Đồng thời nhà trường sẽ trang bị các kiến thức bổ trợ về kinh tế, tài chính ngân hàng, nhà hàng, khách sạn, xuất nhập khẩu, quan hệ quốc tế… nhằm đáp ứng yêu cầu nền kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế”.
ThS. Nguyễn Trần Ngọc Phương cho biết thêm, trong quá trình đào tạo tại các trường ĐH luôn gắn liền với thực hành, giúp sinh viên có cơ hội tham gia nhiều hoạt động giao lưu, trải nghiệm các hoạt động mà bên ngoài không có. Để sau khi ra trường, sinh viên có đầy đủ các kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, phân tích, giải quyết vấn đề, tinh thần làm việc chủ động cao và làm việc hiệu quả trong môi trường nghề nghiệp cụ thể.
Kiến thức ĐH vẫn là tấm vé thông dụng vào nghề
Đó là khẳng định của ThS. Nguyễn Anh Vũ (đại diện Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) khi trả lời câu hỏi của em Duy Khanh: “Tại sao nhiều người như Steve Jobs (đồng sáng lập viên hãng Apple), Mark Zuckerberg (ông chủ Facebook)… không học ĐH vẫn tài giỏi, nổi tiếng, kiếm được nhiều tiền. Vậy có phải chương trình đào tạo ĐH hiện chỉ chú trọng lý thuyết, ít được áp dụng vào thực tiễn?”.
Cần nắm kỹ những thay đổi để tránh ảnh hưởng đến kỳ thi Còn hơn 4 tháng nữa, học sinh lớp 12 bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2017 cũng như nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH. So với năm 2016, kỳ thi THPT quốc gia năm nay có sự thay đổi về cụm thi, thời gian thi, đề thi, phương thức xét tuyển. Theo đó, TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) lưu ý các em học sinh cần nắm kỹ những thay đổi để tránh ảnh hưởng đến kỳ thi cũng như việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH. Cụ thể, thời gian thi diễn ra vào khoảng giữa tháng 6, sớm hơn năm 2016, và thi trong 2 ngày. Riêng đề thi, thi theo bài chứ không thi theo môn. Có tất cả 5 bài thi bao gồm 9 môn (năm trước 8 môn), mỗi học sinh thi tối thiểu 6 môn (những năm trước 4 môn). Đặc biệt chỉ cần 1 môn bị điểm liệt thì toàn bài bị điểm liệt. Về phương thức xét tuyển, thí sinh có thể đăng ký trước khi thi với nhiều nguyện vọng, sau khi có kết quả, thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng. Tuy nhiên, không giống năm trước, thí sinh đăng ký 2 nguyện vọng có thể trúng tuyển cả 2, năm nay, thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất. |
Theo ThS. Nguyễn Anh Vũ, không thể phủ nhận Steve Jobs, Mark Zuckerberg, Bill Gates… chưa hoàn thành chương trình ĐH nhưng rất tài giỏi, nổi tiếng. Trên thực tế họ là những thiên tài. Thành công đến với họ bằng cả một quá trình tự học, tự rèn luyện, phấn đấu và số này rất ít. Còn đối với học sinh hiện nay, trình độ đứng ở bình diện chung, đòi hỏi cần tham gia học tập, rèn luyện tại các trường một cách bài bản để có một lượng kiến thức nhất định, đáp ứng yêu cầu công việc.
Hiện tại, chương trình đào tạo ĐH cung cấp kiến thức nền tảng về một ngành nghề nhất định và cũng là cơ sở để công nhận ngành nghề cho người học. Quá trình đào tạo gắn liền giữa việc cung cấp kiến thức, thực hành, trang bị các kỹ năng thao tác nghề nghiệp. ThS. Nguyễn Anh Vũ cho rằng, chúng ta không nên lấy sự nổi tiếng của thiên tài để so sánh với bản thân. Quan trọng mỗi học sinh phải hiểu năng lực của mình đang ở đâu để lựa chọn một ngành nghề phù hợp. Mặt khác, sau khi tốt nghiệp ĐH, sự nghiệp có thành công hay không còn phụ thuộc rất lớn vào chính bản thân, khi mà quá trình học có thực sự chuyên tâm rèn các kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tác phong nghề nghiệp, kỹ năng sử dụng ngoại ngữ… hay không.
Bài, ảnh: Trinh Ngọc
Bình luận (0)