Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Biết nhiều thông tin, dễ tìm việc

Tạp Chí Giáo Dục

Chủ động tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp, ứng viên có thêm cơ hội được tuyển dụng

Cách đây chưa lâu, tại ngày hội việc làm và hướng nghiệp do Khu Công nghệ cao TPHCM tổ chức, ứng viên Hồ Văn Khoa, quận Thủ Đức – TPHCM đã rảo bước vòng quanh gian hàng của các doanh nghiệp (DN). Tại mỗi gian hàng, Khoa cẩn thận ghi lại nhu cầu cũng như điều kiện tuyển dụng. Không những thế, Khoa còn chủ động trao đổi với các nhà tuyển dụng về chế độ đãi ngộ cũng như cơ hội thăng tiến trong tương lai. 

Sinh viên tìm hiểu thông tin việc làm tại Hội chợ Việc  làm Khu Công nghệ cao

Bài học  nhớ đời
Lý do khiến Khoa tìm hiểu kỹ yêu cầu tuyển dụng của DN trước khi nộp hồ sơ vì Khoa không muốn rơi vào tình trạng thiếu thông tin khi đầu quân vào DN. Khoa cho biết cách đây hơn 3 tháng, Khoa ứng tuyển vào vị trí nhân viên kinh doanh ở Công ty Thực phẩm K.D tại TPHCM. Khi ấy, qua lời bạn bè, Khoa nộp hồ sơ mà không biết thế mạnh của công ty ra sao, đối thủ cạnh tranh thế nào… Vì vậy, khi vào vòng phỏng vấn, Khoa không thể trả lời được câu hỏi của giám đốc kinh doanh đặt ra: Bạn hãy thử kể tên vài sản phẩm mà công ty có được. “Tôi không thể nêu được tên sản phẩm thì làm sao tôi có thể đưa ra chiến lược cạnh tranh, trong khi vị trí tôi đầu quân lại là nhân viên kinh doanh. Đó là bài học mà tôi không thể nào quên khi đi dự phỏng vấn”- Khoa tâm sự.

Tôi không thể nào chấp nhận tuyển chọn một người mà người ấy không biết bất cứ điều gì về công ty của tôi. Tôi cũng đánh giá thấp những người chỉ sau khi dự tuyển mới đặt ra cho chúng tôi những câu hỏi mà lẽ ra chúng tôi phải hỏi họ như ngành nghề, sản phẩm, đối tượng phục vụ… của công ty. Các bạn trẻ và những người muốn tìm việc nên luôn nhớ rằng biết càng nhiều thông tin về DN mình ứng tuyển càng có nhiều thuận lợi.

Ông Phùng Quốc Thanh, Giám đốc Công ty

Thực phẩm Minh Phát (quận Bình Tân- TPHCM)

Sau lần đó, Khoa đã rút được kinh nghiệm: Trước khi đầu quân vào DN nào, phải tìm hiểu kỹ toàn bộ thông tin về DN đó. Khi có nhiều thông tin về DN như doanh số bán hàng, sản phẩm, đối thủ cạnh tranh… nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao và ứng viên dễ dàng tìm được cơ hội việc làm hơn. Hiện nay, thông tin về các DN có rất nhiều trên mạng. Nếu chịu khó tìm hiểu, sẽ biết được rất nhiều.

Biết rõ để lựa chọn

Mới đây, tại chương trình “Hội tụ tài năng Việt” do Công ty Nhân Việt tổ chức, Trần Trung Bảo, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM, đã thẳng thắn trao đổi với Ban Giám đốc Công ty Masan Food – một đơn vị tuyển dụng quản trị viên tập sự tại chương trình: “Để trở thành quản trị viên của công ty, chúng tôi phải hội đủ điều kiện gì? Trong thời gian làm quản trị viên tập sự, chúng tôi được đào tạo ra sao và sau 2 năm làm việc, cơ hội thăng tiến thế nào?”.
Trung Bảo cho biết thêm: “Với những thông tin có được, tôi mới biết mình đã có gì, thiếu gì để từ đó bổ sung những kiến thức, kỹ năng cần thiết. Đó cũng là cách đầu tư cho nghề nghiệp trong tương lai”.  Còn sinh viên Lê Minh Thuận đến từ Khoa Kinh tế – ĐH Quốc gia TPHCM lại cho rằng: “Việc biết được chính sách tuyển dụng cũng như cơ hội thăng tiến sẽ giúp tôi loại được những DN không phù hợp với trình độ, sở thích của mình. Như thế, tôi sẽ tránh được tình trạng nhảy việc thường xuyên khi đầu quân không đúng chỗ”.

Bài và ảnh: Huỳnh Nga (nld)

Bình luận (0)