Đọc bài viết Học sinh học thêm… ngoài trường (ngày 3-10), tôi mạn phép chia sẻ thêm về chuyện học thêm – dạy thêm ở địa phương tôi.
Mấy năm gần đây, cứ nghe đi nghe lại cụm từ “dạy thêm – học thêm”, nó thành chuyện dài nhiều tập mà thời gian này, vấn đề lại trở nên “sốt” bởi có nhiều ý kiến, nhiều quy định… mới. Với tư cách một giáo viên, có đôi lần dạy thêm; với tư cách phụ huynh, có đi năn nỉ giáo viên dạy thêm cho con mình, tôi muốn được chia sẻ tâm tư…
1. Xưa giờ tôi không quan tâm tới chuyện quy định thế nào về học thêm – dạy thêm, vì với những giáo viên miền núi như chúng tôi thì chuyện dạy thêm là “ngoài phận sự”. Nghĩa là thu nhập của giáo viên vùng cao chúng tôi chủ yếu là lương – lương của giáo viên một huyện miền núi với mức phụ cấp của xã đồng bằng. Nghe bạn bè dưới xuôi nói với nhau thu nhập dạy thêm hơn thu nhập lương tháng, giáo viên trường chúng tôi cũng “thèm” lắm chứ. Bao nhiêu thứ cũng chỉ trông chờ vào đồng lương thì ai mà chẳng muốn có một khoản thu nhập khác để cuộc sống bớt căng thẳng chuyện cơm áo.
Muốn có thu nhập ngoài lương thì phải nghĩ cách làm kinh tế nhỏ, nếu là người bản địa, có chút đất chút rẫy thì trồng mì trồng mía. Một số giáo viên khác thì mở tiệm tạp hóa, bán sách vở, đồng phục, in ấn…, còn như tôi thì chỉ chờ lương. Có những lúc túng bấn, chạy về mượn tiền mẹ, bị la: “Học hành làm gì mà lương không đủ sống, người ta đi bán vé số, làm thợ hồ mà ngày 350 ngàn đồng, mày đi dạy trên núi một tháng 5 triệu đồng…”.
Tôi cũng thèm dạy thêm để có thu nhập cho đỡ cực nhưng không có học trò. À, cũng có đôi lần được dạy thêm, thường là vài ba em học sinh đầu cấp hoặc ôn thi ĐH. Lớp không được 10 em, thu nhập dạy thêm tháng không được 1 triệu đồng, đó là chưa nói, nhiều em học xong thì im lặng đi luôn. Dạy thêm như vậy thì thà chịu kẹt, ngồi không cho sướng thân. Nhưng phải dạy, vì phụ huynh tới nhà nói khó: “Em giúp giùm, con anh (chị) học yếu quá, em ráng kèm cặp, cũng con em trong làng trong xã cả mà…”. Tôi cực chẳng đã mới nhận chứ thực tình không muốn.
Dạy thêm văn cực lắm, chẳng thể dạy theo “công thức” được. Xong một buổi lý thuyết và bài tập, các em về, tôi giữ vở lại, sửa từng lỗi chính tả, dấu câu, lỗi dùng từ, đặt câu, dựng đoạn… bằng cách cũng nội dung ý nhưng tôi diễn đạt lại cho sạch sẽ, gọn gàng, mạch lạc rồi bắt các em đọc lại bài mình viết, đọc lại cái cô sửa để đối chiếu, rút kinh nghiệm. Chưa hết, ngày hôm sau sẽ sửa riêng về nội dung bài làm với từng em và yêu cầu em phải viết lại. Bằng hình thức “thủ công” như thế, các em rõ ràng tiến bộ hẳn. Nói thiệt, số tiền các em đóng hằng tháng không phù hợp với công sức và thời gian tôi bỏ ra. Bạn sẽ hỏi, sao trên lớp cô không làm vậy, xin thưa, 45 phút tôi chẳng thể làm nổi công việc như thế.
2. Tôi cũng là phụ huynh. Tôi cũng đi xin cho con mình học kèm, tiếng Anh. Vì bạn biết đấy, tôi không thể dạy con mình môn ấy, còn ở nông thôn, miền núi thì làm sao đem con đến các trung tâm dạy ngoại ngữ để học để rèn, mà ai chẳng biết, học trò ngày nay buộc phải giỏi ngoại ngữ. Mẹ dốt, con dở thì phải đi năn nỉ thầy kèm giùm, tôi phải đăng kí từ năm trước, hè năm sau thầy mới kèm giùm 2 buổi, mỗi buổi 1 giờ. Và kết quả là con tôi tiến bộ rõ rệt.
Tóm lại, tôi chỉ muốn nói một điều, nếu chỉ trông chờ vào lương, đời sống của chúng tôi rất khó khăn. Còn chuyện học thêm – dạy thêm, hãy nhìn nhận vấn đề một cách cởi mở, đừng kết tội, đừng phủ nhận sạch trơn nhu cầu và hiệu quả của học và dạy thêm.
Nguyễn Thị Bích Nhàn
(Trường THCS và THPT
Võ Văn Kiệt, Sông Hinh, Phú Yên)
Bình luận (0)