Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Biết sai mà vẫn… kiện!?

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 8-8-2008, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ khởi kiện “Quyết định hành chính buộc thôi việc của Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM”. Nguyên đơn là bà Đỗ Thị Thu Hòa, nguyên giáo viên Trường THPT Lê Quí Đôn…
Kiện Sở GD-ĐT vi phạm Nghị định 35
Trước đó, ngày 24-9-2007, bà Hòa đã làm đơn khởi kiện gửi TAND TP.HCM yêu cầu hủy Quyết định 841 của Sở GD-ĐT TP.HCM. Quyết định này được Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM ban hành ngày 1-8-2007 để xử lý kỷ luật bà Hòa bằng hình thức buộc thôi việc. Do trong quá trình công tác tại Trường THPT Lê Quí Đôn, bà Hòa có hành vi sai phạm và hành vi này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự và uy tín của trường nói riêng, của ngành giáo dục và đào tạo thành phố nói chung.
Theo bà Hòa, khi ra Quyết định 841, Sở GD-ĐT TP.HCM đã vi phạm khoản 2 điều 11 Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17-3-2005 do Hội đồng kỷ luật (HĐKL) không đảm bảo đúng thành phần như điều luật quy định. Trong số 5 thành viên của HĐKL có 2 thành viên không đúng thành phần quy định, đó là Đỗ Thị Bích Duyên (Hiệu phó phụ trách hành chính tổ chức và quản lý cơ sở vật chất) được chỉ định với tư cách là người quản lý và thành viên Nguyễn Thị Mai Lan (thư ký Hội đồng nhà trường, không phụ trách hành chính tổ chức) được chỉ định với tư cách phụ trách tổ chức cán bộ.
Ngoài ra, theo bà Hòa thì Sở GD-ĐT còn vi phạm về thủ tục do bà không được gửi thư mời họp trước 7 ngày theo quy định tại khoản 4 điều 5 của Nghị định 35. Vi phạm về thời hiệu do đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức. Bởi theo quy định tại khoản 3 điều 9 Nghị định 35 thì thời hiệu “xử lý kỷ luật trong trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp cần phải có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hiệu xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 6 tháng. Quá thời hiệu xử lý kỷ luật thì chấm dứt việc xem xét kỷ luật”. Nếu tính từ ngày bà bị tạm đình chỉ công tác đến ngày HĐKL tổ chức họp (ngày 13-4-2007) thì đã quá thời hiệu xử lý kỷ luật.
Cũng theo bà Hòa, Sở GD-ĐT còn vi phạm thời gian ban hành quyết định xử lý kỷ luật. Theo Nghị định 35 thì thời hạn ban hành quyết định kỷ luật tối đa là 35 ngày nhưng trên thực tế Quyết định 841 đã ban hành đến 74 ngày (từ 23-4-2007 đến 1-8-2007).
Tại phiên tòa sơ thẩm, bà Hòa đã xác định không khiếu kiện về nội dung của hình thức kỷ luật, cụ thể là không khiếu kiện yêu cầu xem xét mức kỷ luật buộc thôi việc đối với bà là đúng hay sai.
Tòa sơ thẩm bác đơn của bà Hòa
Sau khi nghe các bên liên quan phát biểu ý kiến tranh luận và ý kiến của Viện Kiểm sát, Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận thấy, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM ban hành Quyết định 841 là đúng thẩm quyền.
Việc bà Hòa cho rằng khi họp HĐKL, Trường Lê Quí Đôn đã cử thành phần không đúng quy định của Nghị định 35, xét thấy vào thời điểm xảy ra việc vi phạm của bà Hòa, tình hình nhân sự của trường có sự biến động lớn. Vì vậy việc chỉ định thành phần HĐKL với thành viên Đỗ Thị Bích Duyên, Nguyễn Thị Mai Lan là không trái với nghị định.
Khiếu nại về việc không được gửi giấy mời họp trước 7 ngày, tòa xét thấy việc gửi thư mời không đủ thời gian 7 ngày là có thực. Tuy nhiên, qua giải trình của Trường Lê Quí Đôn về những khó khăn trong việc liên hệ với bà Hòa do bà thay đổi chỗ ở. Đồng thời xét thấy nếu không đồng ý về thời gian được mời, bà Hòa có quyền từ chối tham gia cuộc họp nhưng bà đã đến theo thư mời. Do đó tuy thời gian mời đối với bà Hòa là có vi phạm nhưng vi phạm này không được xem xét là căn cứ để hủy Quyết định 841.
Về thời hiệu xử lý kỷ luật, tại phiên tòa đại diện Sở GD-ĐT xác định thời điểm bắt đầu thời hiệu xử lý kỷ luật đối với bà Hòa là ngày 11-9-2006 (ngày Thanh tra Sở GD-ĐT có kết luận về hành vi sai trái của bà Hòa). Đồng thời theo đại diện Sở GD-ĐT, với tính chất sai phạm của bà Hòa là vụ việc có tính chất phức tạp nên thời hiệu xử lý kỷ luật được tính là 6 tháng. Theo đó việc HĐKL Trường Lê Quí Đôn tiến hành họp vào ngày 9-2-2007 để xem xét kỷ luật đối với bà Hòa là còn trong thời hiệu. Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, thời hiệu xử lý kỷ luật đối với bà Hòa được tính từ 11-9-2006 đến 9-2-2007, qua phân tích HĐXX chấp nhận ý kiến này.
Về thời hạn ban hành Quyết định 841, xét biên bản họp HĐKL Trường Lê Quí Đôn gửi lên Sở GD-ĐT ngày 17-4-2007 nhưng đến ngày 1-8-2007 Giám đốc Sở mới ban hành quyết định. Do đó hành vi chậm ban hành quyết định của Sở GD-ĐT tại khoản 3 điều 17 Nghị định 35 là có thực. Tuy nhiên, qua ý kiến của Viện Kiểm sát, việc chậm ban hành quyết định của Sở GD-ĐT không làm ảnh hưởng đến tính chất sai phạm của bà Hòa. Đồng thời tại điều 17 Nghị định 35 cũng không quy định trong trường hợp quá thời hạn thì không được ban hành quyết định.
Từ những nhận xét trên, TAND TP.HCM bác đơn khởi kiện của bà Hòa.
Sở GD-ĐT vẫn giữ nguyên quan điểm
Không chấp nhận phán quyết của TAND TP.HCM, ngay sau đó bà Đỗ Thị Thu Hòa đã khiếu nại lên TAND tối cao tại TP.HCM. Ngày 26-12-2008, TAND tối cao tại TP.HCM đã mở phiên tòa phúc thẩm…
Ông Văn Công Sang, Trưởng phòng Tổ chức – Cán bộ Sở GD-ĐT cho biết, tòa phúc thẩm đã đề nghị Sở GD-ĐT xem xét việc kỷ luật buộc thôi việc đối với bà Hòa, nên chăng để bà làm đơn xin thôi việc. Bởi dù sao bà Hòa cũng là giáo viên đã công tác trong ngành giáo dục 30 năm và đây là sai phạm lần đầu. Tuy nhiên, quan điểm của Sở vẫn là không thay đổi quyết định số 841 đối với bà Hòa…
Theo phân tích của ông Sang thì: “Bà Hòa không chỉ “ăn tiền” của phụ huynh học sinh mà còn đổ thừa cho bà Trần Thanh Vân (nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quí Đôn). Hành vi của bà Hòa là vi phạm tư cách đạo đức nhà giáo nên cần phải xử lý nghiêm khắc. Vì vậy Sở GD-ĐT đã ra quyết định buộc thôi việc đối với bà Hòa…”.
Mặt khác, do bà Hòa “ăn tiền” của phụ huynh học sinh nên Ban giám hiệu Trường Lê Quí Đôn là bà Trần Thanh Vân (Hiệu trưởng) và bà Nguyễn Thị Quế Hương (Hiệu phó) cũng bị liên đới trách nhiệm. Sở GD-ĐT cũng đã có hình thức kỷ luật đối với bà Vân – cách chức, bà Hương thì bị cảnh cáo.
Trước những ý kiến phát biểu của đại diện người bị kiện, HĐXX phúc thẩm đã tạm hoãn phiên tòa.
Hòa Triều

Bình luận (0)