Đọc tin “Hát Quốc ca để hiểu hồn dân tộc” trên Giáo dục TP.HCM (ngày 25-8) làm tôi nhớ đến giải bóng đá thế giới cách đây 3 năm. Sáng 13-6-2014, trên sân Sao Paolo diễn ra trận khai mạc giữa Brazil với Croatia, trước giờ bóng lăn hàng trăm triệu người trên thế giới chứng kiến các cầu thủ Brazil hát quốc ca một cách hùng hồn, hát bằng cả trái tim. Nhìn hình ảnh ấy chắc hẵn nhiều người xúc động vì lần đầu mới chứng kiến có đội bóng hát kiểu như vậy, điều đó nói lên tinh thần các cầu thủ Brazil thật sự khao khát muốn có trận thắng mở màng để làm hành trang trên con đường chinh phục cúp vàng thế giới. Qua chuyện đó, tôi muốn đề cập đến chuyện: chào cờ và hát Quốc ca bây giờ đã trở thành thói quen, được duy trì thường xuyên ở các công sở, trường học, và mọi người đã có ý thức đứng nghiêm trang khi chào cờ hay nghe hát Quốc ca.
Xa hơn nữa, tôi xin có vài ý kiến sau: Tại các trường tiểu học, khi học sinh vào học thì thầy cô giáo phải đặc biệt chú ý và thường xuyên giáo dục đạo đức cho các em. Bài học đầu tiên là học lễ phép, sau đó đến giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta qua các bài học tiếng Việt, lịch sử, và cuối cùng điều không thể thiếu là giáo dục học sinh phải biết tự hào khi chào cờ và hát Quốc ca. Thầy cô giáo phải thường xuyên nhắc nhở học sinh biết tôn trọng Quốc kỳ và Quốc ca, vì Quốc kỳ là lá cờ riêng của một nước, khi nhìn lá Quốc kỳ tung bay trong gió chúng ta phải biết nhớ các chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ đất nước; còn khi hát Quốc ca, chúng ta tự hào là công dân của nước Việt Nam. Minh chứng là hình ảnh hết sức xúc động của học sinh khuyết tật bị câm điếc vẫn hát được Quốc ca bằng cánh tay, ngôn ngữ riêng và trái tim của mình; hay trước giờ đội tuyển bóng đá quốc gia tranh tài bao giờ cầu thủ cũng đặt tay phải lên phía ngực trái nơi ấy có nhịp đập của con tim và cất lời ca một cách hùng dũng. Là công dân Việt Nam, chúng ta cần phải biết tự hào khi chào cờ và hát Quốc ca.
Trần Văn Tám
Bình luận (0)