Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Biết xây dựng hành trang sống trong mọi hoàn cảnh

Tạp Chí Giáo Dục

Khi lựa chọn bất cứ điều gì, chúng ta không chỉ nhìn vào ánh hào quang mà còn phải thấy được những khoảng lặng. Nhìn được cả hai mặt, chúng ta mới có tâm thế tiếp nhận, thích nghi và không hụt hẫng khi thất bại.

ThS. Chế Dạ Thảo (chuyên gia tâm lý) đang tư vấn cho các em học sinh

Đó là chia sẻ của các chuyên gia trong chương trình tư vấn “Tâm lý, sức khỏe mùa thi và chọn nguyện vọng thông minh” năm 2022 diễn ra tại Trường THCS-THPT Sương Nguyệt Anh (Q.10, TP.HCM) mới đây. Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.

Đừng để mắc bệnh “sợ”

Nói về câu chuyện của giới trẻ, ThS. Chế Dạ Thảo (chuyên gia tâm lý) cho rằng ngày nay các bạn trẻ thường mắc chứng bệnh “sợ”: Sợ cha mẹ không hài lòng, sợ bạn bè chê bai, sợ hàng xóm nói không giỏi… Chính vì vậy, khi lựa chọn ngành nghề, trường học, các bạn thường có suy nghĩ chọn đại ngành nghề nào đó để được đậu vào ngôi trường danh tiếng. Như vậy, mọi người mới ngưỡng mộ, không cần biết bản thân có thể theo đuổi đến cuối con đường hay không. Các bạn nên nhớ rằng, người khác có quyền nói bất cứ điều gì, thậm chí làm tổn thương mình nhưng chỉ xảy ra trong một thời điểm nhất định. Thời gian sẽ làm phai nhạt những điều không tốt đẹp đó, chỉ có công việc mới theo chúng ta và làm bản thân cảm thấy hạnh phúc. “Tương lai là của chúng ta, đừng vì những lời nói không đáng làm tổn hại chính mình, khiến con đường thành công bị giới hạn. Chúng ta phải kiên định với sự lựa chọn của mình. Dù lựa chọn đó không được ủng hộ nhưng nếu bản thân thấy phù hợp và có thể giúp mình thành công thì hãy mạnh dạn quyết định”, ThS. Chế Dạ Thảo khuyên.


Một học sinh nữ nhờ các chuyên gia tư vấn giải đáp thắc mắc

Theo ThS. Phạm Doãn Nguyên (Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM), cánh cửa ĐH luôn rộng mở chào đón các bạn trẻ. Tuy nhiên, nhiều bạn lại ngộ nhận trong việc lựa chọn phương thức xét tuyển. Thay vì tận dụng tối đa các phương thức để tăng cơ hội trúng tuyển thì các bạn lại chọn một phương thức vì nghĩ chắc chắn đậu, nhưng thực chất đã có nhiều học sinh rớt ĐH dù đạt điểm cao. Một điều nữa là các bạn trẻ thường có tâm lý ỷ lại. Theo đó, nhiều bạn nghĩ có người thân nâng đỡ, tìm việc cho mình khi ra trường nên không cần cố gắng quá nhiều. Tuy nhiên, họ chỉ có thể cho chúng ta công việc, còn việc làm được gì với công việc đó là do năng lực của bản thân. Dù có người thân nâng đỡ hay không thì chúng ta cũng phải luôn tự mình nỗ lực, phấn đấu. Chỉ có năng lực mới giúp chúng ta có chỗ đứng lâu dài, tồn tại trong thị trường lao động đầy cạnh tranh, thử thách. “Việc tạo cho mình giá trị là điều luôn cần thiết vì là hành trang để chúng ta có thể sống trong mọi hoàn cảnh, môi trường khác nhau mà không bị lãng quên”, ThS. Phạm Doãn Nguyên khẳng định.

Đằng sau hào quang là khoảng lặng

Để học sinh trong trường hiểu rõ hơn về việc lựa chọn con đường tương lai, ThS. Phạm Doãn Nguyên đã nêu ra một số sai lầm mà các bạn trẻ thường gặp. Thứ nhất, đó là sống thay ước mơ người khác. Điều này thường xảy ra sau khi các bạn thi tốt nghiệp THPT và bước vào ngưỡng cửa ĐH. Thay vì lựa chọn ngôi trường phù hợp với đam mê, sở thích và năng lực, một số học sinh muốn được học chung với bạn bè nên quyết định chọn trường theo bạn để… tình bạn được lâu dài. Khi học, các bạn mới nhận ra ngôi trường đó không phù hợp với mình, dẫn đến nhiều khó khăn trong việc học, thậm chí phải nghỉ học giữa chừng, trong khi bạn mình lại rất thuận lợi trong con đường học tập. Thứ hai là lựa chọn theo ánh hào quang. Ngành nghề nào cũng có hào quang và khoảng lặng. Hào quang là những điều mà mình thấy trước mắt. Những thứ đó đa phần là tốt đẹp như một sân khấu lung linh mà ai cũng mơ ước được đứng trên đó để được chú ý, nhưng đằng sau lại là những khó khăn, mặt trái của nghề. Nếu không biết được những khoảng lặng đó sẽ khó thành công. Ví dụ, khi lựa chọn ngành bác sĩ, chúng ta sẽ được chữa bệnh cứu người, được làm việc trong bệnh viện, nhưng đằng sau đó là những áp lực với nghề, phải thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân. Vì vậy buộc chúng ta phải có tố chất yêu nghề, kiên trì, nhẫn nại, chịu được áp lực cao. Nếu chúng ta nhận ra được khoảng lặng này từ đầu mà vẫn lựa chọn thì sẽ dễ dàng vượt qua khi gặp khó khăn, thử thách. Thứ ba là chọn vì tiền. Để có được thành công, kiếm được nhiều tiền người ta phải bỏ ra rất nhiều công sức và cả tuổi trẻ mới có được thành quả. Và tất nhiên, họ cũng phải thật sự có tài năng, giỏi giang trong công việc mới có được nguồn thu nhập mơ ước. Chúng ta muốn lựa chọn công việc làm nhiều tiền không đơn giản, phải có năng lực, tư duy. Nếu không có điều này thì dù chọn công việc làm nhiều tiền cũng khó thành công vì không theo đuổi được lâu dài. “Muốn có thu nhập tốt, vị trí tốt trong công việc, chúng ta phải khẳng định được năng lực, bản lĩnh và giá trị hành nghề. Việc chọn ngành nghề “hot”, trường “hot” không quan trọng, mà quan trọng là bản thân tạo ra giá trị gì cho xã hội”, ThS. Phạm Doãn Nguyên khẳng định.

Trước nhiều thông tin bổ ích, một học sinh lo lắng: “Gần đây em cảm thấy việc học rất mệt mỏi trong khi chơi game lại rất thích. Vậy em phải làm sao để thoát khỏi tình trạng này?”. ThS. Chế Dạ Thảo cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ tâm thế của học sinh. Bởi các bạn suy nghĩ học là một việc bắt buộc, mà thứ bị bắt buộc thường sẽ không thích thú, khiến bản thân không vui dẫn đến chán nản, nhức đầu, buồn ngủ… Để thoát khỏi tình trạng này, học sinh nên phân bổ thời gian hợp lý giữa việc học và chơi. Khi thời gian biểu hợp lý, học và chơi được phân định rạch ròi sẽ khiến cho việc học trở nên nhẹ nhàng. Khi học quá mệt, chúng ta có thể chơi game một ít, sau đó tìm những thú vui khác giúp cơ thể có thể lấy lại năng lượng để học tập. Ngoài chơi game, các bạn có thể tập thể dục, ăn uống hợp lý để có chế độ dinh dưỡng tốt.

Bài, ảnh: Hồ Trinh

 

Bình luận (0)