Rối loạn tiêu hóa ở trẻ
RLTH thường khiến trẻ mệt mỏi, biếng ăn. Ảnh: T.L |
Đau bụng, nôn, tiêu chảy, táo bón, đầy hơi… là biểu hiện của rối loạn tiêu hóa (RLTH). Nó khiến trẻ mệt mỏi, biếng ăn. Nếu ảnh hưởng lâu, cơ thể trẻ dễ thiếu chất dẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu máu, thiếu canxi…
Mới ngày đầu cho con đến trường, chị X. phụ huynh bé A. Trường Mầm non Họa Mi 1, (P.Thới An, Q.12) đã vội vàng đưa con đến bệnh viện khám, điều trị bệnh. Chị cho biết: “Sau khi từ trường về nhà, cháu có biểu hiện mệt mỏi, đau bụng, nôn thốc kèm theo tiêu chảy. Đi khám BS cho hay cháu bị RLTH. Nguyên nhân có thể do thay đổi thức ăn, môi trường ăn uống một cách đột ngột hoặc cũng có thể do thức ăn không đảm bảo vệ sinh. May mắn là gia đình đưa cháu đi khám kịp thời nên bệnh đã khỏi và không kéo dài”. Trong khi đó, bé T., 4 tuổi, con chị H. (Q.Bình Thạnh) cũng bị RLTH thường xuyên. Tuy nhiên, T. không có triệu chứng tiêu chảy mà bị táo bón. Chị H. chia sẻ: “Cháu rất kén ăn. Đã thế lại không thích ăn những món có rau, củ. Mỗi bữa ăn, cố gắng lắm tôi mới ép cháu ăn được ít trái cây, rau, thành ra người gầy, xanh xao như vậy”.
Theo BS. Lê Kim Huệ (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) thì có nhiều nguyên nhân gây ra RLTH như thay đổi đột ngột môi trường ăn uống; cách chế biến bữa ăn cho trẻ chưa hợp lý như bổ sung quá nhiều chất béo, cho trẻ uống quá nhiều sữa khi trẻ chưa có thói quen uống sữa hàng ngày; thức ăn không đảm bảo vệ sinh, nhiễm ký sinh trùng, nấm, hóa chất; ăn uống không hợp lý: Giàu đạm, đường, chất béo, ít chất xơ, vitamin; hoặc RLTH có thể xảy ra do trẻ dùng nhiều thuốc kháng sinh, bởi kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi khuẩn có hại mà còn tiêu diệt vi khuẩn có lợi. Điều kiện này là môi trường để những vi khuẩn có hại phát triển mạnh hơn, gây mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột…
Nên có chế độ ăn uống hợp lý
Đối với trường hợp RLTH tiêu chảy, nguyên nhân có thể do vi khuẩn gây nên khiến trẻ sẽ mất chất dinh dưỡng qua đường tiêu hóa. Theo đó, cơ thể mệt mỏi, thiếu chất, kéo theo sức đề kháng yếu và đường ruột tiếp tục dễ nhiễm trùng. Cứ như vậy, RLTH lâu chấm dứt, ảnh hưởng đến sức khỏe dễ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng. Ngược lại, RLTH khiến trẻ táo bón có thể do ăn quá ít chất xơ, ăn ít rau củ quả.
Để tránh RLTH, biện pháp hữu hiệu nhất là chế biến thức ăn hợp vệ sinh, ăn đúng, đủ khẩu phần. BS. Lê Kim Huệ cho biết: “Thực phẩm chế biến thức ăn phải tươi sống, bảo đảm vệ sinh, không nhiễm độc. Chế biến xong nên cho trẻ ăn ngay, không cho trẻ dùng thức ăn để qua đêm, thức ăn bảo quản không đúng cách. Ngày nay thực đơn của trẻ còn ít rau củ quả, trái cây, đổi lại là nhiều thức ăn nhanh, nhiều chất béo, nhiều đường vì thế trong bữa ăn cần cho trẻ ăn thêm trái cây, rau củ, hạn chế ăn sau 20 giờ. Khi trẻ có những biểu hiện bất thường về sức khỏe, phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp BS chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời. Không nên quá lo lắng, cũng không nên tự ý mua thuốc điều trị, đặc biệt là không nên sử dụng thuốc cầm ói, cầm tiêu chảy bởi chất độc sẽ tồn đọng trong cơ thể trẻ gây nguy hiểm cho sức khỏe. Nếu RLTH khiến trẻ tiêu chảy thì nên cho trẻ ăn những thức ăn nhiều tinh bột, đạm, trái cây, thịt, khoai tây, sữa đậu nành, sữa chua. Tránh dùng các thực phẩm có ga, nhiều đường, thực phẩm nhiều chất xơ, thức ăn chế biến sẵn. Khi chế biến cần nấu kỹ, mềm, loãng hơn bình thường. Sau khi trẻ khỏi tiêu chảy, cần cho trẻ ăn thêm mỗi ngày 1 bữa trong 2 tuần liền. Ngược lại, khi trẻ bị táo bón thì ngoài việc bổ sung rau củ quả vào thực đơn, cần nhắc trẻ thường xuyên uống nước, xoa bụng để kích thích nhu động ruột nhằm giảm và tránh táo bón hiệu quả hơn.
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)