Mọi biểu tượng văn hóa đều có nguồn gốc từ các nguyên mẫu của chúng trong cuộc đời. Trong cuộc đời, mèo là một con vật có bản tính nước đôi. Một mặt, nó là con vật nhỏ nhắn dễ thương, thích được cưng chiều, hay dụi đầu vào chân chủ một cách nũng nịu; nằm cuộn tròn sưởi nắng hoặc chơi đùa với quả bóng, cuộn len. Với bản tính này, con mèo thường đóng vai trò hiện thân của nữ tính, là hình ảnh của sức sống phi thường, một số dân tộc cho rằng con mèo có 9 cuộc đời (9 là ẩn dụ cho số nhiều), do vậy mèo cũng là thần linh.
Mèo Koyuki – trụ trì đời thứ ba ở Meo Meo Tự (Nyan Nyan Ji, Tokyo)
Mèo ở Nhật Bản và Đông Bắc Á
Ở Nhật Bản, tính nước đôi của mèo cũng khiến cho biểu tượng này có vai trò rất đặc biệt. Mèo trong văn hóa Nhật Bản vừa là sinh vật dễ thương, là thần linh mang lại sự may mắn cho con người, cũng vừa là ma quỷ ăn thịt người. Danh họa Nhật Bản Foujita khi được hỏi tại sao chỉ vẽ phụ nữ và mèo, ông đã trả lời: “Họ chẳng phải là một hay sao? Có khác chăng chỉ là ở cái đuôi và bộ ria”. Các vũ nữ dịu dàng ở Nhật Bản đều được gọi bằng một tên rất dễ thương là “Necho” có nghĩa là “mèo”. Phụ nữ và mèo đều rất dễ thương, rất đáng yêu, nhưng cũng rất đáng sợ vì đều có móng vuốt nhọn.
Bên cạnh đền Gotokuji ở Tokyo thờ mèo may mắn, Nhật Bản còn có Meo Meo Tự là đền của những chú mèo. Meo Meo Tự ở Kyoto có tên tiếng Nhật là “Nyan Nyan Ji”, được sáng lập bởi một họa sĩ đặc biệt yêu thích mèo tên là Toru Kaya, người đã dành tài sản tích cóp cả đời của mình để lập nên ngôi đền này. Trong đền hiện có 7 con mèo đang sống và làm việc, cô mèo cái lông trắng Koyuki là trụ trì đời thứ ba của Meo Meo Tự. Các mèo chú tiểu đều đeo tạp dề trong vai người giúp việc, phục vụ cà phê cho du khách.
Nhật Bản ngày nay còn được thế giới biết đến với mèo ảo Hello Kitty, mèo máy Doraemon.
Hình thần mèo Bastet trong văn hóa Ai Cập
Mèo ở Ai Cập và Tây Nam Á
Người Ai Cập cổ đại đặc biệt ưa chuộng mèo. Trong khu mộ Mostegedda có hình vẽ một người đàn ông với mèo có niên đại từ 4.000 năm trước công nguyên. Nhiều người cho rằng người Ai Cập cổ đại là những cư dân đầu tiên thuần hóa mèo. Ở Ai Cập cổ đại, khi có hỏa hoạn thì mèo sẽ là thứ ưu tiên hàng đầu được cứu ra. Người Ai Cập cổ đại tin rằng các vị thần và những người cai trị phải có những phẩm chất giống như loài mèo, vừa yêu thương, nuôi dưỡng con cái và rất trung thành, nhưng khi cần thiết cũng có thể hung dữ, độc lập và quyết đoán. Việc giết mèo thời cổ Ai Cập bị kết án tử hình, ngay cả các thành viên hoàng tộc cũng sẽ không tránh khỏi bị trừng phạt. Năm 2018, Bảo tàng Nghệ thuật châu Á Smithsonian ở Washington DC (Hoa Kỳ) đã tổ chức một cuộc triển lãm giới thiệu về loài mèo trong cuộc sống thời Ai Cập cổ đại.
Nhà sử học Hy Lạp cổ đại Herodotus đã ghi chép rằng ở Ai Cập cổ đại, khi một con mèo chết, mọi thành viên trong gia đình sẽ để tang bằng cách cạo một bên lông mày của mình. Mèo chết được người Ai Cập cổ đại ướp xác và chôn cất; một số ngôi mộ cổ của mèo có niên đại từ năm 3.800 năm trước công nguyên. Người ta thậm chí còn xây dựng cả những “nghĩa trang” mèo với niên đại gần 2.000 năm. Hầu hết mèo chôn cất tại đó đều đeo vòng cổ bằng sắt và cườm. Ở gần ga tàu điện ở Alexandria của thành phố Bubastis (phía Đông vùng đồng bằng sông Nile), cách Cairo khoảng 50 dặm, người ta đã tìm thấy cả một khu nghĩa địa lớn chôn các xác ướp mèo.
Người Ai Cập cổ đại liên kết con mèo với phụ nữ, mặt trăng. Trong thần thoại Ai Cập, nữ thần Bastet rất được tôn kính, bà là con gái của thần mặt trời Ra, có hình dạng một người phụ nữ đầu mèo. Với tính hai mặt, bà từng là nữ thần chiến tranh ở Hạ Ai Cập trong thời kỳ Ai Cập bị chia rẽ, về sau đã chuyển hóa thành thần hộ mệnh cho gia đình, bảo vệ hôn nhân, bảo vệ các bà mẹ và trẻ sơ sinh; tượng trưng cho sự đầm ấm, là nữ thần của niềm vui, âm nhạc và lễ hội.
Việc sùng bái mèo quá mức đã trở thành điểm yếu chết người của Ai Cập cổ đại. Trong trận Ba Tư tấn công Ai Cập vào năm 525 trước công nguyên, vua Ba Tư Cambyses II đã sai quân lính vẽ hình nữ thần mèo Bastet lên khiên của mình và dùng mèo làm vũ khí ném thẳng vào đối phương khiến quân Ai Cập run sợ, bỏ vị trí tháo chạy, dẫn đến thua cuộc.
Tượng nữ thần mèo Bastet bằng đá được tìm thấy ở Alexadria
Mèo ở phương Tây
Ở các nền văn hóa phương Tây, mèo thường được hình dung như kẻ trưởng giả an nhàn nằm dài trên chiếc đi-văng hoặc gối nệm, hiền lành dụi thân hình mềm mại khi được chủ ve vuốt; và như một biểu tượng hai mặt, mèo là tên sát thủ đáng gờm trong góc nhà, vào thời trung cổ, mèo đen là biểu tượng của ma quỷ. Mèo xuất hiện thường xuyên trong các hình minh họa thời trung cổ châu Âu và các bức vẽ bên lề, nơi chúng thường được thể hiện tham gia vào các hoạt động của con người như đi bằng hai chân làm việc, chơi nhạc, khuấy bơ… Đức Hồng Y giáo chủ Richelieu (1585-1642) là một con người đầy quyền uy, kiêm Thủ tướng của vua Louis XIII, nổi tiếng về sự bảo trợ cho nghệ thuật, người sáng lập Viện Hàn lâm Pháp (Académie Française), cũng là người đã dành một căn phòng rộng lớn trong triều đình để nuôi mèo.
Con mèo là loài vật gần gũi và đã trở thành vật cưng của rất nhiều gia đình Việt Nam
Mèo ở Việt Nam
Ở Việt Nam, mèo cũng được xem là hiện thân của tính nữ; các cô gái ăn uống nhỏ nhẹ được ví là “ăn như mèo” bởi “Nam thực như hổ, nữ thực như miêu”. Nhưng do có tính nước đôi nên bên trong sự nhỏ nhẹ ấy thường ẩn chứa một sức mạnh phi thường, tuy khi làm việc thiếu chu toàn, thiếu nhiệt tình và trách nhiệm thì hiệu quả có thể là “làm như mèo mửa”, nhưng đừng vì thế mà coi thường, đến khi “Nam thực như hổ một rổ hãy còn, nữ thực như miêu bao nhiêu cũng hết” thì mới hay là “chưa biết mèo nào cắn mỉu nào”. Cũng giống như phụ nữ, mèo có sự kiên nhẫn và khả năng tập trung rất cao, kẻ đang tập trung cao độ theo dõi việc gì được ví là “như mèo rình chuột”.
Người mang tuổi Mão thường nhu mì, thanh lịch, kín đáo. Là họ hàng với hổ nhưng khác hổ cậy sức mạnh mà hữu dũng vô mưu, người tuổi Mão nhiều tài năng, ẩn chứa dưới vẻ ngoài nhu mì là con người nhiều tham vọng và dễ thành công nhờ có tính mềm dẻo, uyển chuyển, gây được thiện cảm với người khác, lại có lòng kiên nhẫn, có tư duy chiến lược biết cứng mềm đúng lúc, biết chờ đợi thờ cơ trước khi hành động.
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm
Bình luận (0)