Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Bình cũ rượu mới”

Tạp Chí Giáo Dục

Cảnh trong vở Ngôi nhà thiếu đàn bà. Ảnh: K.N

Hiện nay, đông đảo các sân khấu kịch lẫn cải lương đang đua nhau dựng lại nhiều vở vang bóng một thời khiến khán giả rất hào hứng. Bởi tuy “bình cũ” nhưng qua bàn tay dàn dựng của các đạo diễn có nghề làm cho “rượu mới” ngon hơn, mới lạ hơn. Trong kế hoạch đưa kịch hiện thực phê phán bằng ngôn ngữ tiếng Anh phục vụ học sinh các trường quốc tế, Sân khấu kịch Phú Nhuận quyết định dàn dựng lại các vở Số đỏ, Chí Phèo – Thị Nở, Bỉ vỏ… hứa hẹn nhiều bất ngờ. Tương tự, Sân khấu kịch 5B cũng dàn dựng lại vở Lôi vũ với một dàn diễn viên trẻ cũng tạo được một sinh khí mới cho khán giả. Với hai vở dựng lại từ kịch bản cũ, Mùa đông cuối cùng (tác giả Hoàng Thái Thanh chuyển thể từ tiểu thuyết Đèn không hắt bóng của nhà văn Nhật Dzunichi Watanabe) và Ngôi nhà thiếu đàn bà (tác giả Ngọc Linh), Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh đã tạo được hương vị vừa lạ vừa quen. Vở bi kịch gia đình Ngôi nhà thiếu đàn bà là phiên bản làm lại từ vở Ngôi nhà của những linh hồn do Ái Như dàn dựng cách nay 5 năm ở Sân khấu 5B, từng được khán giả lẫn giới chuyên môn dành nhiều lời khen ngợi. Mùa đông cuối cùng cũng là một kịch bản từng được dựng trên Sân khấu 5B cách nay 15 năm. Cả hai bản dựng lại này đều đặc sắc, thiết kế sân khấu cũng mới hơn nên được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Ở lĩnh vực cải lương, Nhà hát Trần Hữu Trang cũng vừa dàn dựng lại vở Bên cầu dệt lụa; Sân khấu Vàng với Đêm lạnh chùa hoang, Tô Ánh Nguyệt, Lan và Điệp; nhóm Thắp Sáng Niềm Tin với Hòn Vọng Phu, Bích Vân Cung kỳ án, Cô gái Đồ Long… thật sự trẻ trung, nhẹ nhàng nhưng vẫn giữ nguyên tinh thần kịch bản gốc. Phim truyện cải lương trên HTV mỗi tháng cũng giới thiệu đến khán giả một vở cải lương kinh điển được làm mới lại như Hàn Mặc Tử, Nửa đời hương phấn, Tình cô gái Huế… Theo đạo diễn Ái Như thì khi mà kịch bản hay ngày càng khan hiếm thì việc tái dựng lại những vở cũ là một giải pháp hay. “Bên cạnh đó, cũng có một số đạo diễn dựng lại vở cũ thường chỉnh sửa quá tay đôi lúc khiến tôi bất bình vì không còn nhận ra hình hài đứa con tinh thần của mình nữa…” – Tác giả Hoàng Song Việt bảo thế.
KHÔI NGUYÊN

Bình luận (0)