Năm học 2005-2006 về trước, ở Bình Đại, Bến Tre học sinh lớp 9 luôn được xét “vớt” để đạt tỉ lệ 100%. Từ năm 2006-2007 trở lại đây, tỉ lệ tốt nghiệp THCS ở huyện này giảm, nhưng tỉ lệ học sinh thi đỗ vào lớp 10 tăng từ 80 lên trên 90%. Nhiều trường THPT ở Bình Đại vào top 10 trường có tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT cao. “Hai không” với dạy thực chất, học thực chất ở huyện biển này đang tạo nên những thành tích thật.
Thực trạng học sinh ngồi nhầm lớp ở các cấp học của huyện Bình Đại, Bến Tre trước đây không phải ít. Tỉ lệ lên lớp 6, tốt nghiệp THCS từ những năm học 2005-2006 về trước luôn được xét “vớt” để đạt tỉ lệ 100%. Bệnh thành tích của ngành giáo dục huyện Bình Đại đã dẫn đến nhiều học sinh ngồi nhầm lớp. ở các trường THCS có không ít học sinh học lớp 6, đọc tiếng Việt chưa thạo. Học sinh THPT mất căn bản giải toán, học ngoại ngữ…
Nhưng bây giờ chuyện “vớt” học sinh lên lớp, đỗ tốt nghiệp ở Bình Đại đã lui vào quá khứ. ở huyện này, việc kiểm tra học sinh ngồi nhầm lớp được kiểm tra gắt gao về kiến thức học tập ngay từ trong kỳ hè. Học sinh có học bạ đủ điểm lên lớp vẫn phải qua kiểm tra kiến thức. Học sinh chưa vững kiến thức, giáo viên của lớp bàn giao phải chịu trách nhiệm phụ đạo lại. Học sinh lớp 4 lên lớp 5; lớp 5 lên lớp 6, được kiểm tra chặt chẽ về kiến thức. ở đây, vào kỳ nghỉ hè là các học sinh học yếu phải vào trường học các lớp phụ đạo kiến thức đã hụt hẫng. Giáo viên lớp trên chỉ nhận học trò mới sau khi kiểm tra học sinh thực sự đủ kiến thức lên lớp.
Vào năm học mới, các trường còn tổ chức thi khảo sát chất lượng thật của từng học sinh. Việc khảo sát này giúp nhà trường phát hiện học sinh giỏi để bồi dưỡng và học sinh yếu kém để có biện pháp phụ đạo và kèm cặp. ở Bình Đại, các học sinh yếu kém được tổ chức học phụ đạo trái buổi. Nhiều thầy cô, có 1-2 học sinh yếu, chậm hiểu, đến tận nhà của học sinh hoặc chở học sinh về nhà mình dạy phụ đạo, cho đến khi các em có được kiến thức đang học mới thôi. Nhờ làm tốt dạy phụ đạo, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS trúng tuyển vào lớp 10 luôn trên 90%. Số học sinh trúng tuyển vào trường THPT chuyên mỗi năm một tăng lên”.
ở trường THPT Lê Quí Đôn (Bình Đại)- một trường có tỉ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp hàng năm từ 95-100%; Thi đậu đại học hàng năm từ 30-40%. Để đạt được thành tích này, nhà trường không bỏ rơi học sinh yếu: khi phát hiện học sinh hụt hẫng kiến thức, nhà trường không động viên các em chuyển sang học bổ túc học nghề mà tập trung phụ đạo để các em nắm được cơ bản kiến thức đã hụt hẫng. Và việc phụ đạo bắt sau học kỳ I năm lớp 10, lớp 11. Nhà trường không để các em lên lớp 12 mới phụ đạo, vì rất vất vả và tỉ lệ học sinh thi đỗ sẽ không cao. Ngoài việc thầy cô phụ đạo, ở trường còn ứng dụng nhiều biện pháp giúp học sinh học tốt như: xếp học sinh giỏi ngồi cạnh học sinh yếu. Em giỏi có trách nhiệm hướng dẫn bạn học yếu. Thầy cô kiểm tra kết quả giúp bạn học tập. Các em ngụ cùng ấp, xã được chủ nhiệm lớp xếp học theo nhóm, từ 3-4 em để tiện trao đổi học tập với nhau. Việc học nhóm đã giúp các em theo kịp bài giảng ở trường. ở trường việc nâng kiến thức học tập cho các em được xem trọng, ngoài những buổi học theo thời biểu, học sinh còn được chia tổ học tập. Nội dung những giờ học tổ là thảo luận bài vở của giáo viên đưa ra, các em phải làm.
ở các cấp học của Bình Đại, mỗi giáo viên đều tận tâm với nghề. Giáo viên mới ra trường được giáo viên cũ, giáo viên dạy giỏi tận tình hướng dẫn kinh nghiệm, phương pháp dạy tốt nhất, nhờ vậy phương pháp giảng dạy được nâng cao.
Việc thi học kỳ ở các cấp học của huyện được tổ chức chặt chẽ. ở cấp tiểu học và THCS, Phòng giáo dục huyện ra đề thi trên cơ sở mặt bằng chung của huyện. Phòng xây dựng kế hoạch thi, thời gian thi. Kỳ thi được tổ chức chặt chẽ: Học sinh THCS trở lên, mỗi kỳ thi học kỳ, được cấp số báo danh và ngồi cách khoảng xa với nhau. Giáo viên gác thi, được đổi từ trường này sang trường khác như gác thi tốt nghiệp. Phương pháp thi này tạo cho học sinh quen với trường thi và phải cố gắng học tập kỹ lưỡng để làm được bài và giáo viên gác thi không thiên vị học trò của mình.
Sau khi trường chấm bài thi, Phòng giáo dục huyện kiểm tra chấm lại, xem trường có chấm thiên vị hay không. Qua thi học kỳ, phòng giáo dục sẽ nắm được việc dạy thực chất, học thực chất của thầy và trò. Từ đó có chỉ đạo sát sao trong giảng dạy rèn luyện học sinh và có kế hoạch phụ đạo bổ sung kiến thức học tập học sinh còn yếu.
Thầy Lê Văn Đạo – Phó trưởng phòng giáo dục huyện Bình Đại cho biết: “Nhờ làm tốt việc dạy thực chất, học thực chất tỉ lệ học sinh bỏ học do học yếu giảm nhiều và tỉ lệ học sinh thi tuyển vào lớp 10 hàng năm đều tăng lên. Nhiều trường THPT ở huyện đang đứng vào top 10 trường có tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT cao nhất”.
Cuộc vận động dạy thực chất, học thực chất đang mang lại chất lượng toàn diện cho ngành giáo dục huyện Bình Đại.
Lư Thế Nhã (GDTĐ)
Bình luận (0)