Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020, do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 31-10.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và các đại biểu hỗ trợ miền Trung vượt qua khó khăn do bão lũ (Ảnh: VGP)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, sắp tới ngành giáo dục cần kiên trì, kịch liệt đổi mới nhận thức giáo dục phổ thông phải có bình đẳng về cơ hội, không được lựa chọn đầu vào. Bởi việc tuyển sinh đầu cấp hiện nay vẫn đề cao quá mức trường chuyên, lớp chọn đi ngược với xu thế thế giới.
“Nguyên lý giáo dục là bình đẳng nhưng còn tình trạng các trường tuyển sinh đầu vào, còn tình trạng để học sinh đồng bào miền núi học riêng một mặt bằng là không đúng. Chúng ta đã nói đổi mới vấn đề này nhưng vẫn chưa tập trung thực hiện”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Nói về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trong thời điểm công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển, có nhiều cọ xát đòi hỏi đổi mới phải kiên trì, là cả quá trình từ trong ngành giáo dục đến từng giáo viên và xã hội. Đổi mới phải như lời Bác Hồ nói: “Cái gì cũ mà xấu phải bỏ; cũ không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý; cũ mà tốt thì phải phát triển; cái gì mới, hay thì phải làm”.
Đổi mới cũng phải có nhìn nhận hạn chế để điều chỉnh nhưng cũng phải ủng hộ, cổ vũ cái đúng. Như việc đổi mới sách giáo khoa phải thực hiện cuốn chiếu 5 năm nhưng vừa rồi xảy ra một số trục trặc đòi hỏi ngành giáo dục cần bình tĩnh, Bộ GD-ĐT nghiêm khắc nhìn nhận những hạn chế để chấn chỉnh, nhưng cũng phải ủng hộ chủ trương đổi mới sách lần này. Vì quan trọng nhất của đổi mới sách giáo khoa chính là “hồn cốt” chương trình. Chương trình là pháp lệnh, sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo. Đổi mới sách giáo khoa còn phá được thế độc quyền, quy tụ nhiều người giỏi làm sách để sách tốt hơn.
Theo Phó Thủ tướng, trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển hiện nay, ngành giáo dục phải cần và có điều kiện đi đầu trong chuyển đổi số. Giáo dục có phát triển thì đất nước mới có tương lai.
Thời gian tới, Phó thủ tướng yêu cầu ngành giáo dục tập trung xây dựng văn hóa trong trường học vì vấn đề này đang bị bỏ rơi. Từng trường học từ mầm non, phổ thông đến đại học phải là cơ sở biểu tượng văn hoá. Tập trung thực hiện giáo dục toàn dân trên tinh thần cầu thị, tôn trọng, tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân cho giáo dục. Đã là giáo dục thì phải đi trước một bước, phải hội nhập quốc tế, không đi ngược những vấn đề thuộc xu thế thời đại. Mặt khác, nói đến giáo dục, đã là giáo dục phổ thông thì Nhà nước phải lo trực tiếp hoặc xã hội hóa. Phải lo đủ trường, đủ lớp, đủ giáo viên để học sinh được học 2 buổi/ngày thuận lợi.
“Giáo dục là quốc sách hàng đầu, là nhiệm vụ chính trị đặc biệt không tách khỏi điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, theo đó trường lớp, biên chế, chế độ đãi ngộ giáo viên là không thể tách khỏi kinh tế, xã hội. Sắp tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền phải tập trung ưu tiên hơn nữa cho giáo dục. Biên chế giáo viên là cần thiết, là tiết kiệm nhưng không thể để trường, lớp thiếu giáo viên”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
“Cả nước đang xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ trong khi hàng chục ngàn giáo viên đang dạy hợp đồng hơn 10, 15 năm nhưng không có biên chế. Sau hội nghị, Bộ GD-ĐT phải đánh giá lại và có kiến nghị mạnh mẽ”, Phó thủ tướng nói thêm.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q. Tân Bình) quẹt thẻ đa năng VinaID để nhận suất ăn bán trú thuộc mô hình “Quản lý trường học thông minh – An toàn – Không dùng tiền mặt”
Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương lực lượng giáo viên toàn ngành đã dành hết tâm huyết, trách nhiệm cho giáo dục để ngành đạt kết quả cao. Ông đánh giá cao chặng đường hơn 6 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, đặc biệt năm học này ngành giáo dục đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, kế thừa kết quả năm học trước để đạt được nhiều kết quả rõ nét.
Trong đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2020 là năm cuối cùng của lộ trình 6 năm đổi mới kỳ thi một cách chủ động và thực hiện với kết quả tốt. Kết quả nữa là đổi mới phương thức dạy và học. Năm học này do ảnh hưởng dịch Covid-19, việc tổ chức dạy học trực tuyến là một trong những hình thức giúp ngành giáo dục không chỉ dạy học một chiều mà có thêm nhiều nghiên cứu, sự giao lưu, cách suy nghĩ độc lập.
TP.HCM thực hiện tốt việc chuyển đổi số trong ngành giáo dục Tại điểm cầu TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức và Giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Hồng Sơn đồng chủ trì hội nghị. Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức đánh giá kế hoạch dạy học năm học này thay đổi nhiều bởi dịch Covid-19 nhưng về cơ bản ngành giáo dục vẫn đảm bảo chất lượng giảng dạy. Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2020 diễn ra trong điều kiện không bình thường nhưng đạt kết quả tốt; các cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh cũng đạt kết quả tốt đẹp. Đối với TP.HCM, trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp, cứ 5 năm TP tăng cơ học 1 triệu dân, theo đó số học sinh đầu cấp mỗi năm cũng tăng nhiều. TP đang nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu 300 phòng học/vạn dân trong độ tuổi đi học (3-18 tuổi – PV) nhưng việc sắp xếp chỗ học cho học sinh vẫn không dễ dàng, tuy nhiên TP vẫn cố gắng đảm bảo đủ chỗ học cho 100% trẻ đến tuổi đến trường dù không có hộ khẩu tại TP.HCM. Bên cạnh đó, TP.HCM đã triển khai rất tốt chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt trong ngành giáo dục. Trong đó, tất cả 24 quận huyện đã triển khai chủ trương này, có những quận đã đạt được 100% thanh toán học phí, các khoản thu trong trường là không dùng tiền mặt. Trong năm 2020, sau khi Chính phủ ban hành Chương trình chuyển đổi số vào tháng 6 thì tháng 7, TP.HCM đã hoàn thành chương trình chuyển đổi số, trong đó chuyển đổi số ngành giáo dục là một trong 3 trọng tâm mà TP muốn tập trung phát triển. Cũng nhờ có sự chuẩn bị tốt về hạ tầng công nghệ thông tin và các bước chuẩn bị chuyển đổi số nên thời gian vừa qua, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tổ chức dạy học trực tuyến của TP diễn ra rất tốt với nhiều giải pháp hiệu quả, được phụ huynh và giáo viên đánh gia cao. “Năm học này, TP tập trung triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới cùng nhiều thách thức. Tuy nhiên, TP cũng như ngành giáo dục sẽ quyết tâm thực hiện tốt công việc này để đảm bảo quyền lợi cho người học”, ông Dương Anh Đức nói. |
Một trong những kết quả nổi bật của đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo vừa qua được cả thế giới và nhân dân đánh giá cao đó là giáo dục đại học. Ngành đã thực hiện tự chủ đại học với kết quả bước đầu rất tốt, chứng minh được tính đúng đắn, được luật hóa trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học sửa đổi. Trước đây, đại học từ chỗ ngoài 100 nước không được xếp hạng thì nay tiến bộ từng năm, đã xếp hạng dưới 70 nước…
“Việc tực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo là rất đúng hướng, chúng ta đã đạt được kết quả toàn diện. Sau hội nghị, Bộ GD-ĐT tiếp tục đánh giá sâu hơn quá trình thực hiện Nghị quyết để sau Đại hội đại biểu toàn Quốc sắp tới, chúng ta quyết tâm thực hiện tốt hơn nữa để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu.
Tại hội nghị, trước khi khai mạc, các đại biểu 63 điểm cầu tại 63 tỉnh/thành phố đã quyên góp hỗ trợ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề do bão lũ. Trước mắt, nguồn ủng hộ sẽ tập trung cho việc tặng sách, vở cho các em học sinh, cố gắng đảm bảo tất cả học sinh có sách, vở đến trường.
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)