- 1 Bình đẳng giới trong giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ thúc đẩy tiến bộ xã hội
Sáng 19-2 tại TP.HCM, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Viện Thông tin Khoa học Xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Bình đẳng giới trong giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ”.

Tại hội thảo, ông Phạm Quý Trọng – Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương 3, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cho biết, tại Việt Nam, bình đẳng giới theo hướng thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ luôn là một trọng tâm ưu tiên nhằm tạo điều kiện phát huy mọi tiềm năng của phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao đóng góp và vai trò của phụ nữ và thực hiện hàng loạt các chính sách cả cấp vĩ mô và vi mô nhằm tăng cường bình đẳng giới, thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ và đảm bảo phụ nữ được bảo vệ, chăm sóc và phát triển.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới tham gia Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và đã có những nỗ lực đáng kể để thực hiện cam kết của mình trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới.
Nhiều văn bản luật pháp, chính sách về bình đẳng giới đã được ban hành nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách giới và nâng vị thế của phụ nữ.
Theo ông Trọng, tiếp nối thành công trong việc thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, Việt Nam thực hiện cam kết quốc tế về phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu đạt được bình đẳng giới.
“Việc khuyến khích nữ giới tham gia nhiều hơn vào giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học không chỉ nâng cao năng lực cá nhân mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội, sáng tạo và đổi mới của quốc gia”, ông Trọng khẳng định.

PGS.TS Trần Thị Minh Thi – Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học Xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho rằng, bình đẳng giới trong giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ là lĩnh vực then chốt, đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy tiến bộ xã hội.
“Thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước mà còn là của toàn xã hội. Việc đảm bảo cơ hội công bằng cho cả nam và nữ sẽ tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng của quốc gia”, PGS.TS Thi cho biết.
Tại hội thảo, các nhà hoạch định chính sách, nhà giáo dục, nhà khoa học và các tổ chức liên quan đã cùng thảo luận về các giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu khoảng cách giới trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ. Từ đó thúc đẩy sự thay đổi trong tư duy xã hội, giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về lợi ích của bình đẳng giới đối với sự phát triển bền vững.
Hồ Trinh
Bình luận (0)