Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Bình Dương: Đi tìm nguyên nhân…tụt hạng

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 15-1, UBND tỉnh Bình Dương đã có cuộc họp với lãnh đạo các sở, ban ngành để cùng nhau “mổ xẻ”, tìm nguyên nhân dẫn đến hàng loạt chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giảm khiến Bình Dương phải nhường vị trí quán quân cho Đà Nẵng sau ba năm thống trị vị trí đầu bảng.
Theo ông Trần Văn Lợi – phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, trong 10 chỉ số quan trọng để đánh giá PCI thì Bình Dương chỉ có bốn chỉ số tăng điểm, còn sáu chỉ số giảm điểm. Cụ thể, có bốn chỉ số tăng 2,31 điểm (chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất, tính minh bạch và tiếp cận thông tin, thiết chế pháp lý) trong khi đó sáu chỉ số giảm đến 5,47 điểm. Trong đó có nhiều chỉ số giảm mạnh như “tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh Bình Dương”, “chi phí không chính thức”, “chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân”…
Như vậy, nếu tính bình quân các chỉ số trong năm 2008, Bình Dương giảm 3,15 điểm so với năm trước, còn Đà Nẵng chỉ giảm 0,58 điểm. Phân tích nguyên do từng chỉ số bị giảm, ông Nguyễn Phùng Trung – phó giám đốc Sở Lao động – thương binh & xã hội tỉnh, cho rằng: “Chỉ số đào tạo lao động giảm 0,99 điểm là do nhiều nguyên nhân, trong đó việc thiếu hụt lao động đã khiến tỉnh phải tiếp nhận lao động từ nhiều nguồn.
Song, số lượng lao động không qua đào tạo đến làm việc trên địa bàn tỉnh chiếm khá lớn.” Giải quyết vấn đề này, ông Trung cho biết sắp tới sẽ chú trọng đến việc nâng cấp các trung tâm đào tạo nghề của các huyện thị thành các trường trung cấp, cao đẳng nghề. Đồng thực hiện chương trình “đưa trường đến với doanh nghiệp”. Nghĩa là doanh nghiệp có nhu cầu lao động lĩnh vực nào sẽ đặt hàng cho nhà trường đào tạo lĩnh vực đó.
Trong khi đó, ông Trần Văn Dũng – giám đốc Sở Xây dựng – cho biết sắp tới sẽ tiến hành rà soát toàn bộ khâu thủ tục nhằm giảm bớt các loại hồ sơ không đáng có. “Ngoài ra, để giảm thời gian giao nhận hồ sơ, sở sẽ tiến hành quán triệt lại tinh thần làm việc đối với cán bộ công chức, đồng thời áp dụng “phiếu theo dõi” đối với từng loại hồ sơ” – ông Dũng nhấn mạnh. Theo đó, phiếu này sẽ cho biết cụ thể thời gian đầu vào và đầu ra của một hồ sơ, từ đó tạo điều kiện cho việc quản lý chặt, giải quyết nhanh.
Câu chuyện quy hoạch chưa tốt cũng được nhiều ý kiến đặt ra. Bà Nguyễn Thị Điền – giám đốc Sở Công thương – cho rằng: “Chủ trương của tỉnh là thu hút các dự án vào trong các khu công nghiệp, nên khi một nhà đầu tư nhắm kinh doanh ngoài khu công nghiệp có phần bị khựng lại ở khâu “rào cản quy hoạch”. Bà Điền dẫn chứng: ở Dĩ An, một chủ đầu tư muốn xây dựng một trung tâm thương mại nhưng khi xúc tiến dự án mới biết vướng quy hoạch là vị trí của một công viên”.
Theo ông Trần Văn Lợi, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh giảm trước hết trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh. “Chúng ta cần phải xem lại cách làm có phù hợp với nhà đầu tư chưa? Điều mà tỉnh quan tâm nhất là chỉ số “chi phí không chính thức”. Chi phí này là tiêu cực và nó có thể liên quan đến nhiều sở, ngành. Vì vậy, sắp tới sẽ có chỉ thị chỉ đạo toàn diện vấn đề này nhằm nâng cao chỉ số cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư tốt hơn” – ông Lợi nhấn mạnh.
ANH THOA (TTO)
 

Bình luận (0)