Chiều tối 14/11, trong khi TPHCM đang liêu xiêu vì triều cường lịch sử thì cuộc sống người dân tại một số xã ở huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương cũng bị đảo lộn vì ngập nước. Nhiều người sống trọ trong những khu nhà tạm phải ngủ… đứng.
Các xã Vĩnh Phú, Bình Nhâm và Thị trấn Lái Thiêu (Thuận An, tỉnh Bình Dương) bị ngập nghiêm trọng. Trong đó, điểm ngập nặng nhất là các tổ 1, 2, 3, ấp Hòa Lân… của xã Vĩnh Phú. Hơn 40 hec ta của xã này đã “ngâm mình” trong nước 3 ngày qua.
Anh Phạm Hữu Vinh, nhà ở tổ 1, Vĩnh Phú cho biết: “Nước ngập từ 4 giờ đến 8 giờ sáng mới rút. Đến khoảng 16 giờ chiều, nước bắt đầu dâng lên, rồi phải đến 20 giờ mới rút hẳn”.
Khu vực này có nhiều nhà trọ, do xây dựng theo kiểu tạm thời với nền nhà thấp ẩm, lại không có giường… Nước ngập vào lênh láng trong nhà, nhiều người phải ngủ… đứng.
Có nơi nước ngập lên tới 1,5 mét, nên cuộc sống của người dân bị đảo lộn rất nhiều. Nhiều người phải thức cả đêm, hoặc phải di tản đến nhà người quen để ngủ nhờ. Trong khi đó, vườn cây ăn trái, vườn cây mai, cây kiểng bị ngập úng, gia súc không có chỗ trú…. Nhiều nhà nuôi cá trong ao thì bị cá sổng ra sông…
Anh Trịnh Hoàng Tâm, nhà ở tổ 5 ấp Hòa Lân chỉ vết nước ngập trên tường lên tới nửa mét. Anh Tâm cho biết: “Tôi có đắp bờ bao nhưng không ăn thua, nước dâng cao ngập hết bàn ghế. Chiếc giường ngủ của gia đình thành chỗ tập kết đồ đạc để cứu khỏi bị ngâm trong nước”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, đến 19 giờ tối 14/11, nước tại khu vực ấp Hòa Lân vẫn còn ngập đến gần đầu gối. Xe máy chúng tôi bị chết máy giữa đường phải gửi nhờ nhà dân mới lội được vào trong.
Nguyên nhân của đợt triều cường này có liên đới với đợt triều cường lịch sử trong 49 năm qua đang xảy ra tại TPHCM, kết hợp với hồ Dầu Tiếng xả lũ đã làm cho xã Vĩnh Phú – nơi có địa hình thấp, tiếp giáp với sông Sài Gòn, bị ngập nặng. Trên 20 đoạn bờ bao bị vỡ, nước tràn vào nhà dân, có chỗ ngập trên 1 mét, nước ngập lên đến quốc lộ 13.
Một cán bộ của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Thuận An cho biết, nơi xảy ra ngập nặng là do người dân ở sát sông mà không gia cố, nhiều lô đất gần sông người dân mua rồi bỏ trống.
Theo ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND huyện Thuận An, diễn biến bất thường của đợt triều cường kèm theo đợt xả lũ hồ Dầu Tiếng đã gây ngập nặng. Trước tình hình mưa lũ thất thường này, UBND huyện Thuận An đã chỉ đạo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão phân công, huy động lực lượng ứng trực 24/24 và ứng cứu những hộ gia đình nằm trong vùng thấp trũng, ngập nước sâu ảnh hướng đến tính mạng và tài sản.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của huyện Thuận An cũng đã điều động trên 100 dân quân và lực lượng địa phương thực hiện 4 phương châm tại chỗ, kịp thời ứng cứu khi có những trường hợp xấu xảy ra.
Công Quang (dantri.com.vn)
Bình luận (0)