V.League đang là mảnh đất vàng đối với các cầu thủ ngoại. Từ một cầu thủ nghiệp dư, vô danh, họ trở thành ngôi sao, một bước lên tiên.
Méo mặt vẫn phải cười
Không thể thống kê chính xác chi phí dành cho cầu thủ ngoại của một đội bóng là bao nhiêu. Chỉ có thể nói là rất nhiều, đặc biệt là nhóm “đại gia”. Khoản chi đó bao gồm: chi phí lót tay, tiền lương, tiền thưởng…
Tiền vệ Leandro |
Hãy lấy ví dụ từ XM.HP. Tính ra, một tháng khoản chi cho Leandro từ 12-14 ngàn USD. Lazaro, Aniekan cũng nhận mức lương 5-7 ngàn USD/tháng. Tiền cho Willians, Đinh Hoàng Max cũng khoảng 4-5 ngàn USD/tháng. Một tháng đội bóng đất Cảng tiêu 35-40 ngàn USD cho cầu thủ ngoại. Đó là chưa kể đến khoản tiền lót tay lên đến hàng trăm ngàn USD đã trả đầu mùa bóng. Sơ sơ, để có được các hảo thủ mà nhiều đội bóng phải thèm thuồng, một năm XM.HP phải chi cả chục tỷ đồng.
Nhà giàu tiêu kiểu giàu. Đội bóng nghèo hơn cũng phải gắng bằng bạn bằng bè. Thế nên, chi tiêu cho cầu thủ ngoại chiếm một phần quan trọng trong ngân sách các CLB. Nhưng đáng nói là chi phí này tăng với tốc độ phi mã sau mỗi mùa giải.
Các đội bóng tốn nhiều tiền nhưng vẫn phải cười với niềm tin rằng mình hơn đối thủ về ngoại binh chất lượng. Họ hy vọng rằng cầu thủ sẽ mang đến sức bật cho đội bóng. Tất nhiên là không phải lúc nào niềm tin, sự hào phóng của các đội bóng cũng được đền đáp. Khi ấy, người ta cho rằng, đầu tư vào bóng đá phải chấp nhận rủi ro.
“Chùm khế ngọt”?
Các nhà môi giới và bản thân cầu thủ ngoại luôn đề cao tài năng, biết cách làm giá để có được bản hợp đồng ưng ý nhất. Tất nhiên là những cầu thủ tài năng như Leandro mang đến xúc cảm đặc biệt cho NHM. Anh xứng đáng nhận được sự biệt đãi. Nhưng một nhà môi giới từng sống ở Brazil 19 năm bật mí rằng: “Không khó để kiếm một cầu thủ trình độ như Leandro ở Brazil. Nếu ở Brazil, một tháng Leandro rất khó để kiếm được 5 ngàn USD”.
Cái khó của các CLB Việt Nam là không có điều kiện tiếp cận trực tiếp với nguồn hàng chất lượng. Họ phải nhờ cậy các nhà môi giới và chi phí cao hơn. Thế nhưng, khi mức lương, tiền lót tay bị đẩy lên mức quá cao, vượt xa giá trị thực của một cầu thủ thì phải tính toán lại.
Không phải đội bóng nào cũng dễ dàng chấp nhận trở thành “chùm khế ngọt” cho đối tác trèo hái mỗi mùa chuyển nhượng. Thế mới có chuyện, dù rất chịu chơi, muốn có cầu thủ ngoại giỏi nhưng XM.HP vẫn phải lắc đầu với yêu cầu tăng lương, lót tay của De Jesus. Sau đó, HP.HN cũng lắc đầu với tiền đạo này vì không thống nhất được về thu nhập.
Khi còn thi đấu cho HN.ACB, HLV Mauricio dù là ngôi sao sáng nhất nhưng vẫn không đòi tăng lương. Anh tôn trọng bản hợp đồng đã ký với CLB. Người ta đánh giá đó là phẩm chất của một cầu thủ chuyên nghiệp. Chỉ có điều, không phải cầu thủ ngoại nào cũng đáng yêu và đáng nể như Mauricio. Một khi đã khẳng định được vị trí trong đội hình, rất nhiều cầu thủ ngoại thường đưa yêu sách tăng lương, lót tay cùng những khoản tiền không đúng với cam kết ban đầu. Với các cầu thủ ngoại, mục tiêu tối thượng là phải kiếm được thật nhiều tiền và nếu không muốn bị thiệt thì CLB phải có những ràng buộc chặt chẽ.
Khác biệt của V.League
Ở Đông Nam Á (ĐNA), có lẽ hiếm giải đấu nào lại giữ chân được các ngoại binh lâu năm như V.League. Bởi nhìn vào danh sách đăng ký cho V.League 2010, người ta vẫn thấy sự hiện diện của những cầu thủ từng tham dự V.League từ năm… đầu tiên, nghĩa là cách đây đã ngót chục năm.
Ronald Martin chẳng hạn. Anh chàng nay lấy tên Trần Lê Martin từng dự V.League 2001 cùng thời với những Iddi, Enock Kyembe, Babou Noubi, Lulentin hay Blessing – mà một số người trong đó nay đã về “thiên cổ”. Hay Phan Lê Issac, Kankam cũng đã đến Việt Nam khoảng 7-8 năm. Số cầu thủ chơi tại V.League 5 năm thì nhiều vô kể. Thậm chí, nhiều người từng rời Việt Nam như Rogers hay Tostao song rút cục cũng trở lại.
Tất nhiên, không khó lý giải vì sao họ gắn bó với Việt Nam lâu đến vậy. Chỉ có điều, nói công bằng thì ít người vì cái tình, mà có lẽ chủ yếu vì ở Việt Nam kiếm tiền khá dễ và với trình độ của họ thì cũng khó kiếm được nơi nào tốt hơn V.League nữa cả về chuyện phù hợp đẳng cấp lẫn chuyện kiếm tiền.
Khắc Sơn (theo baobongda)
Bình luận (0)