Đó là hai bài thơ xưa khá quen thuộc với mọi người Việt Nam của hai nữ sĩ Bà Huyện Thanh Quan và Hồ Xuân Hương đưa ta từ nỗi đoạn trường đến miền cực lạc, cũng như từ quá khứ đến tương lai của Thăng Long – Hà Nội.
Kỳ 1:
Bài thơ thứ nhấttc "Baøi thô thöù nhaát"
1. Hình như con người đó đã xa Thăng Long nhiều năm bây giờ trở lại. Hoặc giả bà đã từng sống ở đất này từ lâu nhưng nay thấy nó không còn như xưa nữa. Hoặc giả những gì thuộc về ngày xưa ấy chỉ là trong hoài niệm, không gì giống như ngày nay. Tất cả là do thời thế đổi thay, do thời gian cũng là do tạo hóa. Câu thơ mở đầu là một lời than thở hay trách móc tạo hóa và thời gian. Như một tiếng thở dài:
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương…
Hí trường (rạp hát) là lịch sử, tinh sương (sương sao) là thước đo thời gian. Nhớ chàng trải mấy sương sao… (Chinh phụ ngâm). Dù tươi đẹp lên hay suy tàn đi, lịch sử và thời gian cũng làm cho cảnh vật biến đổi, nhiều khi rất nhanh chóng. Thấm thoắt không chỉ là thời gian vật lí mà chủ yếu là thời gian tâm lý, mỗi khi so sánh hiện tại với quá khứ, người ta thấy thời gian sao mà nhanh, dù thực ra cũng có thể lâu rồi.
2. Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Qua khứ đồng hiện cùng hiện tại, trong hai câu thơ buồn mà tuyệt diệu có thể nói là tuyệt diệu bậc nhất trong thơ Việt Nam xưa nay. Cả hai câu 3, 4 đều là thần cú (câu thần) trong đó thần tự (chữ thần) là ba chữ hồn thu thảo mà thần nhất là chữ hồn. Tôi tưởng tượng luật thơ thất ngôn xưa: nhất, tam, ngũ, bất luận… đã giúp nhà thơ tìm ra cái chữ thần này. Không thể viết: ngọn thu thảo, đám thu thảo mà phải tìm một chữ thanh bằng mà lại trầm bằng, thế là chữ hồn xuất hiện như một sự may mắn, một niềm hạnh phúc. Còn gì buồn hơn khi mặt trời tà chiếu xuống mảnh nền cũ hoang vắng, ở đó từng dựng lên những lâu đài tráng lệ ngày xưa, và trên lối đi ngày xưa từng rộn ràng xe ngựa sang trọng bây giờ chỉ là những đám cỏ vàng mùa thu trước gió chiều phơ phất. Chỉ một chữ hồn diễn tả được cái hồn của cảnh vật lẫn cái hồn của thi nhân. Chữ bóng của câu sau cũng đối xứng, song dĩ nhiên không hay bằng. Người ta có thể trách hai câu này (cũng như toàn bài) là cô đúc quá, mỗi câu bảy chữ không thừa một chữ nào. Nhưng biết nói sao, thơ là vậy mà đặc biệt là thơ xưa, thơ thời ấy và mọi thời cũng vậy cũng vậy phải khác với văn xuôi, không thể là văn xuôi, kể cả thơ bằng văn xuôi…
3. Hai câu 5, 6 tiếp theo cũng trung thành với thi pháp ấy, phong cách ấy. Mỗi chữ như nặng nghìn cân hay giá nghìn vàng:
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương…
Mỹ từ pháp cổ điển hay tu từ học hiện đại gọi đây là nhân cách hóa, một sự nhân cách hóa, một sự nhân cách hóa hoàn hảo: đá trơ gan, nước cau mặt, còn gì xác đáng hơn. Song hai câu thơ này cũng như hai câu trên không chỉ hay ở hình thức mà còn ở nội dung, đúng hơn là hình thức ở đây thống nhất, tương hợp tuyệt vời với nội dung. Đây là hiện tại hay quá khứ, là nhất thời hay vĩnh cửu, là thời gian ngừng lại hay trôi đi?… Nhà thơ đã lấy cái ngừng lại để diễn tả cái trôi đi, lấy cái khoảnh khắc để diễn tả cái vô cùng. Thế giới có bao nhiêu nhà thơ, bài thơ miêu tả thời gian. Thơ Việt Nam có thể tiến cử hai câu này, bài thơ này làm “kì quan thế giới” được chăng? Hai câu thơ vừa tả cái hữu hình là cảnh vật, vừa tả cái vô hình là thời gian. Thời gian vừa vô hình vừa vô tình.
4. Hai câu thơ 7, 8 cũng như hai câu 1, 2 theo thi pháp được phép không đối tuy vẫn giữ đúng luật và niêm, song cũng tuyệt vời không kém. Trước hết là câu 7. một câu thơ ẩn dụ vĩ đại về Thăng Long – Hà Nội. Hà Nội – Thăng Long là một tấm gương cũ nghìn năm, là nghìn năm cũ để lại tấm gương này. Tấm gương này soi ai, soi gì? Soi việc kim cổ, soi người kim cổ, soi lịch sử, thiên nhiên, đất nước, nhân dân với bao biến thiên, biến cố xưa nay trải qua nghìn năm. Cho nên con người ở đây, trong bài thơ, cũng soi vào tấm gương ấy thấy cảnh, thấy người, thấy mình mà buồn rầu vô hạn:
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy, người đây luống đoạn trường
Từ cổ luống (chữ Hán là không) để diễn tả một cái gì thường hằng tất yếu, tự nhiên, bao giờ cũng vậy – (Bạch vân thiên tải không du du – mây trắng nghìn năm luống vẩn vơ). Có chú ý chữ luống này mới thấu hiểu hai chữ đoạn trường. Đoạn trường là buồn rầu, đau đớn như đứt ruột. Có người giải thích tác giả là dòng dõi cưu thần nhà Lê, nay là kinh đô đã dời vô Huế, Thăng Long chỉ còn là cố đô hay phế đô hoang tàn nên xui lòng hoài cảm, tiếc thương. Không loại trừ xúc cảm, tình cảm ấy, song nếu hiểu như thế thì ý nghĩa bài thơ này sẽ chật hẹp quá. Chữ luống cho ta một sự cảm thông và tiếp cận rộng hơn. Đây là một nỗi buồn cụ thể của một con người cụ thể thật đấy, song nó còn có ý nghĩa nhân văn rộng rãi, phổ biến hơn: Đây là nỗi buồn mà ai cũng có, có thể có, nỗi buồn trước sự trôi chảy của thời gian, sự biến thiên của cảnh vật, sự mong manh của kiếp người, sự vô tận và vô tình của không gian và của lịch sử, một nỗi buồn triết học như Khổng Tử ngày xưa trong “Luận ngữ”: “Tử tại xuyên thượng viết: Thệ giả như tư phù: bất xả trú dạ! (Thầy đứng bên sông nói: chảy mãi thế này ư? Không kể ngày đêm!) Hơn hai nghìn năm sau, Xuân Diệu viết: Trăng thu gió hè/Đổi bờ thay đê/ Nước thuyền xuống biển/ Thuyền không trở về/ Nước cũng mất luôn/ Nhưng nước còn nguồn/ Thuyền chìm trong lúc/ Đêm ngày nước tuôn…) (Thời gian – Thơ thơ).
Hai trăm năm trước, bà Huyện Thanh Quan hoài cổ Thăng Long mà buồn, kỉ niệm 1.000 Thăng Long (2010); người Hà Nội, người Việt Nam hôm nay buồn hay vui? Hay là buồn vui cũng tại lòng này…
Hà Nội – Thăng Long là một tấm gương cũ nghìn năm, soi kim cổ, soi lịch sử thiên nhiên, đất nước, nhân dân với biết bao biến thiên, biến cố trải qua. Con người trong bài thơ cũng soi vào tấm gương ấy để thấy người, thấy cảnh và thấy mình.
Trần Thanh Đạm
(còn tiếp kỳ sau)
Bình luận (0)