Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Bình ổn giá – mỗi chợ cần một điểm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sau 5 năm thực hiện, dù có những đánh giá tích cực về chương trình bình ổn giá song các chuyên gia cho rằng chương trình này vẫn còn bất cập. Theo Sở Công Thương Hà Nội, tính đến tháng 8, thành phố đã tạm ứng vốn đợt 1 cho doanh nghiệp tham gia bình ổn giá 319,5 tỷ đồng trên tổng số 475 tỷ đồng của năm 2011 để dự trữ hàng hóa bình ổn giá. Đến nay, có 561 điểm bình ổn giá trên toàn thành phố, trong đó 271 điểm bán hàng ở khu vực ngoại thành.

Ngoài số điểm bán hàng ở khu vực ngoại thành tăng gần gấp 3 lần so với năm 2010, năm nay Hà Nội thực hiện đưa hàng bình ổn vào tận bếp ăn của công nhân, học sinh với khoảng 25.000 người được thụ hưởng.

Dù có tới 44 chợ nhưng theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Đồng, cả Hà Nội hiện mới có 58 điểm bán hàng tại các chợ truyền thống, 7 điểm tại các khu công nghiệp. Trong khi đó có tới 67 điểm tại hệ thống siêu thị, 123 điểm tại các cửa hàng chuyên doanh, tiện ích… Sở cũng đánh giá, mỗi chợ truyền thống chỉ cần có một điểm bình ổn thì việc giá cả sẽ rất ổn định.
“Chúng tôi rất trăn trở việc làm thế nào để đưa hàng bình ổn giá vào chợ dân sinh nhưng rất phức tạp. Bà con trong chợ không muốn hàng bình ổn giá được đưa vào bán. Đây là việc không phải chỉ riêng của ngành công thương mà cả các địa phương, ban ngành cùng vào cuộc”- ông Đồng nói.
Trên thực tế, dù đã triển khai đến năm thứ 5, nhưng chương trình bán hàng bình ổn vẫn cho thấy có nhiều điểm chưa ổn. Điển hình như lượng tiêu dùng của người dân Hà Nội mỗi tháng xấp xỉ 21.000 tỷ đồng trong khi với số vốn hỗ trợ 475 tỷ đồng, các doanh nghiệp bình ổn giá chỉ đáp ứng bình quân 10% so với nhu cầu tổng mức 10 nhóm mặt hàng.
Với lượng hàng thấp như vậy, có thể nhìn thấy ngay việc can thiệp, giữ giá trong điều kiện bình thường có thể nói không thể thực hiện được, chưa kể tới khi có biến động mạnh về giá lương thực, thực phẩm.
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội người nghèo vẫn là những đối tượng cần được hỗ trợ nhiều nhất qua các chương trình bình ổn giá. Nhưng lượng hàng bình ổn chủ yếu ở siêu thị hiện nay khiến người nghèo mất đi cơ hội tiếp cận.
Ví dụ người nghèo cần mua gạo tẻ thường thì siêu thị lại bình ổn giá gạo tám Điện Biên hoặc cần mua cá tươi thông dụng thì siêu thị lại bình ổn hàng thủy hải sản đông lạnh…
Theo ông Phú, việc Nhà nước cho doanh nghiệp vay với lãi suất 0% để trữ hàng bình ổn nếu không kiểm soát tốt thì sẽ là cơ hội để doanh nghiệp kiếm lời. Đến nay không ai quyết toán được bao nhiêu phần trăm vốn hỗ trợ bình ổn giá được sử dụng và hiệu quả như thế nào. Chỉ thấy bình ổn mà giá vẫn lên vù vù. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa rồi đã bỏ chương trình bình ổn, vì không hiệu quả.
Phạm Tuyên / TPO

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)