Với mục tiêu chủ yếu của công việc bình ổn giá thị trường là góp phần kiểm soát lạm phát; ổn định tình hình kinh tế – xã hội và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước, bình ổn giá đã được quy định khá cụ thể trong dự thảo Luật Giá. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban Tài Chính – Ngân sách (TCNS) cần quy định chặt chẽ hơn để đạt mục tiêu đề ra…
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết: dự thảo Luật quy định khi giá là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống không thuộc danh mục Nhà nước định giá được quy định theo các tiêu chí là nguyên, nhiên, vật liệu và dịch vụ chính cho sản xuất và lưu thông; hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cơ bản của con người như: ăn, mặc, ở, học tập, đi lại, chữa bệnh có biến động bất thường hoặc khi mặt bằng giá có biến động ảnh hưởng đến ổn định kinh tế xã hội thì Nhà nước sẽ thực hiện bình ổn giá bằng việc áp dụng có thời hạn một hoặc một số biện pháp phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế tại thời điểm đó sao cho có hiệu quả nhất.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ |
Về các biện pháp bình ổn giá, dự thảo luật kế thừa những biện pháp bình ổn giá đã được quy định tại Pháp lệnh Giá. Đồng thời, dự thảo luật bãi bỏ biện pháp “Trợ giá nông sản khi giá thị trường xuống quá thấp gây thiệt hại cho người sản xuất; trợ giá hàng hoá, dịch vụ quan trọng thiết yếu khác” vì quy định như vậy có thể dẫn đến việc trợ giá cho cả hàng nông sản xuất khẩu. Điều đó sẽ trái với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Thay vào đó dự thảo Luật quy định “Áp dụng các biện pháp hỗ trợ về giá phù hợp với pháp luật và các cam kết quốc tế”.
Ngoài ra, so với Pháp lệnh Giá, dự thảo Luật quy định bổ sung một số biện pháp quan trọng để bình ổn giá thị trường, đó là: Các biện pháp về tài chính, tiền tệ; lập và sử dụng quỹ bình ổn giá đối với loại hàng hoá, dịch vụ được hình thành quỹ bình ổn giá theo quy định của pháp luật, phù hợp với các cam kết quốc tế; đăng ký giá.
Ủy ban TCNS cho rằng, để ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống người dân, nhất là người có thu nhập thấp thì việc áp dụng chính sách bình ổn giá là cần thiết. Tuy nhiên, qua thực hiện cho thấy, bên cạnh một số kết quả đạt được vẫn còn nhiều tồn tại, trong một số trường hợp hiệu quả thực tế chưa như mong muốn. Bản thân chính sách bình ổn chứa đựng nhiều điểm bất cập, chưa bảo đảm tính công bằng do cơ bản chỉ áp dụng ở một số thành phố lớn, tại các siêu thị, cửa hàng lớn, những nơi người nghèo không thể tiếp cận. Đặc biệt, việc áp dụng chính sách không đi đôi với biện pháp kiểm soát thực hiện dẫn đến lợi dụng chính sách để đầu cơ trục lợi, người dân không được hưởng ưu đãi, sử dụng ngân sách Nhà nước lãng phí, kém hiệu quả, đã tạo dư luận không tốt trong một bộ phận người tiêu dùng. Vì vậy, đề nghị quy định theo hướng: Phải bảo đảm tính công bằng khi triển khai thực hiện; bổ sung biện pháp kiểm soát, cơ chế xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong tổ chức thực hiện; có chế tài nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm quy định về bình ổn giá.
Về tiêu chí xác định và danh mục hàng hóa bình ổn giá: Điều 16 quy định về tiêu chí xác định hàng hóa thuộc diện bình ổn giá và giao Chính phủ quy định cụ thể danh mục hàng hóa bình ổn giá.
Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng: Tiêu chí chưa cụ thể; phạm vi hàng hóa, dịch vụ được xác định khá rộng, chưa tạo căn cứ để lựa chọn đúng mặt hàng phải được bình ổn tại thời điểm giá cả diễn biến bất thường; việc giao Chính phủ quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ là chưa hợp lý. Vì vậy, Ủy ban TCNS đề nghị, cùng với việc xác định tiêu chí cụ thể hơn nữa, cần quy định kèm theo mỗi tiêu chí là loại hàng hóa tương ứng thuộc diện bình ổn giá.
Theo Xuân Dũng
(QĐND Online)
Bình luận (0)