Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Bình ổn thị trường phân bón

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Để tăng năng suất cây trồng, phân bón là thành phần quan trọng. Nhưng thời gian qua, giá phân bón biến động và tình trạng phân bón kém chất lượng đã ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của nông dân. 

Đáp ứng 68% nhu cầu vẫn bất ổn

Theo Bộ Công thương, lượng phân bón hóa học các loại sản xuất trong nước vào khoảng 6,2 triệu tấn, đáp ứng 68% nhu cầu các loại cây trồng. Nhưng nếu đi vào từng mặt hàng cụ thể lại có tỷ lệ khác nhau, 2 mặt hàng trong nước có thể đáp ứng nhu cầu là phân lân (2 triệu tấn/năm) và NPK (3 triệu tấn/năm). Phân đạm (urê) đáp ứng khoảng 54% (gần 1 triệu tấn/năm), trong đó, Nhà máy Đạm Phú Mỹ (thuộc Tổng Công ty Phân bón và hóa chất dầu khí) cung cấp 40%, (khoảng 800.000 tấn/năm), còn lại Nhà máy Đạm Hà Bắc khoảng 180.000 tấn/năm.

Cuối năm 2012, khi Nhà máy Đạm Cà Mau với công suất thiết kế 800.000 tấn/năm và Nhà máy Đạm Ninh Bình (560.000 tấn/năm) đi vào hoạt động, nhu cầu urê trong nước cũng sẽ được đảm bảo. Với phân DAP, Nhà máy sản xuất DAP số 1 tại TP Hải Phòng (công suất 330.000 tấn/năm) đáp ứng khoảng 35% nhu cầu trong nước, Nhà máy DAP số 2 (330.000 tấn) tại tỉnh Lào Cai đang xây dựng (dự kiến 2014 hoạt động) sẽ đáp ứng 80% nhu cầu trong nước. Kali và phân SA  phải nhập khẩu 1,3 triệu tấn/năm. Như vậy, hàng năm còn phải nhập khẩu khoảng 2,6 triệu tấn phân bón các loại, trong đó, urê gần 50%, DAP 70%, SA và Kali 100%.
 
Sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc vào lượng phân bón nhập khẩu
Đây là lý do giá phân bón trong nước còn chịu tác động mạnh từ thị trường phân bón thế giới, đặc biệt là thời gian qua, giá phân bón thế giới biến động mạnh như: Urê tháng 1-2011 tăng thêm 80-100USD/tấn so với tháng 1-2010. Ngoài ra, giá urê trong nước còn chịu tác động bởi chính sách xuất khẩu của những nước sản xuất phân bón lớn như Trung Quốc (tăng thuế xuất khẩu lên 110% đến hết tháng 6-2011). Yếu tố mùa vụ, mất cân đối cung cầu cục bộ, tác động thời tiết, chưa chủ động nguồn hàng, tỷ giá ngoại tệ biến động, đã làm việc bình ổn chưa được như mong muốn.
4 giải pháp bình ổn
Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cho rằng, bài toán cung cầu có thể tóm tắt: tổng lượng cung = tổng lượng cầu + dự trữ hợp lý, trong khi hiện nay mới là tổng lượng cung = tổng lượng cầu + dự trữ tối thiểu. Về cơ bản, dù các công ty đảm bảo đủ tổng lượng cung, nhưng từng thời điểm và từng nơi vẫn có những bất ổn do chưa chủ động nguồn hàng, nhất là khi vào thời vụ sản xuất từng loại cây trồng ở các vùng miền, trong đó quan trọng nhất là urê.
Mạng lưới phân phối, nhất là của Nhà máy Đạm Phú Mỹ được xây dựng trên cả nước, nhưng vẫn xảy ra tình trạng đầu cơ ngoài mạng lưới, lấy hàng từ trong hệ thống phân phối dịch chuyển về phía đầu cơ làm bất ổn giá cả. Phân bón được đưa xuống tận nhà dân, nhưng với giá cao hơn mạng lưới phân phối chính thức (hầu hết là đầu tư mua non sản phẩm hoặc kèm với lãi suất). Do vậy, nếu không quản lý hiệu quả sẽ khó bình ổn giá phân bón. Cần có sự phân bố hợp lý về mạng lưới, đặc biệt là vùng sâu vùng xa (thêm kho dự trữ hợp lý) phòng khi có thiên tai, dịch bệnh sẽ chủ động ứng phó. Dự trữ hợp lý sẽ hạn chế căng thẳng về giá. Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng cho rằng, việc dự báo có vai trò hết sức quan trọng, làm không tốt sẽ ảnh hưởng đến công tác bình ổn giá cả. Bộ Công Thương nên công bố giá từng vùng để bà con nắm, không để đại lý làm giá.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, cần có 4 nhóm giải pháp giúp việc bình ổn phân bón. Đó là: Tăng cường nguồn cung phân bón trong nước đang và sẽ sản xuất. Cân đối giữa nhập khẩu và sản xuất phân bón trong nước để giữ giá thị trường qua việc điều tiết bằng công cụ thuế. Nâng cao hiệu quả hệ thống phân phối, đưa hàng đến nông dân với chi phí thấp nhất, kết hợp với việc quy hoạch hệ thống thương mại các tỉnh, sự phối hợp với các thành phần kinh tế cùng tham gia. Sử dụng công cụ dự trữ lưu thông phân phối.
CÔNG PHIÊN/ SGGP

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)