Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Bình Phước: Hẩm hiu… một mùa điều!

Tạp Chí Giáo Dục

Chuyện thời sự ở tỉnh Bình Phước: Ngủ dậy là nghe chuyện điều thất mùa. Đi đến đâu cũng nghe chuyện điều thất mùa… Những cơn mưa trái mùa nặng hạt liên tục rơi, cộng với nắng nóng gay gắt đã làm cho thủ phủ cây điều đắm chìm trong cảnh… hẩm hiu, buồn tẻ hơn bao giờ.

Người nông dân điêu đứng

Anh Nguyễn Văn Tâm – ngụ khu phố Phước Tiến, phường Long Phước, thị xã Phước Long – cho biết: Năm ngoái, 3ha điều của gia đình anh thu được hơn 6 tấn; nhưng năm nay, mới thu chưa được 1 tấn. Mặc dù vụ điều này, anh Tâm đã bỏ ra hơn 10 triệu đồng mua phân, thuốc về chăm bẵm cho vườn điều, nhưng hiện hạt non trên cây còn rất ít. Ước chừng cao lắm, vườn điều anh Tâm chỉ được khoảng 1,5 tấn. Theo anh Tâm, Tết Nguyên đán điều ra bông và đậu hạt rất nhiều, nhưng cuối tháng hai và đầu tháng ba, những cơn mưa nặng hạt liên tục rơi, cộng với nắng nóng gay gắt đã làm hầu hết diện tích điều đang ở thời kỳ kết trái bị đen bông, hạt non bị cháy đen rồi rụng.
Gia đình anh Tâm gồm 6 người, cả năm trông chờ vào vườn điều. Bây giờ điều thất bát thế này không biết kiếm đâu ra tiền để chi tiêu, trang trải trong cuộc sống hằng ngày… Tương tự anh Tâm, vườn điều 6ha – hơn 10 năm tuổi của anh Bùi Phi Hùng cũng bị thời tiết hành hạ te tua… Mưa trái mùa đã ảnh hưởng hầu hết diện tích điều của nhiều nông dân tại các huyện như: Phước Long, Bù Gia Mập, Bù Đăng… của tỉnh Bình Phước. Anh Trần Văn Hà (ngụ xã Bình Sơn, huyện Bù Gia Mập) nói: “Vụ năm ngoái, 6ha điều của gia đình tôi thu hơn 10 tấn hạt, còn năm nay ước chỉ được 1/3 số lượng là cây đã hết trái; trong khi chi phí chăm sóc lại cao hơn năm trước gấp rưỡi – tương đương 36 triệu đồng, ngốn hơn 1,5 tấn điều”. Ông Võ Hồng Chiến – “trùm” điều ở xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, có hơn 200ha điều 12 năm tuổi – cũng than thở “năm nay ông trời không thương dân trồng điều”…
Thu hoạch điều ở huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Ảnh: H.A
Bán tống bán tháo
Thất mùa te tua, nông dân trồng điều còn phải cắn răng bán điều với giá rẻ bằng phân nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Đơn cử vụ điều 2011, giá hạt điều thô từ 37.000-40.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 45.000 đồng/kg, nông dân trồng điều ở Bình Phước trúng lớn. Tuy nhiên năm nay, giá điều thô đầu vụ cao nhất chỉ đạt 23.000 đồng/kg, rồi giảm dần và hiện chỉ còn dao động 18.000-19.000 đồng/kg. Theo ông Hoàng Mạnh Bình – GĐ Cty TNHH Việt Sơn (xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài): Giá điều giảm là do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới. Thị trường Trung Quốc (chiếm hơn 80%) đã ngừng nhập khẩu sản phẩm điều của Việt Nam từ đầu năm 2012; thị trường Mỹ và EU hiện đang chững lại…
Ngoài ra, một số doanh nghiệp điều ở Bình Phước nhập điều thô từ các nước Châu Phi, Ấn Độ… với giá rẻ hơn trong nước, cũng khiến giá điều bị kéo giảm. Ông Bình dự báo giữa năm nay, giá điều mới có thể tăng trở lại. Nông dân Cao Văn Minh (ngụ xã Đức Hạnh, thị xã Phước Long) trần tình: Công, chi phí chăm sóc 1ha điều trung bình từ 6-7 triệu đồng (phát cỏ, quét dọn, các loại phân, thuốc bảo vệ thực vật…). Nông dân chỉ trông chờ đến vụ thu hoạch điều để lấy tiền phục vụ chi tiêu cho cả năm. Do đó, tuy giá điều rẻ, nhưng nông dân phải đành lòng bán để lấy tiền trang trải cuộc sống hoặc trả nợ cho đại lý, vì đầu vụ đã mua “chịu” phân bón, thuốc xịt các loại. Tình hình điều thất mùa như năm nay, ở Bình Phước sẽ có hàng ngàn hộ nông dân trồng điều khó khăn, chấp nhận bán tống bán tháo điều với giá rẻ mạt, để có được ít tiền trang trải trong cuộc sống.
Theo Hội Điều Bình Phước: Tỉnh Bình Phước là tỉnh có diện tích điều lớn nhất cả nước – hơn 144.000ha (chiếm hơn 45% diện tích điều cả nước). Năng suất bình quân 10,9ha tạ/ha. Sản lượng thu hoạch năm 2011 đạt 157.000 tấn. Hiện toàn tỉnh có 195 doanh nghiệp và 119 cơ sở sản xuất, chế biến điều, trong đó có 31 doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp.
Thanh Hà – Đông Anh
Theo Lao Động

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)