Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bình Thuận: Báo động tình trạng biển xâm thực

Tạp Chí Giáo Dục

Tỉnh Bình Thuận có chiều dài bờ biển 192km, dọc theo bờ biển là nhiều khu dân cư đông đúc, nhiều đô thị, khu du lịch, cảng cá, bến neo đậu tàu thuyền sầm uất đang phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, tình trạng biển xâm thực gây sạt lở xảy ra quy mô ngày càng lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân ven biển.

Người dân xã Tiến Thành, TP Phan Thiết nhiều năm gồng mình chống biển xâm thực, hàng chục ngôi nhà bị sóng biển cuốn trôi
Người dân xã Tiến Thành, TP Phan Thiết nhiều năm gồng mình chống biển xâm thực, hàng chục ngôi nhà bị sóng biển cuốn trôi

Ngày càng bất thường
Thống kê cho thấy, hiện tại, toàn tỉnh Bình Thuận đã bị sạt lở bờ biển hơn 22km, có nơi ăn sâu vào bờ biển hàng trăm mét, khiến hàng trăm hộ dân ven biển bắt buộc di dời. Chỉ tính riêng từ năm 2015 đến nay, địa phương đã có hơn 400 hộ bị di dời do sạt lở bờ sông, bờ biển. Nhiều cơ sở hạ tầng khu du lịch, resort, khu nuôi trồng thủy sản bị mất đất do bị sóng cuốn trôi.
Khảo sát tại một số vùng của tỉnh Bình Thuận có thể thấy mức độ tàn phá nghiêm trọng do tình trạng biển xâm thực. Huyện Tuy Phong từ năm 2014 đến nay, tình trạng sạt lở xảy ra tại 7 xã, thị trấn với chiều dài hơn 13.000m, gây sập hoàn toàn 35 căn nhà, hàng trăm căn nhà khác đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó, tại thị trấn Liên Hương, bờ biển bị xói lở kéo dài khoảng 1.000m, ăn sâu vào đất liền 20 – 50m.  
Còn tại TP Phan Thiết, nơi tập trung nhiều điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước, hiện có 2 vị trí sạt lở nghiêm trọng, gồm phường Hàm Tiến và Phú Hài, bờ biển bị xói lở dài khoảng 3,5km, mỗi năm biển lấn thêm 2 – 3m; khu vực khu phố 5, phường Đức Long và đoạn nối tiếp với vùng bờ thôn Tiến Đức, Tiến Bình, xã Tiến Thành bị xâm thực hơn 2.000m, hàng chục căn nhà đã bị “biển nuốt chửng”.
Đặc biệt, vào cuối tháng 4-2020, do ảnh hưởng của gió mạnh, sóng lớn đã gây sạt lở nghiêm trọng 1.300m bờ biển xã Tiến Thành. Đoạn sạt lở nghiêm trọng có chiều dài gần 300m, sâu vào đất liền 20 – 25m, làm mất hơn 2ha diện tích đất ven biển, một số nhà dân bị sụp đổ hoàn toàn và không ít nhà đang bị uy hiếp. Nhiều nơi khả năng bị phá hủy hoàn toàn trong tương lai nếu không có biện pháp gia cố, bảo vệ bờ.
Ghi nhận tại khu phố 1, phường Hàm Tiến, nơi được mệnh danh là “thủ đô resort” của Việt Nam, chiều dài bờ biển bị sạt lở hiện khoảng 1.000m, biển xâm thực sâu vào đất liền khoảng 5 – 15m, nhiều đoạn có kè biển bị đứt gãy, gây thiệt hại nặng về tài sản của các nhà nghỉ ven biển, nguy hiểm đến tính mạng du khách và người dân trong khu vực.
Trong khi đó, tại thị xã La Gi, những năm qua, tuyến bờ biển phường Phước Lộc, xã Tân Tiến đã bị sạt lở hơn 2.200m, có đoạn ăn sâu vào đất liền tới 200m. Trong năm 2016, tại xã Tân Phước (thị xã La Gi), triều cường đã khiến hơn 12ha đất ven biển và hơn 2ha diện tích rừng phòng hộ bị biển “ngoạm”. 
Thiếu vốn xây kè chống lở
Theo Đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp khoa học công nghệ nhằm ổn định các cửa sông và vùng bờ biển tỉnh Bình Thuận”, bước đầu xác định, trong những năm gần đây do sự tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, hiện tượng triều cường, bão lũ với cường độ ngày càng gia tăng đã gây ra tình trạng xâm thực sạt lở bờ biển trên địa bàn toàn tỉnh quy mô ngày càng lớn và bất thường. Bên cạnh đó, do hình thái bờ biển Bình Thuận trực tiếp đón sóng mùa gió Đông Bắc và cấu tạo địa chất ven biển Bình Thuận bở rời, được cấu tạo từ cát cũng góp phần làm cho bờ biển bị xói lở.
Cùng với đó, trong những năm qua, việc xây dựng các cơ sở hạ tầng như cảng Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân, đê ngăn cát, giảm sóng, kè mỏ hàn… ở một số khu vực trong tỉnh đã làm chế độ thủy động lực, hình thái đường bờ, bãi biển, sự cản trở dòng vận chuyển ven bờ thay đổi. “Thực tế tình trạng bờ biển bị xói lở đã xảy ra ở một số công trình trên địa bàn sau khi các công trình chỉnh trị cửa sông được xây dựng. Các công trình trên đã chặn dòng bùn, cát dọc bờ, làm thay đổi phân bố năng lượng của trường sóng tới, do vậy, hình thành quá trình xói lở, bồi tụ mới”, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Phước lý giải.
Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã xây dựng kiên cố hơn 20km kè bảo vệ bờ biển và khoảng 10.000m kè tạm. Tuy nhiên, theo Dự án Quy hoạch công trình chống xói lở tỉnh Bình Thuận được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt, tổng chiều dài kè bảo vệ bờ của toàn tỉnh phải làm khoảng 117km, tổng kinh phí quy hoạch hơn 3.500 tỷ đồng thì những việc đã triển khai còn rất chậm.
“Nguyên nhân là do thiếu nguồn vốn nên việc triển khai thực hiện các dự án chống biển xâm thực tại địa phương còn rất hạn chế. Do vậy, để đảm bảo ổn định bờ biển, địa phương cần tiếp tục xin hỗ trợ nguồn vốn trung ương đầu tư xây dựng 7 dự án kè biển đang triển khai thực hiện; một số vị trí còn lại bị xâm thực cần phải sớm đầu tư xây dựng công trình để ứng phó với tình trạng xâm thực”, ông Nguyễn Hữu Phước cho biết.
NGUYỄN TIẾN (theo SGGP)

 

Bình luận (0)