Từ ngày 24 – 26/9, Lễ hội Katê năm 2011 sẽ diễn ra tại di tích tháp Chăm Pô Sah Inư Phan Thiết, Bình Thuận, với nhiều hoạt động lễ và hội mang đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc Chăm. Lễ hội Katê 2011 diễn ra với ý nghĩa giới thiệu và phát huy vốn quý văn hóa nghệ thuật truyền thống dân tộc Chăm, góp phần phục vụ ngày càng tốt hơn hoạt động phát triển du lịch của tỉnh.
|
Lễ hội Katê năm 2010 ( ảnh: N.L
|
Theo đó, sẽ có nhiều hoạt động giữa phần lễ và phần hội được gắn kết một cách hợp lý tạo ra điểm nhấn làm nổi bật lễ hội như: nghi thức rước trang phục nữ Thần Pô Sah Inư, lễ mở cửa Tháp, lễ tắm bệ thờ Linga – Yoni; biểu diễn nhạc cụ dân tộc Chăm (trống Paranưng, trống Ghinăng, kèn Saranai); hội thi tay nghề truyền thống: dệt thổ cẩm, gốm truyền thống, ẩm thực, dựng trại… bằng phương pháp thủ công và các trò chơi dân gian, mang đậm sắc thái truyền thống dân tộc Chăm.
Cụ thể, chương trình lễ hội do các chức sắc tôn giáo người Chăm huyện Hàm Thuận Bắc trực tiếp điều hành theo đúng nghi thức nguyên gốc và phong tục tập quán truyền thống vốn có của cộng đồng người Chăm.
Vào ngày 25/9 (nhằm ngày 30/06 Chăm lịch) các chức sắc tôn giáo và đồng bào Chăm ở các xã Hàm Phú, Hàm Trí và thị trấn Ma Lâm thực hiện nghi thức thỉnh rước kiệu và trang phục của nữ Thần Pô Sah Inư với đoàn lễ gồm các chức sắc tôn giáo, đội múa và đội nhạc cụ dân gian Chăm nghinh, thỉnh rước kiệu trang phục nữ thần Pô Sah Inư. Bên cạnh phần lễ, còn có các hội thi gói các loại bánh theo tập tục dân gian như: bánh tét, bánh gang tay, bánh gừng để chuẩn bị cho nghi lễ cúng tế các vị Thần.
Ngày 26/9 (nhằm ngày 1/7 Chăm lịch) diễn ra nghi lễ chào mừng lễ hội Katê với sự tham gia của các đại biểu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, du khách tham quan du lịch và người dân địa phương. Sau nghi lễ chào mừng, các chức sắc tôn giáo người Chăm hướng dẫn thực hiện nghi thức nginh, thỉnh và rước trang phục nữ Thần Pô Sah Inư từ sân lên Tháp chính. Các chức sắc tôn giáo thực hiện nghi lễ mở cửa tháp, lễ tắm bệ thờ Linga-Yoni, lễ mặc y phục và đại lễ trước tháp chính (tháp A) của nhóm đền tháp Pô Sah Inư.
Ngoài ra, Lễ hội còn có giao lưu văn nghệ dân gian giữa các xã Hàm Phú, Hàm Trí và thị trấn Ma Lâm. Đoàn nghệ thuật dân tộc Chăm (Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh) biểu diễn chương trình ca múa nhạc dân gian phục vụ đại biểu, khách tham quan, du lịch và công chúng địa phương.
Theo Hồng Ngọc
(Chinhphu)
Bình luận (0)