Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bình Thuận: Nhà trường nên đưa đón học sinh đến trường

Tạp Chí Giáo Dục

Với đặc thù địa hình có một phần lớn địa phận hành chính nằm dọc theo quốc lộ 1A nên có thể nói huyện Hàm Thuận Nam là một trong những huyện có nhiều trường TH, THCS nằm dọc quốc lộ 1A nhất tỉnh Bình Thuận. Điển hình như trường TH Hàm Minh, TH Hàm Minh 2, TH Hàm Cường, TH Hàm Cường 2… Tuy nhiên, điều làm chúng tôi lo lắng nhiều nhất khi có dịp đi công tác qua những ngôi trường này chính là tình hình an toàn giao thông của học sinh khi đến trường cũng như về nhà, đặc biệt là với những em học sinh tiểu học.
Có mặt tại các điểm trường trên vào đầu giờ chiều buổi học, cũng như lúc các em học sinh ra về, chúng tôi không khỏi giật mình, lo ngại khi thấy hàng tốp các em học sinh nhỏ không người lớn dẫn đường “vô tư” cùng nhau băng qua quốc lộ 1A với nườm nượp xe qua lại. Đó là chưa kể các em còn đùa giỡn, nô đùa với nhau, thậm chí là rượt đuổi nhau ngay mép quốc lộ trên đường về nhìn vô cùng nguy hiểm. Trong khi đó tuyến đường trên theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng xe khách liên tỉnh, xe tải phóng nhanh vượt ẩu, lấn tuyến là chuyện thường xuyên xảy ra. Chỉ cần một sơ suất nhỏ, mất tay lái không kiểm soát được tốc độ (lấn tuyến) trong khi học sinh đang đi học đông thì tai nạn xảy ra là điều có thể thấy trước được. Với đặc thù kinh tế của tỉnh còn tương đối khó khăn, đời sống người dân phần lớn vẫn chưa thật sự khá giả nên việc các em được cha mẹ đưa rước đi học tại các điểm trường trên là rất ít. Theo quan sát của chúng tôi có khoảng 60% các em (chỉ nói đến học sinh tiểu học) đều phải tự đi học (đi xe đạp, đi bộ), có em thậm chí phải đi bộ hàng chục km từ trường đến nhà. Do đó ngoài việc khiến các em mệt mỏi khi đến trường thì vấn đề tai nạn rình rập các em trên đường cũng là nguy cơ tiềm ẩn rất cao. Em Trần Phương Mai, học sinh Trường TH Hàm Cường 2 nói: “Nhà con cách trường 4km nên con phải tự lội bộ đi học, thường thì tụi con đi về chung một nhóm với nhau nên cũng không sợ lắm, mỗi khi qua đường về nhà nếu có người lớn thì tụi con nhờ họ dẫn qua, không thì đứng đợi hết xe thì chạy ù qua rồi về”. Trao đổi với anh Nguyễn Trọng Khang, phụ huynh của một học sinh Trường TH Hàm Minh 2, anh cho biết: “Từ trước giờ chưa nghe nhà trường thông báo gì về việc thực hiện việc đưa đón các em bằng phương tiện trung chuyển công cộng, chứ nếu nhà trường đề cập chúng tôi cũng sẽ cố gắng cho các cháu đi học bằng xe, vì nói thật để các cháu đi học như thế này cũng nguy hiểm lắm, nhà thì không có người, không đưa đón thì không yên tâm nên gia đình tôi vẫn phải luân phiên nhau để đưa rước cháu.. Tôi nghĩ nhà trường nên xúc tiến kế hoạch, tìm nguồn ngân sách, sự ủng hộ từ phía phụ huynh học sinh để có thể tổ chức đưa đón các cháu nhà xa đi học, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra”.
Trước những gì ghi nhận được, cũng như ý kiến mong mỏi từ phía phụ huynh, chúng tôi thiết nghĩ những trường TH, THCS có địa phận tiếp giáp với quốc lộ 1A ở Hàm Thuận Nam nên đề xuất, cũng như thiết lập kế hoạch đưa đón các em học bằng xe buýt. Một là tránh rủi ro và những tai nạn đáng tiếc cho các em trên đường đi học, hai là giúp đỡ các em trong việc đến trường được thuận lợi hơn. Đừng để đến khi những tai nạn đáng tiếc xảy ra rồi mới ngồi tìm giải pháp, lúc đó e rằng đã muộn.
Anh Nguyễn (Theo GD&TĐ)

Bình luận (0)