Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Bình Thuận: sẽ khai thác dịch vụ tàu biển du lịch

Tạp Chí Giáo Dục

Với bờ biển dài 192km cùng nhiều vũng, vịnh, đảo…tỉnh Bình Thuận có tiềm năng phát triển đa dạng các loại hình du lịch đường biển. Tuy nhiên trong nhiều năm qua, lượng du khách đến với Bình Thuận bằng đường biển chỉ là con số không, mà chủ yếu là đến bằng đường bộ.

Từ khi ngành du lịch phát triển đến nay, Bình Thuận chỉ chú trọng đón khách bằng đường bộ, nên các phương tiện vận chuyển du khách đến bằng đường biển hầu như không có. Những hạn chế này được bộc lộ khi lần đầu tiên thành phố Phan Thiết đón tàu Orion 2 đưa 200 khách quốc tế đến tham quan, du lịch vùng biển Mũi Né, Phan Thiết vào đầu tháng 11.2011.

Du khách trên tàu được canô đưa vào bờ.

Do Bình Thuận chưa có cảng chuyên dụng phục vụ vận chuyển khách du lịch, nên khi đến Phan Thiết, tàu Orion 2 phải neo cách bờ biển hơn hai hải lý và tàu phải dùng canô mang theo để đưa du khách vào tham quan Phan Thiết. Tuy hạ tầng phục vụ du lịch bằng đường biển còn hạn chế, nhưng Phan Thiết đã để lại nhiều ấn tượng đẹp về cảnh quan, con người đối với đoàn, mở ra cơ hội cho địa phương phát triển loại hình du lịch cao cấp và rất được ưa chuộng hiện nay trên thế giới. Theo đại diện đơn vị phối hợp tổ chức đón tiếp là công ty liên doanh dịch vụ du lịch dầu khí OSC, sắp tới, sẽ có thêm nhiều chuyến du lịch tàu biển đến tham quan Phan Thiết. Tuy nhiên, tỉnh Bình Thuận nên sớm đầu tư hạ tầng đường biển như: cảng, tàu…
Nắm bắt được triển vọng mới để phát triển du lịch đường biển Bình Thuận, nhiều doanh nghiệp, công ty dịch vụ du lịch đã trình UBND tỉnh xin đầu tư phương tiện phục vụ loại hình du lịch đường biển và đã được tỉnh chấp thuận. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ xúc tiến nhập khẩu nguyên chiếc các phương tiện thuỷ gồm: du thuyền có sức chứa từ 70 – 80 người, canô cao tốc có sức chở từ 5 – 11 hành khách, mô tô trượt nước…
Theo ông Nguyễn Hoàng Đạo, chủ tịch hội đồng thành viên công ty TNHH giải trí biển Thái Bình Dương, mục tiêu loại hình dịch vụ này sẽ hướng đến thị trường khách du lịch quốc tế. Trước mắt, do lượng khách chưa ổn định, doanh nghiệp sẽ lựa chọn hình thức dịch vụ vận chuyển khách tham quan du lịch không theo tuyến cố định, mà thực hiện theo hợp đồng. Trong đó, hoạt động du lịch trên biển sẽ gồm nhiều dịch vụ như thưởng ngoạn, câu cá giải trí, tham quan các điểm du lịch ven biển của tỉnh. Với dự án này, về lâu dài, công ty TNHH giải trí biển Thái Bình Dương còn triển khai thêm các loại hình gồm: tàu lưu trú du lịch, vận chuyển du lịch theo tuyến cố định, tàu thuyền ca múa nhạc phục vụ khách du lịch, tàu nhà hàng nổi…

Bài và ảnh: Nguyễn Văn

Theo SGTT
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)