Cha mẹ phải luôn bên cạnh chia sẻ, giúp đỡ con. Ảnh: T.B |
Thi rớt ĐH là một trong những trải nghiệm thật buồn và thật khó khăn để vượt qua, nhất là đối với các bạn trẻ vừa mới rời ghế nhà trường và không biết nên tiếp tục con đường phía trước như thế nào. Một số bạn quá buồn bã, thất vọng, thậm chí là căng thẳng tinh thần và rơi vào trạng thái stress.
Với mỗi người khác nhau sẽ có những nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên có thể kể đến một số nguyên nhân như sau: Những kỳ vọng của gia đình quá lớn. Vì vậy, các em sợ cha mẹ la rầy, quở trách, coi như một nỗi “nhục nhã” của gia đình và sợ cả những người bạn của cha mẹ, họ hàng hỏi thăm… Ngoài ra, ảnh hưởng của bạn bè đối với lứa tuổi teen rất lớn và dĩ nhiên nỗi sợ bị bạn bè coi thường, bị bỏ rơi là không tránh khỏi. Rất nhiều sinh viên sau khi thi đậu ĐH lần 2 chia sẻ rằng: “Trong năm ôn thi ĐH lại ấy, em đã “nhấn nút biến mất” và không muốn gặp ai, kể cả bạn thân, em xấu hổ lắm!”. Bên cạnh đó, có thể xuất phát từ bản thân khi các em thấy “tội lỗi” như mình đã làm một điều gì đó “kinh khủng”, ngay cả chính các em cũng kỳ vọng vào mình quá lớn và khi rớt ĐH, dường như cả trái đất đang sụp đổ, không còn lối thoát nào nữa. Điều này xuất phát từ tâm lý còn non nớt của các em và thổi phồng sự việc lên trên mức cần thiết, các em luôn tự dằn vặt “Mình là một kẻ thất bại thảm hại!”.
Không ai có thể bình tĩnh khi thi rớt ĐH được, nếu như người ta không thi “thật”, chỉ thi cho có. Thử thách này một khi đã vượt qua, các bạn sẽ thấy mình già dặn và có thể đối mặt với nhiều khó khăn sắp đến trong cuộc sống… Phụ huynh và các em phải tìm hiểu chính xác nguyên nhân thất bại thì chúng ta mới có thể tự mình “gỡ ra” được.
Với bản thân các bạn trẻ, buồn thì biết là buồn rồi, nhưng hãy bình tâm lại, xem mình đã gặp vấn đề ở đâu, nguyên nhân nào thi rớt. Chẳng hạn, chọn ngành quá cao so với khả năng của mình, học chưa đúng cách, ôn chưa đúng trọng tâm, tâm lý lúc làm bài… Từ việc phân tích đó, chúng ta hãy rút kinh nghiệm để biết được tiếp theo phải làm những gì. Hãy xem đó là thất bại tạm thời và người mạnh mẽ phải biết vươn tới thành công phía trước. Còn đối với các bậc phụ huynh thì con trẻ đã buồn khổ rồi, hơn ai hết, lúc này cha mẹ, người thân phải là những người luôn ở bên cạnh chia sẻ, giúp đỡ các em bước tiếp con đường phía trước như thế nào. Chì chiết, khinh miệt, chê bai, quở trách… giờ đây không có ích gì, nếu không muốn nói là vô tình dẫn các bạn trẻ đến những điều đáng tiếc hơn: Bỏ bê việc học, chơi bời “cuốn theo chiều gió”, tụ tập bạn bè xấu, thậm chí là tự tử… Với các trường hợp nặng hơn, như rơi vào trầm cảm, stress thì cần phải được tư vấn, giúp đỡ về tâm lý…
ThS. Nguyễn Thị Như Quỳnh
(Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
(Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
“Thua keo này bày keo khác”
Đối với các bậc phụ huynh, ai cũng buồn khi con mình thất bại. Tôi là một người mẹ và cũng từng có con thi rớt ĐH, cũng buồn rất nhiều. Nhưng tôi phải kìm nén, không bộc lộ cảm xúc của mình để con thấy bởi thực ra con tôi cũng rất đau khổ, nếu thấy bố mẹ buồn cháu sẽ dằn vặt hơn. Ngay khi vừa biết kết quả thi, cháu không giữ được bình tĩnh nên đã khóc rất nhiều. Tôi ngồi nhìn cháu khóc, khi cháu đã thấm mệt, tôi chỉ nói với cháu vài lời không mang tính chất an ủi (nếu an ủi cháu sẽ cảm thấy tủi thân hơn) mà cho con biết còn rất nhiều con đường khác để có thể lựa chọn và bố mẹ rất tin vào khả năng của con. Nếu con muốn tiếp tục học ĐH thì hãy ôn thi lại, “thua keo này ta bày keo khác”, bố mẹ luôn luôn ủng hộ con… Con tôi dần dần bình tĩnh trở lại. Mấy ngày sau, tôi tạo điều kiện cho cháu đi chơi, ra khỏi môi trường ồn ào của thành phố để tìm cái cảm giác dịu êm của miền quê. Khi trở về, dường như cháu đã bình tâm hoàn toàn và quyết tâm tạo dựng tương lai cho mình bằng một con đường khác. Con đường mà con tôi lựa chọn không trải đầy hoa hồng đối với một đứa con gái chân yếu tay mềm, nhưng tôi biết chắc chắn cháu sẽ thành công vì cháu có bàn tay khéo léo, có sự chịu khó và có đủ bản lĩnh để bước qua mọi khó khăn.
Chị Nguyễn Thị Thu (quận Thủ Đức)
|
Bình luận (0)