Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Bình yên Côn Đảo

Tạp Chí Giáo Dục

Khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất, chỉ sau hơn nửa giờ bay, từ trên cao nhìn xuống chúng tôi đã thấy Côn Đảo hiện ra với ngút ngàn xanh thẳm, màu xanh của nước biển và xanh của rừng nguyên sinh. Sau khi lượn nửa vòng quanh đảo lớn Côn Lôn, máy bay đáp xuống sân bay Côn Sơn.
Từ sân bay về thị trấn qua đoạn đường khoảng chừng mười hai cây số, bên trái là biển xanh bát ngát và bên phải là rừng nguyên sinh trùng điệp. Xe không có máy lạnh nên bác tài bảo chúng tôi hạ kính cửa để đón gió trời. Cảm giác khó chịu và e dè vì cái nóng lúc vừa xuống sân bay được xua tan ngay lập tức, gió thổi lồng lộng, không khí trong lành mát rượi mặc dù lúc này đang là giữa trưa nắng gắt.
Một góc đảo Côn Lôn, huyện Côn Đảo.
Đường vắng, xe bon bon độc hành, cứ tới mỗi khúc cua, mọi người lại cùng òa lên đầy hứng khởi khi được chiêm ngưỡng những vẻ đẹp mới mẻ.
Này là hòn Trứng nơi chim kéo về làm tổ, kia là hòn Tre và hòn Cau nơi đã từng lưu đày tù chính trị, xa xa là hòn Bông lan vì có hình giống y cái bánh, và bốn đảo hòn Tài lớn, Hòn Tài nhỏ, Hòn Trác lớn, hòn Trác nhỏ tạo thành dải liên tiếp che chắn gió bão cho hòn chính Côn Lôn.
Ngày đầu tiên, chúng tôi dành thời gian đi thăm các khu di tích lịch sử. Cả đoàn thuê một xe du lịch của khách sạn tới thăm bảo tàng Côn Đảo, sau đó thăm khu di tích chuồng cọp thời Pháp và Mỹ.
Từng nghe nhiều, nhưng tới đây, tận mắt chứng kiến, chúng tôi mới hiểu thế nào là địa ngục trần gian, mới cảm nhận được sức mạnh kiên cường của các thế hệ tiền bối, những cựu tù Côn Đảo năm xưa.
Bãi Đầm Trầu.
Sau đó, chúng tôi tới nghĩa trang Hàng Dương viếng mộ các liệt sỹ và nữ anh hùng Võ Thị Sáu mà theo lời chị hướng dẫn viên, người dân ở đây thường gọi trang trọng là Cô Sáu hay Bà Sáu. Trước mỗi lần đi biển, họ thường tới đây thắp hương để cầu mong cho chuyến đi biển bình an, may mắn.
Hôm sau, do biển động, dự định đi tàu sang các đảo nhỏ đành phải gác lại, chúng tôi quyết định khám phá rừng và biển quanh đảo lớn. Chương trình buổi sáng sẽ là đi tắm biển ở bãi Đầm Trầu.
Anh Minh, lái xe của khách sạn, hôm nay đã khá thân thiết, trở thành hướng dẫn viên nhiệt tình cho chúng tôi. Xe ngược lại con đường độc đạo về phía sân bay chứng hai mươi phút thì tới nơi thờ hoàng tử Cải (con của Nguyễn Ánh và bà phi Yến). Cả nhóm xuống xe vào thắp hương rồi tiếp tục hành trình.
Băng qua con đường mòn khoảng hai trăm mét, ọi người cùng hào hứng reo lên khi nhìn thấy trước mắt là biển xanh bao la với bãi cát mịn màng, tuyệt đẹp. Bên trên là rừng dương với lớp lá khô êm ái. Cảnh trí hoang sơ đầy gợi cảm. Ở đây có những phiến đá tự nhiên khá bằng phẳng, bạn có thể nằm trên đó và tận hưởng cảm giác được vỗ về bởi sóng biển rì rào… Một người trong nhóm thốt lên: Cũng may là người ta chưa xây dựng thứ gì, kiểu như nhà hàng, quán trọ nào ở đây!
Buổi chiều, chúng tôi vào khu vườn ông Đụng (thuộc quần thể vườn quốc gia Côn Đảo). Xe băng qua cầu Ma Thiên Lãnh (gọi là cầu nhưng thực ra chỉ có hai mố cầu đứng sừng sững ghi dấu ấn của khoảng ba trăm năm sáu người tù đã nằm xuống trong quá trình xây dựng), tới một con đường dốc thì cả nhóm xuống xe tiếp tục… cuốc bộ.
Quãng đường rừng khá dốc và hiểm trở, cũng may trời khô ráo nên đường không trơn. Cứ đi được một đoạn, lại có một trạm nghỉ, nơi đó đặt những tấm bảng ghi những câu chuyện nho nhỏ, hữu ích như chuyện về loài kiến chăm chỉ, về loài ong cần mẫn, về những chú mối – kiến trúc sư xây nhà thiện nghệ, về cảm nhận âm thanh của rừng xanh…
Đường rừng âm u, ve kêu và sóc nhảy hai bên. Cảm giác thấm mệt vừa tới cũng là lúc biển phía trước hiện ra. Anh cán bộ kiểm lâm nơi này thật vui tính và hiếu khách tiếp đón chúng tôi và không quên giới thiệu về lớp động thực vật bảo tồn nơi này. Theo lời anh, hiện nay trên khắp vùng biển nước ta, chỉ có tại biển Côn Đảo mới có loài Dugong (bò biển), đây cũng là loại động vật quý hiếm thuộc danh sách cần bảo tồn trên thế giới.
Đến Côn Đảo, tôi thực sự có ấn tượng đặc biết với con đường Tôn Đức Thắng chạy ven biển dọc thị trấn với một bên là hàng kè và bên kia là hàng bàng cổ thụ. Cây bàng ở đây không giống như trong đất liền, những gốc cây sần sù cổ quái, đặc biệt cây không cao và tán không xòe rộng mà sum suê như cây đa. Hạt bàng cũng là đặc sản mang về làm quà của mỗi du khách.

Chúng tôi may mắn tới đây vào đúng dịp trăng tròn. Sau một ngày rong chơi khá mệt, đêm xuống, chúng tôi cùng ngồi quây quần bên bờ kè đón gió biển, nghe tiếng sóng xô bờ, hít thở không khí trong lành, ngắm trăng sao, lòng chợt bình yên, nhẹ nhõm…

Theo TBKTSG

Bình luận (0)