Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Bình yên Quan Sơn

Tạp Chí Giáo Dục

Không ồn ào, vội vã. Không đắt đỏ, xa xỉ. Hà Nội thật hiếm có nơi bình yên và thơ mộng như danh thắng hồ Quan Sơn (Mỹ Đức), được mệnh danh là “vịnh Hạ Long trên cạn” của đất Hà thành.

Tôi thích thú và tò mò muốn khám phá Quan Sơn qua lời giới thiệu của một người bạn. Vào một buổi sáng cuối Thu, theo quốc lộ 21B hướng đi chùa Hương, chúng tôi rời nội thành để tới Quan Sơn.

Khung cảnh đậm chất nông thôn trên đường về Quan Sơn

Khung cảnh đậm chất nông thôn dần hiện ra: đồng lúa thẳng cánh cò bay, những chú bò mải mê gặm cỏ ven đường, những chiếc xe đạp phóng nhanh trên đường làng.

Gần 8 giờ sáng thì đoàn chúng tôi tới nơi. Mặt trời lên bằng con sào, xua tan mây mù và sương sớm, để lộ một khoảng trời xanh ngắt. Trước mặt chúng tôi là hồ Quan Sơn với gần 100 núi đá vôi soi mình dưới làn nước trong vắt, trông như những hòn đảo nhỏ.
Chưa thuê thuyền vội, chúng tôi cuốc bộ ra cầu Đông để thăm thú một vòng hồ. Thật lạ lẫm khi dòng nước trong vắt từ mặt hồ tràn qua đường 76 hướng đi Hòa Bình và chúng tôi được dịp thảnh thơi ngắm làn nước bắn tung tóe như dải lụa bay mỗi khi ô tô hay xe máy chạy qua.
Khoảnh khắc bất chợt đủ để tôi thu vào ống kính máy ảnh những chiếc cầu vồng nhỏ xinh được tạo nên bởi sự tán sắc của ánh mặt trời khúc xạ qua hàng tỷ giọt nước.
Mặt trời lên cao, đổ xuống mặt hồ những vạt nắng vàng rực rỡ, ấm áp. Chúng tôi thong thả bước vào bến đò Giang Nội để bắt đầu hành trình khám phá. Dọc đường đi, chị lái đò hướng dẫn chúng tôi cặn kẽ từng địa điểm tham quan: núi Trâu Trắng, đảo Sư Tử, núi Quai Chèo, đồi Voi Phục… ứng với những ngọn núi ngút ngàn cỏ cây.

Trên con đò bồng bềnh giữa sóng nước mênh mang, chúng tôi thấy như đang lênh đênh trên một vịnh Hạ Long thu nhỏ. Con đò chậm rãi lướt nhẹ, đi qua làn nước trong vắt thì bỗng lạc vào một rừng hoa trang trắng muốt. Hoa trang là loài hoa đặc biệt chỉ có ở Quan Sơn, bé nhỏ, thanh khiết và kết thành vạn đóa, nở trắng cả mặt hồ, tạo nên khung cảnh nên thơ.

Hết hoa trang lại đến đầm hoa sen, hàng nghìn lá sen xanh sậm, căng tròn nổi trên mặt hồ lấp lánh vô số hạt nước trông như hạt ngọc. Nắng vàng, bầu trời, mặt nước và lá sen cùng điểm xuyết một màu xanh, tô điểm cho bức tranh non nước Quan Sơn, làm nó càng thêm lung linh, huyền ảo, chẳng khác chốn bồng lai tiên cảnh.
Đích đến của chúng tôi là Hoa Quả Sơn, cái tên làm liên tưởng đến bộ phim Tây Du Ký nổi tiếng. Nơi đây hội tụ nhiều loại cây ăn trái như: khế, cam, sung, nhãn, chuối, mít, na…, và người cai quản là gia đình anh Dương Minh Chính, đã vỡ đất khai hoang, vun trồng từ năm 1960 đến nay.
Ở Hoa Quả Sơn có những khu ruộng nẻ toác, nhưng khi đặt chân lên thì có cảm giác như đang đi trên tấm nệm êm. Chính bởi không để ý nên chúng tôi đã bị “sa lầy”, đất cứ thế lún dần, và anh Chính phải trợ giúp. Đây cũng chính là điều làm nên sự khác biệt của Hoa Quả Sơn so với những núi đảo khác trong hồ, anh Chính cho biết.

Người dân với kế sinh nhai trên mặt hồ

Cái nắng hanh hao của trời Thu làm chúng tôi tiếc nuối vì không được thưởng thức hai món đặc sản chỉ có ở Quan Sơn, đó là gỏi cá cúc tần và mắm tôm đồng riu. Cá ở đây được “quảng cáo” là bắt từ dưới lòng hồ, tươi và chắc thịt.

Gỏi cá ăn kèm với những loại lá cây trên núi Quan Sơn như: dền chua, cúc tần, mùi tàu, lá mơ, sung, gừng…, có tác dụng bồi bổ sức khỏe. Thật tiếc là những món ấy chỉ mùa Đông mới có (tháng Mười một trở đi) vì là mùa sinh sản của cá và tôm đồng ở Quan Sơn.
Nhưng có lẽ, được du ngoạn một vòng hồ, thỏa thích ngắm trời xanh, mây trắng cũng đủ khiến chúng tôi dù chỉ đến một lần sẽ nhớ mãi Quan Sơn. 
TIẾN THÀNH / DNSG


Bình luận (0)