Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bịt lỗ hổng quản lý, điều hành vận tải

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Nhiều lỗ hổng trong quản lý, điều hành vận tải hành khách đã được chỉ ra từ rất lâu, nhưng sau những đợt kiểm tra đột xuất lẫn định kỳ, tình trạng “bát nháo”, vi phạm vẫn tái diễn, tồn tại một cách tinh vi hơn. Một bất cập có lẽ cũng đã có “vài chục năm tuổi” là tình trạng xe dù, bến cóc hoạt động bát nháo gây mất trật tự an toàn giao thông và văn minh đô thị, mà xử lý mãi vẫn… như cũ.
Đối với hoạt động chở khách liên tỉnh, trong khi xe chở khách liên tỉnh tuyến cố định phải đưa, đón khách tại các bến xe thì xe chở khách liên tỉnh theo dạng hợp đồng du lịch có thể đón khách ở nơi khách yêu cầu hoặc hai bên cùng thỏa thuận. Bến xe khách liên tỉnh thường nằm ở khu vực ngoại ô, hành khách không mấy mặn mà. Nắm bắt tâm lý đó ở không ít khách hàng, nhiều hãng xe khách liên tỉnh đã mở điểm đón khách trong nội đô và ngụy tạo các tấm vé bán cho khách bằng hợp đồng vận chuyển du lịch.
Tại TPHCM, trung bình mỗi ngày có gần 200.000 lượt hành khách (không kể ngày lễ, tết) đến và đi ở các bến xe liên tỉnh. Nếu tất cả hãng xe đều áp dụng chiêu thức trá hình nói trên, hành khách đều được đón, đưa ở khu vực nội thành, thì giao thông thành phố sẽ ra sao?
Chiêu thức trá hình đó chẳng có gì quá khó để phát hiện. Cứ đóng vai hành khách, tới các điểm đón khách là được nhân viên nhà xe “tư vấn” làm hợp đồng ngay. Chưa kể, cũng có một cách khác để phát hiện: xe hợp đồng du lịch vận chuyển hành khách theo hợp đồng sẽ đi theo lộ trình của hành khách, không lặp đi lặp lại một lộ trình như xe tuyến cố định. Kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trên xe là ra ngay. Giải pháp đơn giản, cũng chẳng tốn kém…
Điều 65 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, tài xế không được lái xe liên tục 4 giờ và không được lái quá 10 giờ/ ngày. Người quản lý đơn vị vận tải và tài xế có trách nhiệm thực hiện nghiêm quy định này. Luật rất rõ ràng nhưng nhiều đơn vị vận tải, mới đây nhất là trường hợp của Công ty TNHH Thành Bưởi, đã không chấp hành nghiêm.
Thông báo của Sở GTVT TPHCM khi kiểm tra Công ty TNHH Thành Bưởi đã chỉ rõ, đơn vị này có nhiều trường hợp lái xe vi phạm thời gian lái xe (quá 4 giờ) và vi phạm thời gian làm việc trong ngày (quá 10 giờ). Trong thời công nghệ thông tin “phủ” như hiện nay, chỉ cần xem lại camera giám sát hành trình gắn trên xe là có thể phát hiện ra những vi phạm này. Với tình trạng chạy quá tốc độ cũng vậy, các thiết bị kiểm tra tốc độ có thể phát hiện và hình ảnh (nếu muốn) có thể được đưa ngay về trung tâm xử lý dữ liệu.
Việc không khó, vậy tại sao các cơ quan chức năng có liên quan không thể làm đầy đủ, liên tục, thường xuyên thay vì mỗi khi có tai nạn giao thông thảm khốc mới cấp tốc kiểm tra, rà soát? Quyết định điều tra Công ty TNHH Thành Bưởi sau vụ tai nạn thảm khốc ở Đồng Nai là đúng, nhất là khi đơn vị này thường bị báo chí phát hiện cố tình lập nhiều điểm đón, trả khách không đúng quy định. Song, nếu trước đó cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm túc thì có lẽ đã phòng ngừa, hạn chế được nhiều tai nạn đau thương.
Những năm gần đây, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2023, số vụ tai nạn, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông đã giảm nhiều trên phạm vi toàn quốc với mức giảm khoảng 14% so với cùng kỳ 2022, thế nhưng so với nhiều nước trên thế giới, vẫn ở mức cao.
Do vậy, một đợt ra quân mạnh mẽ, quyết liệt “không có ngoại lệ” trong chấn chỉnh hành vi vi phạm giao thông đang được lực lượng công an triển khai trên toàn quốc, kỳ vọng sẽ góp phần lập lại trật tự vận tải.
Cùng đó, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét đến cùng trách nhiệm của cá nhân, đơn vị nào đã để các lỗ hổng trong quản lý, điều hành vận tải tồn tại trong một thời gian dài như vậy.
NGUYỄN KHOA (theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)