Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bỏ biên chế trong ngành giáo dục: Cần có lộ trình thích hợp

Tạp Chí Giáo Dục

Từ năm 1992, ngành giáo dục đã có chủ trương bỏ biên chế giáo viên, công chức thay bằng chế độ hợp đồng trong hệ thống trường công từ mầm non đến ĐH nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý nhưng chưa thực hiện. Mới đây, trong cuộc tiếp xúc cử tri tại tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đề cập lại vấn đề này, theo đó sẽ thí điểm chuyển từ biên chế sang hợp đồng với giáo viên.

Theo TS. Huỳnh Công Minh, nếu chưa chuẩn bị đầy đủ thì không nên triển khai bỏ biên chế vì sẽ ảnh hưởng đến đời sống và công tác của người giáo viên. Trong ảnh: Một tiết học tiếng Anh tại Trường TH Nguyễn Thanh Tuyền, Q.3. Ảnh: N.Trinh

Nhằm làm rõ hơn vấn đề trên, Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS. Huỳnh Công Minh (nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện là Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Trường THCS, THPT Quang Trung – Nguyễn Huệ, TP.HCM).

PV: Theo ông, việc chuyển từ biên chế sang hợp đồng có phải là cách để tự chủ giáo dục không? Điều này có phù hợp với xu hướng chung về quản lý giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới?

TS. Huỳnh Công Minh: Biên chế hay hợp đồng là hai chế độ tổ chức gắn liền với chính sách của người lao động. Trong thời gian qua, qua quá trình đổi mới cơ chế xã hội từ hành chính bao cấp sang cơ chế thị trường, những chế độ biên chế hay hợp đồng nói trên đã có những thay đổi. Ví dụ như biên chế ngày nay tùy thuộc vào nhu cầu công tác của cơ sở, không phải là biên chế vĩnh viễn và hợp đồng lao động ngày nay được thực hiện đầy đủ các chế độ giống như biên chế, có bảo hiểm xã hội, có chế độ nghỉ lớn tuổi, được luật pháp bảo vệ, khác với chế độ lao động hợp đồng ngắn hạn trước đây.

Thí điểm chuyển chế độ biên chế sang hợp đồng giáo viên của Bộ GD-ĐT là một ý tưởng mới, muốn góp phần tháo gỡ cơ chế tài chính đang rất khó khăn hiện nay. Đầu tư giáo dục của Nhà nước thì quá tải, thu nhập của giáo viên không đủ sống kéo dài. Vả lại cách quản lý hiện nay, chưa có tác dụng thúc đẩy tốt lao động của thầy cô giáo.

Nhưng mỗi loại chế độ biên chế hay hợp đồng đều gắn liền với một hệ thống chính sách vốn có, cần có sự chuẩn bị hoàn bị trước khi thực hiện về những dị biệt làm ảnh hưởng đến đời sống và quyền lợi của người lao động. Nếu chưa chuẩn bị đầy đủ thì không nên triển khai vì nó rất ảnh hưởng đến đời sống và công tác của người giáo viên, nhân vật trung tâm của nhà trường.

Sự đổi mới này phù hợp với chủ trương tự chủ các cơ sở sự nghiệp của Đảng và Nhà nước, và là phương thức quản lý giáo dục của nhiều nước trên thế giới.

Thưa ông, nếu thực sự như vậy thì sẽ có tác động gì với tâm lý giáo viên? Có phải sẽ tăng tỷ lệ giáo viên giỏi tâm huyết với nghề và cũng sẽ tăng tỷ lệ thất nghiệp hơn?

– Đây là vấn đề quan trọng mà các cấp quản lý giáo dục phải hết sức quan tâm vì tâm lý của giáo viên các trường công lập vốn đã rất ổn định về chế độ biên chế, chưa quen với chế độ hợp đồng. Chúng ta biết rằng theo cơ chế tổ chức trước đây thì biên chế là kết quả phấn đấu sau một thời gian hợp đồng! Nên cần phải chuẩn bị thật hoàn bị trước khi công bố, triển khai, giúp cho giáo viên an tâm trong quá trình chuyển đổi.

Không phải đổi mới cơ chế quản lý để có nhiều giáo viên tâm huyết hay làm cho nhiều giáo viên thất nghiệp mà vấn đề chúng ta mong muốn là tạo động lực lao động tốt hơn cho thầy cô giáo.

Lộ trình bỏ biên chế trong giáo dục nên thực hiện như thế nào để vừa đảm bảo quyền lợi cho giáo viên, vừa khuyến khích nâng cao chất lượng giáo dục cũng như nguồn thu nhập từ xã hội hóa. Muốn chủ trương có tính khả thi thì phải có lộ trình như thế nào, thưa ông? 

“Không phải đổi mới cơ chế quản lý để có nhiều giáo viên tâm huyết hay làm cho nhiều giáo viên thất nghiệp mà vấn đề chúng ta mong muốn là tạo động lực lao động tốt hơn cho thầy cô giáo”, TS. Huỳnh Công Minh nói.

– Chúng ta không muốn bỏ biên chế mà là chuyển chế độ biên chế sang hợp đồng thì đúng hơn vì nó phải đảm bảo các chế độ cơ bản của người lao động, chỉ bỏ những thủ tục hành chính nặng nề, bao cấp, làm trì trệ quá trình phát triển chung của nhà trường. Lộ trình chuyển đổi, theo tôi thì từ ý tưởng phải thí điểm để ghi nhận đầy đủ những vấn đề cần phải giải quyết và xây dựng hệ thống chế độ chính sách hoàn bị, đảm bảo quyền lợi lao động chân chính của thầy cô giáo trước khi công bố, tập huấn đầy đủ cho các cấp quản lý và giáo viên mới được triển khai thực hiện. Ở đó, xây dựng cơ chế hoạt động trong nhà trường đảm bảo sự công bằng dân chủ tạo niềm tin trong giáo viên là rất quan trọng. Ở Mỹ, bên cạnh hệ thống quản lý về giáo dục của Nhà nước, Hiệp hội Giáo chức là cơ quan đảm bảo mọi người giáo viên đạt chuẩn có quyền được dạy học và được pháp luật bảo vệ.

Nhiều người lo lắng nếu không còn biên chế trong giáo dục thì vai trò của hiệu trưởng sẽ quyết định tất cả, nhất là thiếu quyền dân chủ. Làm sao để tránh được sự lạm quyền của phía lãnh đạo đơn vị, tránh bè phái thiên vị trong cơ quan, thưa ông?

– Đây là một trong những việc phải quan tâm khi thực hiện chuyển đổi cơ chế tổ chức. Tất nhiên phải có quy định, có hành lang pháp lý để đảm bảo dân chủ, công bằng trong hệ thống tổ chức của nhà trường, ở đó mọi người từ cán bộ quản lý đến giáo viên đều có trách nhiệm thực thi theo pháp luật. Phải làm cho cán bộ quản lý và giáo viên có điều kiện để nhận thức sự chuyển đổi biên chế sang hợp đồng là sự chuyển đổi từ một cơ chế hành chính, bảo thủ sang một cơ chế linh hoạt và hiệu quả trên cơ sở tôn trọng người lao động, luôn động viên phát huy tài năng trí tuệ của mỗi người trong quá trình phục vụ, cống hiến.

Xin cảm ơn ông!

Phan Ngọc Quang (thực hiện)

 

Bình luận (0)