Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bộ cấy ốc tai điện tử giúp trẻ khiếm thính nghe nói

Tạp Chí Giáo Dục

Cấy ốc tai điện tử kết hợp với âm ngữ trị liệu trong khoảng 2 năm sẽ giúp trẻ khiếm thính (câm điếc) cải thiện khả năng nghe nói một cách đáng ngạc nhiên. Vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng 1 được Trung tâm Chăm sóc sức nghe HearLIFE-Medel Việt Nam trao tặng 2 bộ cấy ốc tai điện tử với tổng trị giá 900 triệu đồng, đem đến cơ hội cải thiện khiếm khuyết cho trẻ em kém may mắn.


Cấy ốc tai điện tử kết hợp với âm ngữ trị liệu sẽ giúp trẻ khiếm thính có thể nghe nói và học tập như các bạn cùng trang lứa

2 bộ cấy ốc tai điện tử sẽ “có chủ”

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Như (Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết, với hai bộ cấy ốc tai điện tử đã được HearLIFE-Medel trao tặng, sắp tới bệnh viện sẽ chọn hai bệnh nhi khiếm thính có đủ điều kiện để tặng lại cho các em. Công tác này sẽ được Phòng Công tác xã hội của bệnh viện xác minh và thông báo kết quả trong thời gian sắp tới. Sau đó bệnh viện sẽ tiến hành phẫu thuật cấy ghép bộ ốc tai điện tử cho các bệnh nhi được chọn.

Bác sĩ Như lưu ý, khiếm thính bẩm sinh là loại khiếm khuyết chiếm tỷ lệ cao nhất trong dị tật của trẻ sơ sinh, với tỷ lệ từ 1-3/1.000 trẻ sinh ra bình thường. Bên cạnh đó, còn có những trường hợp trẻ bị khiếm thính thứ phát. Trong đó, trẻ sơ sinh bị vàng da, nhẹ cân, viêm màng não… có nguy cơ bị khiếm thính cao gấp 10 lần so với trẻ bình thường. Theo số liệu thống kê, mỗi năm có khoảng 300-500 bệnh nhi khiếm thính đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Nhưng do chi phí của một bộ cấy ốc tai điện tử khá đắt đỏ, nên trong khoảng 10 năm qua bệnh viện ghi nhận chỉ có 40 bệnh nhi được phẫu thuật gắn thiết bị trợ thính này.

Nhằm góp phần khắc phục khiếm khuyết cho trẻ một cách hiệu quả, bác sĩ Như khuyến cáo việc tầm soát sớm là một trong những yếu tố hết sức quan trọng. Thời gian tốt nhất để tiến hành can thiệp cho trẻ trong khoảng từ 8-12 tháng tuổi, vì khi trẻ lên 2 tuổi đã đạt mức độ phát triển ngôn ngữ nhất định với vốn từ vựng phong phú như một “cuốn từ điển thu nhỏ”.

Cấy ốc tai điện tử kết hợp với âm ngữ trị liệu

Theo lý giải của bà Hà Thị Kim Yến (chuyên viên trị liệu và huấn luyện ngôn ngữ thuộc Trung tâm HearLIFE-Medel), trẻ khiếm thính phần lớn là bị điếc mức độ nặng, không thể tiếp nhận âm thanh của lời nói bên ngoài, nên muốn nghe được âm thanh của ngôn ngữ trẻ cần cấy ốc tai điện tử. Ốc tai điện tử là một hệ thống gồm các điện cực được cấy vào ốc tai, với thiết bị đeo ngoài cùng bộ cây dưới da, âm thanh sẽ được biến đổi thành tín hiệu xung điện trực tiếp đến thần kinh thính giác. Đây được xem là thiết bị trợ thính phù hợp có thể phục hồi thính giác bị tổn thương. Tuy nhiên, việc phẫu thuật cấy ốc tai điện tử thành công mới chỉ làm được phần phục hồi cho “tai” của trẻ. Để trẻ dùng phần “tai” lắng nghe và học nói thì cần một quá trình luyện nghe nói bằng phương pháp Thính giác – Lời nói. Đây là phương pháp dành riêng cho các trường hợp cấy ốc tai điện tử, chú trọng đến việc chẩn đoán, can thiệp sớm và hướng đến việc giúp trẻ học hòa nhập tại các trường bình thường.

Trẻ khiếm thính có cơ hội được cấy bộ ốc tai điện tử miễn phí

Theo thông tin từ Trung tâm Chăm sóc sức nghe HearLIFE-Medel Việt Nam, chương trình trao tặng 2 bộ cấy ốc tai điện tử tại Bệnh viện Nhi đồng 1 là hoạt động nằm trong chuỗi chương trình thiện nguyện trao tặng ốc tai của trung tâm, nhằm mang đến cho những bệnh nhân khiếm thính có hoàn cảnh khó khăn cơ hội được cấy ốc tai hoàn toàn miễn phí.

Chương trình bắt đầu nhận hồ sơ từ ngày 1-6-2017, tại Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Nhi đồng 1. Hồ sơ bao gồm các giấy tờ bệnh lý và giấy tờ chứng nhận hoàn cảnh khó khăn. Bệnh viện Nhi đồng 1 cùng HearLIFE-Medel sẽ xét chọn và trao tặng thiết bị trợ thính cho hai bệnh nhi đáp ứng các tiêu chí của chương trình. Kết quả sẽ được công bố vào cuối tháng 9-2017.

Theo thông tin từ các chuyên gia, trẻ khiếm thính do không nghe được nên không nói được, gây khó khăn cho em trong giao tiếp, học hành. Do đó, việc phẫu thuật cấy ốc tai điện tử, kết hợp với âm ngữ trị liệu trong khoảng thời gian phù hợp sẽ giúp cho trẻ có thể phát triển ngôn ngữ một cách hoàn toàn bình thường. Qua đó giúp trẻ có thể nghe nói, đọc viết và tham gia học tập ở trường như bao đứa trẻ bình thường khác. Tiêu biểu như trường hợp của các bé Bảo Ngọc, Gia Bảo và Kim Ngân, bị khiếm thính đã được cấy ốc tai điện tử từ năm 2013 tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Đến nay, các bé đều đã được 6 tuổi, có khả năng giao tiếp tốt, đã “tốt nghiệp” mầm non và chuẩn bị vào lớp 1 vào năm học tới. Là khách mời trong buổi lễ tiếp nhận 2 bộ cấy ốc tai điện tử tại Bệnh viện Nhi đồng 1 vừa qua, sau phần giao lưu với các bác sĩ và các tham dự viên, bé Bảo Ngọc đã hát tặng hội trường một cách rất lưu loát, trong khi bé Kim Ngân đọc thơ tặng mọi người và bé Gia Bảo biết cách nói năng rất lễ phép khi nhờ một phóng viên hướng dẫn em cách chụp hình tại buổi lễ.

Bài, ảnh: Vũ Phương

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)