Một tiết học tại Trường Tiểu học Trần Quang Diệu (Đà Nẵng)
|
Từ khi triển khai thực hiện thông tư 30 của Bộ GD-ĐT về việc bỏ chấm điểm ở bậc tiểu học, theo đánh giá của nhiều giáo viên (GV) tiểu học trên địa bàn Đà Nẵng, việc không lấy điểm số làm thước đo sự tiến bộ của học sinh (HS) đã giảm được áp lực cho các em.
Thế nhưng, đối với GV, công việc viết lời nhận xét vào vở, bài kiểm tra đòi hỏi phải cụ thể, chi tiết, nhất là phải chuẩn mực…
Chi tiết trong từng đánh giá
Theo cô Bạch Thị Đào, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quang Diệu (Q.Ngũ Hành Sơn): “Các lời nhận xét, đánh giá tập trung vào mục đích động viên, khuyến khích, tuyên dương những thay đổi tích cực, tiến bộ của HS. Đối với các vi phạm thì GV chủ yếu nhắc nhở giúp các em có tự tin để khắc phục sai lầm. Một điểm nữa đó là sau các lời đánh giá, nhận xét, GV có đưa ra biện pháp thiết thực để hỗ trợ HS tiến bộ. Đó là sự đổi mới đáng mừng của thông tư 30. Thế nhưng, để thực hiện được điều này, các GV gặp nhiều khó khăn ban đầu”. Khó khăn đầu tiên, theo cô Bạch Thị Đào, thay vì chấm điểm số cụ thể, ở mỗi bài tập, người GV phải thật chi tiết trong từng lỗi sai của HS để đưa ra nhận xét đúng và cô đọng nhưng phải mang tính khích lệ sự tiến bộ của các em. Như vậy, phải mất khá nhiều thời gian để GV hoàn thành nhận xét cho một lớp học trung bình có 35 HS. Đó là chưa kể với HS lớp 1, việc nhận xét dài không phải em nào cũng đọc được, mà đọc được thì chưa chắc đã hiểu được, buộc GV sau khi nhận xét phải “phiên dịch” lại cho HS biết rõ các em làm sai ở chỗ nào, cần sửa chữa chỗ nào…
Việc nhận xét, đánh giá thay điểm số cũng buộc GV phải chắt lọc từ ngữ để làm sao vừa nhận xét đúng năng lực HS, phù hợp với từng em đồng thời tránh hiện tượng nhận xét chung chung, thiếu rõ ràng để phụ huynh có thể theo dõi và hỗ trợ thêm ở nhà cho con em. Như vậy, ngoài sự tận tâm, GV đứng lớp phải tạo được mối liên hệ chặt chẽ với phụ huynh, nhất là với HS lớp 1 để phụ huynh nắm rõ tình hình học tập của con em; qua đó có thể hỗ trợ GV bổ trợ thêm các phần còn yếu cho con em.
Để tạo thêm động lực cho HS trong học tập, các thầy cô giáo ở Trường Tiểu học Trần Quang Diệu còn nghĩ ra cách thông qua nhà trường, xin ý kiến cấp trên để in hình một bông hoa. Cô Bạch Thị Đào cho biết: “Chúng tôi thống nhất in hình bông hoa để khuyến khích HS khi các em đạt điểm tốt, hoặc các em có tiến bộ trong quá trình học tập. Tuy nhiên, nhà trường cũng quán triệt các GV không được lạm dụng bông hoa tạo ra cảm giác nhàm chán ở HS, mà phải biết tặng bông hoa như một sự chứng nhận về thành tích, sự nỗ lực cố gắng của mỗi em”.
Cũng có cách sáng tạo như trên, Trường Tiểu học Hải Vân (Q.Liên Chiểu) đã áp dụng ngay từ những ngày đầu triển khai thông tư 30 cho HS lớp 1. Cô Trần Thị Nhàn, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Thực hiện tinh thần thông tư 30, ở các buổi sinh hoạt chuyên đề, Hội đồng sư phạm nhà trường thường xuyên đưa ra những tình huống để GV nhận xét, rút kinh nghiệm. Chúng tôi chủ trương phải nhận xét từng ý một, tùy vào bài làm của HS, làm sao để qua lời nhận xét HS thấy cái được và cái chưa được trong bài làm của mình cũng như cách khắc phục. Theo đó, nhận xét của GV vừa phải rất cụ thể, tỉ mỉ trong từng bước giải, đồng thời mang tính bao quát để HS cũng như phụ huynh hiểu. Riêng với HS lớp 1, thời gian đầu các em chưa thể đọc được lời nhận xét của GV, nhiều thầy cô đã thống nhất các ký hiệu để biểu đạt như: Mặt cười, bông hoa đúng – sai, hoa nở nhiều thì bài làm tốt, chỉ mới là nụ hoa thì bài làm chưa đạt…”.
Còn nhiều cái khó
“GV chủ nhiệm chỉ phụ trách một cuốn sổ nhận xét toàn lớp, mỗi tháng thực hiện nhận xét 1 lần. Nhưng GV bộ môn, có người đảm nhận đến 21 lớp. Theo đánh giá đơn thuần, tính mỗi lớp 1 ngày thì phải mất gần cả tháng mới nhận xét xong”, cô Bạch Thị Đào nói.
|
Có thể nói thông tư 30 mang lại nhiều điểm nhân văn đối với HS tiểu học, tuy nhiên theo nhận xét của nhiều cán bộ quản lý và GV, việc bỏ chấm điểm thay bằng lời nhận xét, đánh giá khiến GV, đặc biệt là GV bộ môn mất nhiều thời gian hơn cho việc này. Bởi vì các nội dung đánh giá phải bao gồm các hoạt động: Quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của HS; tư vấn, hướng dẫn, động viên HS; nhận xét định tính về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của HS…
Theo cô Bạch Thị Đào, mỗi GV chủ nhiệm chỉ phụ trách một cuốn sổ nhận xét toàn lớp, mỗi tháng thực hiện nhận xét 1 lần. Nhưng GV bộ môn, có người đảm nhận đến 21 lớp. Theo đánh giá đơn thuần, tính mỗi lớp 1 ngày thì phải mất gần cả tháng mới nhận xét xong. Cô Bạch Thị Đào cho biết thêm, mới đây, để giảm nhẹ việc này, Bộ GD-ĐT đã có công văn hướng dẫn, chỉ nhận xét những HS có thành tích xuất sắc hoặc HS cá biệt. Tuy nhiên nhiều GV vẫn băn khoăn, nếu cứ nhận xét những HS ấy thì số còn lại sẽ bỏ trống, sẽ mất thẩm mỹ và hơi… áy náy với những HS không được nhận xét.
Mặt khác, việc dùng lời nhận xét cũng không phải dễ dàng đối với GV. Bởi GV phải tìm các từ, cụm từ làm sao vừa đảm bảo chính xác, chỉ được cái chưa đạt đồng thời có thể khuyến khích HS, lại phải tránh sự trùng lặp tạo cảm giác nhàm chán như: Tốt, giỏi… Ông Nguyễn Lâm, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Ngũ Hành Sơn, cho rằng việc đánh giá nhận xét của GV không được chung chung để tránh sự lơ là, không chú ý của HS trong các lần nhận xét sau đó. Và để làm tốt điều này, Phòng GD-ĐT Q.Ngũ Hành Sơn cũng đã thành lập các tổ hỗ trợ GV kịp thời “chấn chỉnh” những trường hợp GV có lời nhận xét chưa cụ thể.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Sử dụng thêm vở giao việc
Để đảm bảo cầu nối thông tin với phụ huynh, nhiều trường tiểu học còn có thêm vở giao việc. Cô Phạm Thị Ánh Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Duy Trinh (Q.Ngũ Hành Sơn), cho biết hiện có khoảng 50% GV trong trường sử dụng thêm vở giao việc để trao đổi, thông tin với phụ huynh. Tương tự, ở Trường Tiểu học Hải Vân (Q.Liên Chiểu) cũng áp dụng hình thức này cho lớp 1 và lớp 2. Theo đó, phụ huynh phải xem rồi ký vào vở giao việc của GV cho HS để nắm được những nhận xét hoặc những việc GV giao về nhà cho HS, từ đó phối hợp với nhà trường hỗ trợ thêm cho HS.
|
Bình luận (0)