Bộ Chính trị vừa thông báo kết luận về phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020. Theo đó, Bộ Chính trị đã đưa ra 7 nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục để khắc phục những yếu kém của ngành giáo dục hiện nay.
Quản lý giáo dục còn nhiều yếu kém
Kết luận của Bộ Chính trị cho biết giáo dục và đào tạo chưa thật sự được xem là quốc sách hàng đầu. Mặc dù được tăng đầu tư tài chính nhưng hiệu quả sử dụng chưa cao; công tác tổ chức, cán bộ, chế độ, chính sách chậm đổi mới. Chất lượng giáo dục còn thấp và không đồng đều giữa các vùng, miền; quan tâm đến phát triển số lượng nhiều hơn chất lượng.
Việc cho phép thành lập mới các trường CĐ, ĐH có phần dễ dãi, trong khi các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và đội ngũ giảng viên không đảm bảo, dẫn đến chất lượng đào tạo thấp, nhất là các trường ngoài công lập và các trường của địa phương. Chương trình, giáo trình, phương pháp giáo dục chậm đổi mới, chậm hiện đại hóa.
Đặc biệt, công tác quản lý giáo dục còn nhiều yếu kém và là nguyên nhân chủ yếu của nhiều yếu kém khác. Cơ chế quản lý giáo dục chậm đổi mới, chưa theo kịp sự đổi mới trên các lĩnh vực của đất nước. Đạo đức và năng lực của một bộ phạn cán bộ quản lý giáo dục còn thấp. Công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo chưa đáp ứng yêu cầu.
Định hướng liên kết đào tạo với nước ngoài để xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, dân tộc, xã hội chủ nghĩa còn nhiều lúng túng trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế; quản lý sinh viên Việt Nam đang theo học ở nước ngoài còn rất lỏng lẻo…
Những hạn chế khuyết điểm trên là do quán triệt không đầy đủ, thiếu sự chỉ đạo chặt chẽ… Tư duy giáo dục chậm đổi mới, chưa theo kịp với yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
7 nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục 2020
Trước những hạn chế trên, Bộ Chính trị đưa ra 7 nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục đến 2020.
Thứ nhất: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, mở rộng quy mô giáo dục hợp lý. Theo đó, cần coi trọng cả ba mặt dạy làm người, dạy chữ, dạy nghề; đặc biệt chú ý giáo dục lý tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống, lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc, giáo dục về Đảng…
Thứ hai: Đổi mới mạnh mẽ quản lý nhà nước đối với giáo dục và đào tạo. Theo đó, chấn chỉnh, sắp xếp lại hệ thống các trường đại học, cao đẳng, cán bộ giảng dạy, cơ sở vật chất, trang thiết bị và đầu vào của sinh viên; không duy trì các trường đào tạo có chất lượng kém. Thực hiện phân cấp, tạo động lực và tính chủ động của các cơ sở giáo dục. Tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm đối với các trường…
Thứ ba: Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng.
Thứ tư: Tiếp tục đổi mới chương trình, tạo chuyển biến mạnh mẽ về phương pháp giáo dục. Theo đó, rà soát lại toàn bộ chương trình và sách giáo khoa phổ thông. Sớm khắc phục tình trạng quá tải, nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa khuyến khích đúng mức tính sáng tạo của người học; chuẩn bị kỹ việc xây dựng và triển khai thực hiện bộ chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng hiện đại, phù hợp và có hiệu quả…
Thứ năm: Tăng nguồn lực cho giáo dục. Theo đó, miễn học phí cho học sinh, sinh viên gia đình chính sách, hộ nghèo; giảm học phí cho học sinh, sinh viên gia đình nghèo và hỗ trợ cho HS,SV các hộ có thu nhập thấp…
Thứ sáu: Đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục.Nhà nước tập trung đầu tư cho các vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước giảm sự chênh lệch về phát triển giáo dục giữa các vùng, miền…
Đặc biệt chú ý đến con thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với nước, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và học sinh khuyết tật thông qua phát triển các loại quỹ khuyến học, khuyến tài trong các tổ chức xã hội, trong các cộng đồng dân cư.
Thứ bảy:Tăng cương hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo. Giáo dục trong thời kỳ hội nhập quốc tế càng cần phải bảo đảm phát triển bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng, phát huy tối đa nội lực, giữ vững độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, từng bước tiếp cận nền giáo dục tiên tiến thế giới. Mở rộng hợp tác đào tạo đa phương gắn với việc tăng cường công tác quản lý nhà nước.
Hồng Hạnh (Dan tri)
Bình luận (0)