Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bộ Công an cảnh báo về thiết bị gian lận thi tốt nghiệp THPT

Tạp Chí Giáo Dục

Tại buổi làm việc với UBND TP.HCM về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024, ông Hoàng Văn Khoa Phó Cục trưởng Cục A06, Bộ Công an cảnh báo công nghệ gian lận thi đang ngày càng tinh vi, rất khó để phát hiện.


Đoàn công tác số 2 của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc làm trưởng đoàn kiểm tra tại điểm thi Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1, TP.HCM)

Cụ thể, ông Hoàng Văn Khoa lưu ý, tình hình hiện nay thiết bị không dây gian lận thi cử rất nhiều, năm ngoái hệ thống bút bấm trên đầu, năm nay không cần bấm mà chỉ cần ấn là tài liệu hiện lên trên đầu bút.

“Công nghệ đang ngày càng tinh vi, rất khó để phát hiện. Đề nghị TP.HCM quan sát biểu hiện của thí sinh hay các thiết bị như cúc áo, khuyên tai, kính bởi các thiết bị này có thể truyền thông tin ra bên ngoài. Cán bộ coi thi cần tăng cường công tác nhắc nhở thí sinh, tránh để thí sinh mang điện thoại vào phòng thi để tránh trường hợp đáng tiếc” – ông Hoàng Văn Khoa – Phó Cục trưởng Cục A06, Bộ Công an nhấn mạnh.

Trong quá trình kiểm tra một số điểm thi và khu vực in sao đề thi tại TP.HCM, đai diện A06, Bộ Công an cho biết còn một số nguy cơ. Trong đó, tại khu vực in sao đề thi còn nhiều cáp mạng, cáp điện thoại. Ông đề nghị TP.HCM cần sớm có phương án đưa cáp mạng ra khỏi khu vực in sao đề thi, khu bảo quản bài thi. Nếu không đưa ra được thì cần có phương án niêm phong tất cả các cáp mạng vì đây cũng là nguy cơ ảnh hưởng đến bài thi.

Bên cạnh đó, ông cho biết vẫn còn thiết bị thu phát sóng với hệ thống máy photocopy hiện đại có hệ thống phát wifi, đầu wifi camera hoặc một số máy tính có kết hợp wifi. Ông đề nghị TP.HCM cần có phương án vô hiệu hoá hệ thống wifi này.

TP.HCM cần chuẩn bị 2, 3 phương án dự phòng

Ông Huỳnh Văn Chương – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh thêm khâu in sao đề thi là khâu nhạy cảm nhất, chỉ cần 1 yếu tố nhỏ là cả nước bị tác động, do vậy rất lưu ý khâu bảo mật in sao đề thi.

Khâu coi thi; đặc biệt là truyền thông cho giáo viên, học sinh đến từng nhà, từng tổ dân phố phải vào cuộc, lưu ý các em thi không mang điện thoại vào phòng thi. Chấn chỉnh từ xa, phòng xa là chính.


Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương lưu ý TP.HCM cần chuẩn bị 2, 3 phương án dự phòng

Ngoài ra, ông cũng nhắc nhở TP.HCM lưu ý khâu an toàn thực phẩm, đặc biệt mùa này đang mưa TP.HCM cần tính phương án dự phòng, ví dụ di chuyển khi ngập nước.

“TP.HCM cần tính đến 2, 3 phương án, để có sự dự phòng, không chủ quan được. Đặc biệt, lưu ý khoảng cách điểm bảo quản đồ thí sinh là cách phòng thi 25m. Tránh trường hợp cán bộ coi thi để điện thoại trong cốp xe trong nhà xe sát phòng thi, đến khi điện thoại đổ chuông thì vi phạm quy chế thi, không đảm bảo quy chế cách phòng thi 25m…” – ông Huỳnh Văn Chương nói thêm.

Ngoài ra, theo ông, tại điểm tổ chức thi còn khu vực tiếp giáp với nhà dân mà chưa có phương án có rèm che. Do vậy ông đề nghị thành phố có phương án bổ sung, nếu không có phương án lắp được rèm thì phải lắp kính huỳnh quanh để bên ngoài không nhìn vào được.

Kiểm tra an ninh an toàn thiết bị, đề nghị tổ chức kiểm tra sớm, số lượng khối lượng thiết bị rất nhiều.

“Đề nghị TP.HCM rà soát lại toàn bộ khu vực in sao đề thi, bảo quản đề thi và tổ chức thi, ngắt toàn bộ kết nối hệ thống có dây và không dây” – ông Khoa đề nghị.

Không chủ quan, lơ là

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc đánh giá TP.HCM nhiều năm đã tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT song do là địa bàn đông thí sinh dự thi, có thể có nhiều tình huống phát sinh phức tạp do vậy không chủ quan. Vì chỉ cần lơ là chút thôi là có thể gây ra ảnh hưởng lớn. Đề nghị TP.HCM tiếp tục sâu sát để làm tốt hơn nữa.

Ông cũng đề nghị TP.HCM tếp tục rà soát bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kỳ thi, các văn bản hướng dẫn, quy định của Bộ GD-ĐT, trong đó cần căn cứ vào văn bản hợp nhất mới nhất.

“Cố gắng ôn thi cho học sinh, hoàn thành chuẩn bị sẵn sàng tâm lý tốt nhất bước vào kỳ thi. Việc tổ chức kỳ thi cần an toàn nghiêm túc nhưng không quá căng thẳng, làm sao tạo cho học sinh tâm lý thoải mái đi thi, đật được kết quả tốt nhất. Tinh thần là toàn bộ hệ thống cùng hỗ trợ các em. TP.HCM cần truyền thông sớm đến thí sinh để các em nắm, nhất là quy định không mang điện thoại vào phòng thi, để các em không vi phạm mang vào phòng thi, ảnh hưởng đến thí sinh” – ông Nguyễn Văn Phúc nhắc nhở.


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc làm việc với TP.HCM chiều 10-6

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra từ ngày 27 đến 29-6. Thời gian chấm thi là từ 31-6 đến 15-7. Kết quả thi được công bố vào 8g sáng ngày 18-7.

Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc lưu ý đến việc phối hợp hỗ trợ giữa Ban chỉ đạo thi Thành phố với các quận, huyện, để các địa phương, ban ngành có sự phân công phối hợp tổ chức tốt kỳ thi. Ông đề nghị thành phố tập huấn kỹ về quy chế cho thầy cô mới, và thầy cô đã coi thi nhiều năm, tránh việc chủ quan. Thành phố cũng cần rà soát lại các điều kiện tổ chức kỳ thi từ điểm thi, khu vực in sao đề thi, ngắt các thiết bị không dùng đến đảm bảo an toàn kỳ thi.

“Hiện nay công nghệ cao gian lận thi cử ngày càng phức tạp. TP.HCM cần dự trù phương án tình huống bất thường tại điểm thi và cho kỳ thi, nếu xảy ra tình huống thì có phương án xử lý” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh thêm.

Yến Hoa  

 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)